Ngành nông nghiệp bám đuổi mục tiêu xuất khẩu 50 tỷ USD
Hướng tới nông nghiệp bền vững từ tiếp cận “sức khỏe cây trồng” Nâng giá trị nông sản bằng công nghệ thông tin |
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến điều hành họp báo thường kỳ Bộ NN&PTNT chiều 5/9 - Ảnh: VGP/Đỗ Hương |
Tại cuộc Họp báo, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, Bộ NN&PTNT đang quyết liệt thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn thực hiện "mục tiêu kép". Cụ thể, qua 8 tháng, giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt 36,3 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ.
Toàn ngành tiếp tục duy trì tăng trưởng, bảo đảm an ninh lương thực, thực phẩm, góp phần bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Bên cạnh tín hiệu vui về nhóm nông sản chính xuất khẩu đạt gần 15 tỷ USD qua 8 tháng, tăng 7,4%, ngành nông nghiệp cũng ghi nhận 7 nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu trên 2 tỷ USD gồm: cà phê, cao su, gạo, rau quả, điều, tôm, sản phẩm gỗ.
Về nguyên nhân lợn chết sau khi tiêm vaccine dịch tả lợn châu Phi, ông Nguyễn Văn Long, Quyền Cục trưởng Cục Thú y cho biết, Cục đã đề nghị các tỉnh, thành phố sử dụng vaccine dịch tả lợn châu Phi và Công ty cổ phần Thuốc thú y Trung ương Navetco nghiêm túc rút kinh nghiệm, chấn chỉnh công tác giám sát sử dụng vaccine.
Ông Nguyễn Văn Long cho biết: "Những nơi thực hiện theo đúng chỉ đạo của Bộ NN&PTNT và hướng dẫn của Cục Thú y về tiêm phòng vaccine dịch tả lợn châu Phi đến thời điểm hiện nay đều cho kết quả tốt. Bộ NN&PTNT đã yêu cầu 20 tỉnh, thành phố là nghiêm túc, rút kinh nghiệm bài học vừa qua của các tỉnh Bình Định, Phú Yên và Quảng Ngãi.
Cục Thú y cũng đã có hướng dẫn chỉ đạo trực tiếp cũng như phối hợp cùng các địa phương cũng như công ty khắc phục sự cố vừa qua. Đặc biệt là cần biết chính xác số lợn phản ứng sau tiêm, số chết là bao nhiêu để có phân tích đánh giá một cách khách quan và chính xác".
Làm rõ thêm vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định:"Quy trình khảo nghiệm và công bố vaccine được thực hiện rất kỹ lượng, đến nay đã tiêm được 21 nghìn liều trong diện hẹp và đều cho kết quả tốt.
Một số địa phương không thực hiện đúng chỉ đạo và hướng dẫn của Bộ NN&PTNT, cụ thể tiêm cả cho lợn nái, lợn con, lợn đực trong khi quy trình các đối tượng này chưa hoàn thiện. Bên cạnh đó, không khảo sát đánh giá môi trường nuôi có virus ở tự nhiên. Điều này phải rút kinh nghiệm".
Ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản - Ảnh: VGP/Đỗ Hương |
Trả lời về những giải pháp thúc đẩy xuất khẩu thủy sản những tháng cuối năm có đạt mục tiêu 9 tỷ USD hay không, ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết: "Qua 8 tháng kim ngạch xuất khẩu đã đạt 7,59 tỷ USD, với đà tăng trưởng như hiện nay, còn 4 tháng nữa mỗi tháng mỗi tháng tăng từ 800 triệu đô la đến 900 triệu USD chắc chắn đến cuối năm sẽ đạt mục tiêu, nếu thuận lợi có khả năng đạt 10 tỷ USD".
Liên quan đến thông tin Chính phủ Thái Lan thông báo, Thái Lan và Việt Nam đã nhất trí hợp tác trong việc nâng giá gạo trên thị trường toàn cầu, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt, khẳng định, Việt Nam tuân theo quy luật thị trường về giá lúa gạo. Năm nay, dự kiến sản lượng lúa của Việt Nam sẽ đạt 43 triệu tấn lúa đảm bảo an ninh lương thực, phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Ông Cường nhấn mạnh: "Về kế hoạch sản xuất, nếu không có điều kiện bất thường về thời tiết khí hậu, dịch bệnh cây trồng trên diện rộng sẽ đảm bảo được kế hoạch đủ lượng lúa xuất khẩu từ 6,5 triệu đến 6,7 triệu tấn gạo. Về giá còn phụ thuộc vào biến động của thị trường thế giới".
Cũng tại họp báo, các đơn vị trực thuộc Bộ NN&PTNT cũng làm rõ hơn những giải pháp thúc đẩy các nhóm ngành hàng nông sản có giá trị gia tăng; giá xăng dầu tăng cao ảnh hưởng đến sản xuất trồng trọt và thủy sản; các giải pháp để tháo gỡ thẻ vàng của Ủy ban Châu Âu (EC) đối với thủy sản Việt Nam…
Theo Đỗ Hương/chinhphu.vn
https://baochinhphu.vn/nganh-nong-nghiep-bam-duoi-muc-tieu-xuat-khau-50-ty-usd-10222090518493719.htm
Bình luận