Tập huấn công tác chuyển đổi số với cấp học mầm non Tìm ra 6 đội thi xuất sắc vào vòng chung kết AIoT InnoWorks 2022 TP.HCM: Vận hành Trung tâm Đào tạo Điện tử Quốc tế

Bùng nổ cơn sốt ChatGPT

Trong thời đại công nghệ số như hiện nay, trí tuệ nhân tạo (AI) trở thành một ứng dụng ngày càng phổ biến trong nhiều lĩnh vực, trong đó có giáo dục. Đặc biệt, khi ChatGPT xuất hiện, nó đã đang gây bão trên toàn thế giới vì có thể trả lời các câu hỏi và viết các bài luận, bài thơ giống như một người bình thường. Đối với sinh viên, ChatGPT có thể là một "món quà trời cho" vì nó có thể trả lời, là "sách giải" tự động cho những câu câu hỏi hay đề bài mà giáo viên, giảng viên giao phó.

Có thể thấy ngoài sự hữu dụng của ChatGPT là mặt trái ai cũng có thể nghi ngại. Đầu tiên là mối lo ngại về vấn đề gian lận hoặc đạo văn ở các trường học. Đến nay, chưa có trường học nào ở Việt Nam có văn bản chính thức cấm ChatGPT, nhưng ở trên thế giới đã có một số trường đại học như: Đại học Hồng Kông, Đại học Baptist, Đại học Science Po... đã cấm sinh viên sử dụng ChatGPT trong việc làm bài tập.

Tuy nhiên, việc cấm các công cụ AI có thể cản trở quá trình học tập của học sinh, sinh viên trong thời đại mới này. Cấm học sinh khám phá các công cụ AI cũng giống như cấm giới trẻ sử dụng điện thoại thông minh, nhất là khi các công cụ AI có thể sẽ sớm trở nên phổ biến. Vào tháng 3/2023, Baidu đã giới thiệu chatbot Ernie Bot do AI hỗ trợ, Google cũng đã cho ra mắt chatbot Bard của mình dưới dạng thử nghiệm ở Mỹ và Anh. Trong khi đó, Microsoft cũng đã xác nhận rằng, công cụ tìm kiếm Bing sẽ sớm được tích hợp GPT-4, phiên bản mới nhất của ChatGPT.

Ngành giáo dục sẽ thích ứng như thế nào với ChatGPT?

Câu lệnh yêu cầu viết lại đoạn cảm nhận về một khía cạnh trong một tác phẩm văn học và kết quả mà ChatGPT thực hiện được. Ảnh chụp màn hình

Nhóm Nghiên cứu mạnh Tâm lý học giáo dục, Trường Đại học Sư phạm TP.HCM đã dùng ChatGPT thực hiện một phần đề thi tự luận môn Ngữ văn, thuộc Kỳ thi tốt nghiệp phổ thông năm 2021 do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố. Kết quả cho thấy, ChatGPT đã thể hiện khả năng cung cấp các phản hồi chất lượng khá tốt trong thời gian là rất ngắn, trường hợp này là viết luận bằng tiếng Việt. Thậm chí nền tảng này còn có thể làm tốt hơn bằng cách tạo ra nhiều phiên bản khác nhau của đoạn văn tự luận đó.

"Cần thừa nhận vai trò và sức ảnh hưởng của ChatGPT đối với sự phát triển của giáo dục. Đó là những đóng góp mang tính tích cực nhưng cũng không ít hạn chế của nền tảng này mà người dùng cần nhận thức rõ để tránh lệ thuộc, lạm dụng. Điều này cần có những khảo sát chuyên sâu nhất là nghiên cứu mang tính diễn trình thay vì nhìn nhận một chiều hay cấm đoán hoặc kiểm soát thiếu chọn lọc", theo kết luận của Nhóm nghiên cứu.

Theo ThS Sầm Vĩnh Lộc, Khoa Giáo dục thể chất Trường đại học Sư phạm TP.HCM, trong “cơn sốt ChatGPT” như hiện nay, việc học sinh hay người dùng tìm hiểu và sử dụng nền tảng này là tất yếu. Tuy nhiên, từ sự hiểu biết về kiến trúc, cơ sở dữ liệu học tập mà ChatGPT sử dụng cũng như phương pháp phản hồi thông tin của nền tảng này cho thấy còn nhiều vấn đề cần xem xét.

"Học sinh cần được hiểu đầy đủ về ChatGPT để có thái độ và hành động sử dụng đúng đắn. Việc tận dụng đúng các lợi thế của trí tuệ nhân tạo nói chung, hay ChatGPT nói riêng sẽ giúp quá trình học tập của các em hiệu quả và nhanh chóng hơn. Tuy vậy, năng lực làm chủ hay bản lĩnh sử dụng ChatGPT mới là chìa khóa cần trang bị cho người dùng nhất là cho học sinh, sinh viên trong hành trình phát triển và hoàn thiện bản thân", ông Lộc cho biết.

Ông Lộc cho biết thêm, ChatGPT ảnh hưởng đáng kể đến giáo dục cả mặt tích cực và tiêu cực. Nó có thể được sử dụng để cá nhân hóa nội dung học tập, tự động hóa các nhiệm vụ lặp đi lặp lại và cung cấp cho học sinh truy cập tài nguyên giáo dục theo yêu cầu. Tuy nhiên, quan trọng là cân nhắc các khả năng có hại của ChatGPT như thiếu sự tương tác giữa con người, giảm sự suy nghĩ phản biện và nguy cơ chia sẻ thông tin sai lệch để có một cái nhìn khách quan, công bằng.

PGS.TS Đinh Điền, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM nhấn mạnh, ChatGPT nói riêng và trí tuệ nhân tạo (AI) nói chung đem đến nhiều cơ hội trong giáo dục đại học. Nhưng đi cùng đó là hàng loạt thách thức, nổi cộm là về đảm bảo chất lượng, các vấn đề đạo đức, tính chính xác và đặc biệt là quyền riêng tư của giảng viên, sinh viên và an toàn dữ liệu...

Ông cho rằng các nhà quản lý, người dạy và người học cần có sự hợp tác, áp dụng các giải pháp và hướng dẫn sử dụng ChatGPT và AI một cách hiệu quả.

Tác động của ChatGPT với đội ngũ sư phạm

Thực tế, sau khi gây sốt trên thế giới vì sự "lợi hại" của mình, tại Việt Nam đã có nhiều Hội thảo nghiên cứu về ChatGPT và ứng dụng trong giáo dục. Cụ thể, ngày 13/2, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức toạ đàm ChatGPT, Trí tuệ nhân tạo - lợi ích và thức thức đối với giáo dục; ngày 23/2, Trường Đại học Giáo dục đã tổ chức toạ đàm khoa học Giáo dục và hệ sinh thái AI-GPT: Cơ hội và thách thức; ngày 25/2, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức hội thảo Giảng dạy và đánh giá kết quả học tập trình độ đại học trong bối cảnh ChatGPT...

Điều này cho thấy, các nhà quản lý giáo dục tại Việt Nam rất quan tâm đến sự đổi mới của công nghệ. Đặc biệt, việc ứng dụng ChatGPT trong giáo dục đang mở ra rất nhiều cơ hội cho giáo viên, giảng viên để cải tiến và nâng cao chất lượng giáo dục. Nhờ sức mạnh của trí tuệ nhân tạo, ChatGPT có thể giúp giáo viên giảng dạy, tư vấn và hỗ trợ học sinh một cách hiệu quả và đa dạng hơn.

Ngành giáo dục sẽ thích ứng như thế nào với ChatGPT?
Nhiều chuyên gia cho rằng, ChatGPT không thể làm mất đi vai trò của người giáo viên.

Tuy nhiên, việc sử dụng ChatGPT cũng đồng thời đặt ra một số thách thức và yêu cầu sự đổi mới, chuyên môn và công nghệ của giáo viên, giảng viên. Để đạt được kết quả tốt nhất, giáo viên, giảng viên cần phải có khả năng tạo ra nội dung học tập phù hợp với ChatGPT, phải có kiến thức chuyên môn sâu rộng và phải luôn cập nhật các công nghệ mới nhất trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.

Theo TS Bùi Hồng Quân, AI và ChatGPT có thể hỗ trợ việc tự động hóa và giảm thiểu phần nào công việc liên quan đến việc thiết kế tài liệu giảng dạy, kiểm tra, đánh giá, quản lý lớp học và điểm danh, giúp giáo viên giảm thiểu thời gian và tăng năng suất. Cung cấp cho giáo viên nhiều nguồn tài liệu và công cụ hỗ trợ dạy học và cho phép giáo viên tương tác với học sinh nhanh chóng và hiệu quả hơn thông qua các kênh trò chuyện trực tuyến.

Tuy nhiên, AI và ChatGPT có thể gây ra sự phụ thuộc vào máy tính, giảm sự tương tác giữa giáo viên và học sinh. Điều này có thể làm cho giáo viên giảm bớt sự quan tâm và theo dõi sự phát triển phẩm chất, năng lực và nhu cầu của từng học sinh. Sự phụ thuộc vào công nghệ cũng có thể làm tăng sự lo lắng của giáo viên về sự gián đoạn hoặc lỗi của hệ thống và ảnh hưởng đến thời gian giảng dạy.

"Một số ý kiến cho rằng việc sử dụng AI và ChatGPT sẽ thay thế vai trò của giáo viên, dẫn đến việc học sinh bị cô độc và thiếu tương tác với thầy cô giáo. Tuy nhiên, điều này chỉ xảy ra khi ta trở nên hoàn toàn phụ thuộc vào công nghệ và không biết sử dụng nó một cách hợp lý và nhằm mục đích giúp đỡ. Sử dụng AI và ChatGPT chỉ đúng khi ta biết cân bằng giữa dạy và học, đảm bảo sự tương tác cần thiết giữa học sinh và giáo viên", ông Quân cho hay.

Trong khi đó, Tiến sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An khẳng định, ChatGPT không thể làm mất đi vai trò của người giáo viên, Vì suy cho cùng công cụ lao động của người giáo viên là rất đặc thù, đó là nhân cách của bản thân người dạy để góp phần tác động, hình thành nên nhân cách người học. Điều ChatGPT không bao giờ có thể làm được là các yếu tố về cảm xúc, sự tận tâm, sự thấu hiểu đối với từng cá nhân người học.

Theo ông, cách xử lý của thầy cô đối với mỗi học sinh sẽ truyền tải những thông điệp, bài học cho các em về kỹ năng sống, kỹ năng mềm, kỹ năng thực hành xã hội. Đó là vai trò rất đặc biệt của người thầy mà không thiết bị nào thay thế được.

ChatGPT được ra đời vào năm 2018 bởi OpenAI - một công ty nghiên cứu AI nổi tiếng của Mỹ. Với sự phát triển nhanh chóng và nhiều ứng dụng tiềm năng, ChatGPT đã thu hút sự quan tâm của nhiều người trong cộng đồng nghiên cứu AI cũng như các lĩnh vực khác nhau. Hiện nay, ChatGPT đang được sử dụng rộng rãi trong các lĩnh vực như tiếp thị, dịch vụ khách hàng, y tế, tài chính, thậm chí là giáo dục.

ChatGPT là một mô hình học sâu dựa trên kiến trúc Transformer, được huấn luyện trên lượng lớn dữ liệu văn bản từ Internet để học cách dự đoán từ tiếp theo trong một đoạn văn bản. Mô hình này cho phép xây dựng các ứng dụng văn bản tự động, như tư vấn, tạo nội dung, dịch thuật, và nhiều ứng dụng khác.

Cơ chế vận hành của ChatGPT bao gồm hai giai đoạn chính: huấn luyện và sử dụng. Trong giai đoạn huấn luyện, mô hình sẽ học từ lượng lớn dữ liệu văn bản để trích xuất các mẫu phổ biến và tính toán trọng số cho các thành phần của mô hình. Sau đó, trong giai đoạn sử dụng, mô hình sẽ áp dụng các trọng số đã học để sinh ra các đoạn văn bản mới dựa trên đầu vào được cung cấp.