Quảng bá văn hóa, làng nghề truyền thống Hà Nội tới bạn bè quốc tế Họa sĩ - nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát: Khắc họa nét văn hóa người Việt trong mỗi tác phẩm Quận Hoàn Kiếm dần trở thành một trung tâm sáng tạo của Thủ đô

Quận Tây Hồ có 3 nơi đều tổ chức chính hội trong lễ hội đình làng vào tháng 2 (âm lịch) hàng năm, đó là đình làng Phú Xá (phường Phú Thượng), đình làng Nhật Tân (phường Nhật Tân) và đình làng Yên Phụ (phường Yên Phụ).

Lễ hội là dịp hun đúc tinh thần yêu nước của nhân dân, khơi dậy niềm tự hào về truyền thống văn hóa, lịch sử của làng.

Nét đẹp văn hóa trong các lễ hội đình làng
Lễ dâng hương tại đình Phú Xá.

Đình Phú Xá (hay còn gọi là Tụy lạc đình) nằm ở trung tâm của làng Phú Xá (phường Phú Thượng). Đây là nơi thờ Nhị vị Đại vương: Hiển Huệ và Báo Hỷ - hai vị nhân thần đã hóa tại gềnh Sù nhưng rất linh ứng, giúp dân hộ quốc nên được dân làng lập đền thờ, tôn làm Thành Hoàng làng. Ngoài ra, nơi đây còn thờ Phó Tể tướng Nguyễn Kiều (1695 - 1752), người có công xây dựng đình.

Đình Nhật Tân nằm sát đê sông Hồng, phía trái đường Âu Cơ, thuộc khu dân cư số 1, phường Nhật Tân. Đình Nhật Tân xưa được gọi là điện Nhật Chiêu, đến triều vua Khải Định đổi thành Nhật Tân.

Đình Yên Phụ nằm trên một bán đảo nhỏ nhô ra hồ Tây, thuộc địa phận làng Yên Phụ (phường Yên Phụ).

Cả hai đình Nhật Tân và Yên Phụ đều thờ Đức Đại vương Uy Linh Lang, là vị hoàng tử, con trai của vua Trần Thánh Tông. Ngài là vị anh hùng của dân tộc, đã có công lao lớn trong cuộc chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông vào thời nhà Trần.

Nét đẹp văn hóa trong các lễ hội đình làng
Hát chèo, dân ca quan họ tại hồ Ao Vả trong lễ hội đình Yên Phụ.

Mặc dù chính hội của các đình làng Phú Xá, Nhật Tân, Yên Phụ vào ngày 10/2 (âm lịch) hàng năm, tuy nhiên, ngay từ ngày 8/2 (âm lịch) các hoạt động bên lề tại các lễ hội đã diễn ra tưng bừng, mang đến không khí vui tươi, phấn khởi cho người dân.

Trong việc tổ chức lễ hội, mỗi nơi đều có những nét đặc sắc mang đậm dấu ấn riêng của người dân từng địa phương nhưng tựu chung lại những lễ hội trên đều mang ý nghĩa biểu thị lòng tôn kính và biết ơn tới các vị Thành Hoàng làng, những người có công xây dựng, phát triển và tạo dựng quê hương.

Đây cũng là dịp để tôn vinh vẻ đẹp biểu tượng của đình làng và là dịp hội tụ những người con quê hương, đón những người con xa xứ trở về, giáo dục các thế hệ sau biết trân trọng, giữ gìn bản sắc dân tộc, một lòng xây dựng quê hương.

Nét đẹp văn hóa trong các lễ hội đình làng
Lễ rước nước đình Yên Phụ.

Những năm trước, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, các lễ hội đình làng tạm dừng tổ chức để phòng, chống dịch. Năm 2023, các lễ hội được tổ chức với không khí vui tươi, sôi nổi gồm nhiều hoạt động như: Đình Phú Xá tổ chức 2 đêm văn nghệ do chính người dân trong làng biểu diễn; đình Yên Phụ tổ chức hội thi “Tiếng hót chim vành khuyên”, liên hoan văn nghệ chào mừng lễ hội và chương trình biểu diễn nghệ thuật dân ca: Hát chèo, dân ca quan họ tại hồ Ao Vả; hát ca trù, chầu văn tại đình; đình Nhật Tân tổ chức liên hoan văn nghệ và thi thể dục thể thao...

Lễ hội tại các đình làng đã thu hút sự tham gia của đông đảo quần chúng nhân dân từ các địa phương. Ngay từ sáng sớm, các cụ cao niên trong làng đã sửa soạn áo mũ, khăn, đai chuẩn bị cho màn rước kiệu để thỉnh nước về làm lễ Mộc dục (tắm tượng). Đi theo đoàn rước kiệu do các thanh niên cường tráng, khỏe mạnh khiêng kiệu là đoàn múa sinh tiền, các vị chức sắc bô lão và nhân dân cùng hưởng ứng.

Trong khuôn khổ lễ hội truyền thống, Ban Tổ chức lễ hội tổ chức vinh danh những giáo viên, học sinh có thành tích trong công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập và vinh danh các nghệ nhân, lao động giỏi của làng.