Doanh nghiệp kỳ vọng về đơn hàng xuất khẩu quý 1 Nhiều mặt hàng thủy sản xuất khẩu sang Nhật Bản tăng trưởng dương Sắp diễn ra Phiên giao dịch việc làm đặc biệt dành cho quân nhân xuất ngũ

Ngành tôm đối mặt với nhiều thách thức

Theo báo cáo ngành hàng tôm 2018 - 2023 và dự báo tới năm 2025 của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), năm 2023, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ sau khi giảm liên tục trong các tháng đầu năm, từ tháng 7 đến hết năm, liên tục tăng trưởng 2 con số. Cả năm 2023, xuất khẩu tôm sang Mỹ đạt 682 triệu USD, giảm 15% so với năm 2022.

Xuất khẩu tôm sang thị trường Nhật trong năm 2023 liên tục sụt giảm do lạm phát tại thị trường này tăng cao, đồng yên giảm giá mạnh, ảnh hưởng tới quyết định mua hàng của các nhà nhập khẩu Nhật Bản. Năm 2023, xuất khẩu tôm sang thị trường này đạt 511 triệu USD, giảm 24% so với năm 2022. Tháng cuối cùng của năm 2023, xuất khẩu tôm sang thị trường này đã ghi nhận tăng 6% so với cùng kỳ năm 2022.

Ngành tôm và cá tra đối mặt với nhiều thách thức khi xuất khẩu giảm mạnh
Ngành tôm xuất khẩu đối mặt với nhiều thách thức

Theo nhận định của VASEP, thị trường này được đánh giá còn nhiều tiềm năng và sẽ phục hồi sớm hơn so với các thị trường lớn khác như Mỹ, EU trong năm 2024. Tại Mỹ và EU tôm sơ chế đơn giản từ Ấn Độ, Ecuador với giá rẻ đang có lợi thế hơn so với Việt Nam. Người tiêu dùng Nhật Bản yêu cầu sản phẩm phải ngon, bổ, đẹp mắt, chế biến cầu kỳ, tỉ mỉ, phù hợp với trình độ, năng lực chế biến của Việt Nam. Các sản phẩm tôm phổ biến từ Việt Nam xuất sang Nhật như tôm bao bột, tôm duỗi, tôm chiên, tôm sushi… Tôm Việt Nam vẫn giữ được lợi thế cạnh tranh tốt trên thị trường này.

Tại thị trường EU, năm 2023, xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU đạt 421 triệu USD, giảm 39% so với năm 2022. Các đối thủ cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường EU gồm Ecuador và Ấn Độ. Trên thị trường này, tôm Việt Nam vẫn giữ được ưu thế ở phân khúc cao cấp.

Năm 2023, xuất khẩu tôm sang Trung Quốc nằm trong xu hướng giảm chung tuy nhiên Trung Quốc là thị trường có mức sụt giảm thấp nhất trong số các thị trường nhập chính. Năm 2023, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Trung Quốc và Hồng Kông đạt 607 triệu USD, giảm 8% so với năm 2022. Nhu cầu nhập khẩu tôm của Trung Quốc vẫn tăng mạnh nhưng do có quá nhiều nguồn cung “đổ xô” vào thị trường này với giá chào thấp nên tôm Việt Nam rất khó cạnh tranh về giá.

Năm 2023, tôm Việt phải đối mặt với lạm phát cao, sức mua và giá tôm giảm, cạnh tranh gay gắt từ Ecuador, Ấn Độ. Những tháng cuối năm 2023, doanh nghiệp lại phải đón nhận tin không vui từ thị trường Mỹ. Đó là, Mỹ đã khởi xướng điều tra chống trợ cấp với tôm nước ấm đông lạnh của Việt Nam.

Chưa rõ kết quả ra sao, nhưng xuất khẩu tôm Việt sang Mỹ sẽ bị ảnh hưởng. Đầu năm 2024, căng thẳng Biển Đỏ khiến giá cước vận tải biển tăng. Đà phục hồi cho xuất khẩu tôm sẽ còn đối diện nhiều cam go trong năm 2024, điều này đòi hỏi các doanh nghiệp trong ngành hàng tôm Việt cần nỗ lực hơn nữa để tiếp tục vượt khó trên chặng đường phục hồi. Dự báo kim ngạch xuất tôm trong năm 2024 đạt khoảng 4 tỷ USD, tăng 5% so với năm 2023.

Xuất khẩu cá tra ghi nhận một năm đầy khó khăn

Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, xuất khẩu cá tra Việt Nam sang các thị trường năm 2023 đạt hơn 1,8 tỷ USD, giảm 25% so với năm 2022. Kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt Nam sang các thị trường tháng 12/2023 đạt hơn 158 triệu USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2022. Đây cũng là tháng thứ 2 liên tiếp giá trị xuất khẩu cá tra ghi nhận tăng trong năm 2023 đầy khó khăn.

Ngành tôm và cá tra đối mặt với nhiều thách thức khi xuất khẩu giảm mạnh
Xuất khẩu cá tra hướng đến mục tiêu 2 tỷ USD năm 2024

Năm 2023, Trung Quốc và Hồng Kông tiếp tục là thị trường nhập khẩu nhiều nhất cá tra từ Việt Nam. Năm 2023, xuất khẩu cá tra sang thị trường này về đích với gần 573 triệu USD, giảm 20% so với cùng kỳ năm 2022. Thị trường này đã tăng nhập khẩu các sản phẩm cá tra từ tháng 9/2023 và liên tiếp ghi nhận tăng trưởng dương trong 2 tháng sau đó. Tuy nhiên, tháng 12/2023 kim ngạch xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc giảm nhẹ 2% khiến tổng xuất khẩu sang thị trường này giảm 0,4% so với cùng kỳ năm 2022.

Tháng 12/2023, xuất khẩu cá tra sang Mỹ lần đầu ghi nhận tăng trưởng dương 21% so với cùng kỳ năm 2022, sau 11 tháng sụt giảm liên tiếp. Kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ trong tháng cuối năm 2023 đạt gần 20 triệu USD, giảm 15% so với tháng trước đó và chỉ cao hơn tháng 1, 2, và 7/2023 - các tháng ghi nhận sụt giảm sâu từ 43% - 81%.

Năm 2023, xuất khẩu cá tra vào 4 thị trường chính giảm đáng kể, xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong đó có cá tra phải đối mặt với rất nhiều khó khăn như kinh tế suy thoái, người dân các nước phát triển hạn chế chi tiêu, tồn kho lớn và lạm phát toàn cầu.

Tuy vậy, với sự điều hành linh hoạt của Chính phủ và nỗ lực của toàn ngành, các sản phẩm cá tra Việt Nam tiếp tục chinh phục thị trường 146 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Ngoài mặt hàng chủ lực là cá tra phi-lê, các sản phẩm phụ (bong bóng cá tra phơi khô, chả, cá tra ướp thì là…) được thị trường Mỹ, Trung Quốc, Malaysia, Singapore ưa chuộng.

Năm 2024, ngành cá tra đặt mục tiêu phấn đấu: Diện tích thả nuôi cá tra đạt 5.700ha, sản lượng cá tra thương phẩm đạt khoảng 1,7 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu dự kiến đạt 2 tỷ USD. Để đạt được mục tiêu này, toàn ngành cần tập trung hơn nữa cho việc xây dựng thương hiệu mạnh, chiến dịch tiếp thị nhằm tăng cường sự hiện diện, uy tín của cá tra Việt Nam trên thị trường quốc tế. Đẩy mạnh quảng bá sản phẩm cá tra thông qua triển lãm, hội chợ quốc tế, xây dựng mạng lưới đối tác và khách hàng trong, ngoài nước.

Bảo Thoa