Doanh nghiệp ngành dệt may đang phải đối diện nhiều khó khăn Nữ doanh nhân ‘dám nghĩ, dám làm’, đưa ngành dệt may vươn xa Ngành dệt may: Chuyển đổi để thích ứng trong khó khăn
Ngành Dệt May tự tin với mục tiêu xuất khẩu 48 tỉ USD năm 2023
Ngành dệt may nỗ lực phấn đấu xuất khẩu đạt 48 tỉ USD trong năm 2023. Ảnh: Hải Nguyễn

Phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 48 tỉ USD

Báo cáo mới nhất Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng, triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2023 sẽ rất khó khăn, “ảm đạm hơn” so với dự báo ​​trước đây. Một số tổ chức kinh tế thế giới cũng đưa ra nhận định, năm 2023, tăng trưởng toàn cầu được dự báo sẽ giảm xuống còn 3,8%.

Đồ họa: Phong Nguyễn
Đồ họa: Phong Nguyễn

Trong bối cảnh hội nhập sâu, rộng, nền kinh tế của Việt Nam cũng bị tác động không nhỏ, đặc biệt là lĩnh vực xuất nhập khẩu. Ở chiều xuất đi, mặt hàng dệt may - vốn bị coi là không thiết yếu bằng mặt hàng lương thực, thực phẩm, sẽ kém lợi thế hơn trong năm tới.

Tuy nhiên, Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) vẫn tự tin cho rằng, các doanh nghiệp (DN) đang nỗ lực triển khai các giải pháp, phấn đấu mang về giá trị kim ngạch xuất khẩu (XK) 48 tỉ USD trong năm 2023 dù nền kinh tế thế giới còn nhiều biến động, khó lường trong năm tới.

Sở dĩ VITAS tự tin với mục tiêu trên là căn cứ kết quả kinh doanh của năm 2022: Dù gặp nhiều khó khăn, nhưng XK dệt may Việt Nam năm vẫn tăng trưởng 10% so với năm trước, đạt khoảng 44 tỉ USD trong năm nay. Với mức tăng trưởng này, XK dệt may Việt Nam đứng thứ 2 sau Bangladesh, nhưng xét về quy mô kim ngạch XK thì đứng thứ 3, chỉ sau Trung Quốc và Bangladesh.

Theo ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch VITAS, Việt Nam chuẩn bị kết thúc năm 2022 với nhiều khó khăn, thách thức nhưng kết quả đạt được của ngành dệt may hoàn toàn không nhỏ trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là tình trạng lạm phát tăng cao tại nhiều nền kinh tế lớn như Mỹ, Châu Âu (EU).

Đây là kết quả cực kỳ ý nghĩa, thể hiện sức chống chịu và nỗ lực của các DN, nhất là thời điểm những tháng cuối năm, nhu cầu nhập khẩu hàng dệt may từ các đối tác sụt giảm mạnh. Về thị trường, Mỹ vẫn là nước nhập khẩu hàng dệt may lớn nhất của Việt Nam, với hơn 18 tỉ USD; tiếp theo là Hàn Quốc: 4,2 tỉ USD, Nhật Bản, Trung Quốc: Gần 4 tỉ USD...

Cũng theo ông Vũ Đức Giang, năm 2023 ngành dệt may đưa ra hai kịch bản tăng trưởng: Ở kịch bản tích cực, XK dệt may có thể đạt 47-48 tỉ USD; ở kịch bản kém tích cực hơn, dự báo dệt may cũng sẽ mang về khoảng 45 - 46 tỉ USD.

Doanh nghiệp tự tin vượt thử thách

Ông Vũ Đức Giang cũng thẳng thắn chia sẻ, mặc dù đơn hàng XK của năm 2023 của ngành dệt may giảm khá sâu do ảnh hưởng bởi lạm phát và suy thoái kinh tế toàn cầu.

Bên cạnh đó, các DN cũng đối mặt với nhiều sức ép từ nhiều thị trường nhập khẩu lớn như: Mỹ, EU, trong đó yêu cầu hàng dệt may phải tái chế được, có tính bền vững cao, quá trình sản xuất phải cắt giảm tối đa phát thải… Nhưng các DN cũng đang nỗ lực khắc phục các khó khăn để đạt hiệu quả sản xuất, kinh doanh cao nhất.

Tuy nhiên, ông Vũ Đức Giang cũng đưa ra nhận định: Dự báo tổng cầu dệt may thế giới sẽ phục hồi mạnh mẽ trong quý III và quý IV/2023. Điều đáng nói là, ngành dệt may việt Nam đã và đang thúc đẩy giảm nhập khẩu, tăng nội địa hóa nguồn nguyên liệu, phụ liệu trong nước để giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm dệt may trên thị trường thế giới. Nếu các DN tận dụng được lợi thế từ các Hiệp định Thương mại lớn như CPTPP, EVFTA, đa dạng thêm thị trường… thì lợi thế cho ngành dệt may cũng không nhỏ.

Là một trong những “sếu đầu đàn” của ngành dệt may, dự kiến năm 2022 Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex) có thể vẫn đạt doanh thu 19.535 tỉ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Đây chính là tiền đề để Vinatex đặt mục tiêu phấn đấu tăng trưởng trong năm 2023.

Chia sẻ thông tin, ông Lê Tiến Trường - Chủ tịch HĐQT Vinatex, cho biết: Mặc dù dự báo năm 2023 kinh tế thế giới vẫn còn nhiều khó khăn khi tăng trưởng toàn cầu giảm, lạm phát vẫn ở mức cao, nhưng các DN dệt may đã không còn hoang mang trước những "bất định" của khủng hoảng.

"Chúng tôi sẽ bước một cách chủ động hơn, sẵn sàng các giải pháp ứng phó với điều kiện kinh doanh không tích cực. Thử thách lần này là cam go trong suốt hàng chục năm qua, con đường duy nhất là kiên định tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, xây dựng chuỗi cung ứng hoàn chỉnh và phát triển nguồn nhân lực, chuyển đổi số..." - ông Lê Tiến Trường nhấn mạnh.

Ông Vương Đức Anh - Chánh Văn phòng Hội đồng quản trị Vinatex - cũng cho hay: “Vinatex vẫn lo đủ đơn hàng sản xuất để người lao động có việc làm từ 40-48 giờ/tuần”.

Nhờ sự nỗ lực của các DN, thu nhập của người lao động được đảm bảo. Trong đó, ngoài tháng lương thứ 13, các DN như: Công ty CP Dệt may Hòa Thọ, Công ty CP Dệt May Huế, Tổng Công ty Phong Phú, Tổng Công ty CP Dệt May Hà Nội… đều có thêm ít nhất từ 0,5 - 2 tháng lương cho người lao động.

Mục tiêu từ nay tới năm 2025, Việt Nam sẽ có 20 thương hiệu thời trang đáp ứng nhu cầu trong nước và thế giới. Để hỗ trợ DN, VITAS sẽ tiếp tục thực hiện tốt vai trò kết nối các DN trong nước với nhau và các DN đầu tư nước ngoài hình thành chuỗi cung ứng, mở rộng thị trường XK. Song song với đó, VITAS phối hợp với các tổ chức quốc tế lớn triển khai các chương trình hỗ trợ DN về quản trị, chuyển đổi xanh, công nghệ mới, thiết kế, xây dựng thương hiệu...

Theo Phong Nguyễn/laodong.vn

https://laodong.vn/kinh-doanh/nganh-det-may-tu-tin-voi-muc-tieu-xuat-khau-48-ti-usd-nam-2023-1131382.ldo