Nghị định 35/2022 của Chính phủ: Mở lối thu hút đầu tư về nhà ở cho công nhân
Nghiên cứu tách riêng chính sách nhà ở công nhân Nhiều giải pháp phát triển nhà ở cho công nhân |
Khu nhà ở cho công nhân thuê tại thôn Bầu (Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội). Ảnh: Hải Nguyễn |
Còn nhiều bất cập
Thời gian qua, nhiều chính sách ưu đãi để giảm giá thành nhà ở, tạo điều kiện cho người lao động thu nhập thấp, khó khăn về nhà ở có cơ hội tiếp cận, như: Miễn tiền sử dụng đất; Hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài dự án; Cho vay ưu đãi lãi suất thấp;…
Với các chính sách ưu đãi nêu trên, đến nay trên địa bàn cả nước đã hoàn thành 276 dự án nhà ở xã hội (NƠXH) khu vực đô thị với tổng diện tích hơn 7,3 triệu m2 sàn. Trong đó, đối với NƠXH dành cho công nhân KCN đã hoàn thành 122 dự án, tổng diện tích khoảng 2,7 triệu m2 sàn.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Xây dựng, với số lượng nhà ở công nhân đã hoàn thành là 2,7 triệu mét vuông (đáp ứng khoảng hơn 340.000 NLĐ) thì mới đạt khoảng 40% mục tiêu về nhà ở công nhân KCN đến năm 2020).
Hầu hết số lượng công nhân còn lại hiện nay chưa có chỗ ở ổn định, đang phải ở tại các khu nhà trọ do người dân tự đầu tư xây dựng với giá thành thuê nhà khoảng 2-4 triệu đồng/tháng, đáp ứng từ 4-6 người ở nhưng chất lượng kém, không bảo đảm an ninh, an toàn, không đầy đủ tiện ích...
Điển hình là trường hợp của chị Lê Thị Bích Hải (quê Cẩm Khê, Phú Thọ) - công nhân Công ty TNHH linh kiện điện tử SEEV tại huyện Đông Anh, TP.Hà Nội. Làm công nhân, tài chính ít nên chị phải thuê căn trọ nhỏ chỉ chừng 15m2 để ở. Cả căn phòng của chị Hải, thứ làm mát duy nhất chỉ có một chiếc quạt cũ mèm trong những ngày nắng nóng.
Phải thừa nhận rằng, công nhân là một trong những lực lượng chính tạo ra của cải vật chất cho xã hội nhưng đời sống của họ đặc biệt là công nhân trong các KCN hết sức vất vả. Lẽ ra, họ phải được chăm sóc và được quan tâm nhiều hơn nữa từ ăn, ở và chế độ làm việc…
Tại các KCN chủ yếu thiên về tạo ra quỹ đất và kêu gọi các doanh nghiệp thuê để tổ chức sản xuất chứ chưa thực sự quan tâm đến đầu tư xây dựng hạ tầng xã hội.
Nhiều KCN đang thiếu hụt hạ tầng xã hội cho người lao động như nhà ở, khu vui chơi giải trí, trường mẫu giáo cho con em công nhân… Do đó, công nhân phải ra thuê trọ ngoài nhà dân và sinh sống ở nơi chật chội, thiếu thốn, đông đúc.
Khi dịch bệnh bùng phát, những khu nhà ở này tiềm ẩn nhiều mối lo do mật độ đông, điều kiện sống và sinh hoạt không đảm bảo…
Lối đi riêng cho nhà ở công nhân
Đánh giá của các chuyên gia cho thấy, vấn đề nhà ở, phúc lợi xã hội và đời sống công nhân trong các KCN chưa được cải thiện rõ rệt; quy hoạch phát triển nguồn nhân lực gắn với ngành nghề thu hút đầu tư trong các KCN còn thiếu, việc huy động vốn đầu tư xây dựng hạ tầng KCN còn khó khăn...
Ông Nguyễn Mạnh Hà - Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam - cho biết, các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản hiện nay đều mong muốn tham gia việc phát triển NƠXH, nhà ở cho công nhân bởi ngoài trách nhiệm kinh doanh, đó còn là trách nhiệm đối với cộng đồng, xã hội.
Thế nhưng, để thu hút doanh nghiệp tham gia phát triển loại hình này, cần giải quyết các vấn đề về thời gian, thủ tục, nguồn vốn cũng như hoạt động phân phối. Bởi trên thực tế, khi phát triển NƠXH, doanh nghiệp không chủ động được về dòng tiền, đối tượng mua nhà ở xã hội, giá bán, đều do nhà nước quyết định.
Mới đây, Nghị định 35/2022/NĐ-CP ra đời thay thế Nghị định 82/2018/NĐ-CP có thể coi là Nghị định điều chỉnh lần thứ tư về vấn đề nhà ở công nhân trong KCN.
Ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - cho biết, Nghị định 35 đã đưa ra nhiều chính sách ưu đãi nhằm động viên, khuyến khích các chủ đầu tư Khu công nghiệp đã tạo nên những khu công nghiệp xanh, sạch, đáp ứng đầy đủ hạ tầng kỹ thuật và xã hội, thực hiện theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cả về vấn đề môi trường và vấn đề an sinh xã hội.
Một điểm mới được các chuyên gia đánh giá cao là về vấn đề nhà ở và các công trình dịch vụ, tiện ích cho người lao động trong khu công nghiệp.
Tại Khoản 4 điều 4 Nghị định 35/2022/NĐ-CP quy định các KCN phải dành quỹ đất tối thiểu bằng 2% tổng diện tích để xây nhà ở cho công nhân.
PGS.TS Lưu Đức Hải - Viện trưởng Viện nghiên cứu Đô thị và Phát triển Hạ tầng nói rằng, cách đây 30 năm, trong KCN không có nhà ở, chỉ tập trung thu hút đầu tư, nâng tỉ lệ lấp đầy. Tuy nhiên khi KCN đi vào hoạt động thì phát sinh ra nhu cầu ở, sinh hoạt và tái sản xuất sức lao động của công nhân và Nghị định 35 đã giải quyết được vấn đề này.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng, các vướng mắc căn cơ của nhà ở công nhân vẫn nằm ở Luật Nhà ở.
Trả lời cử tri mới đây, lãnh đạo Bộ Xây dựng cho biết, để đảm bảo đồng bộ quy định pháp luật, một số nội dung vướng mắc trong phát triển nhà công nhân phải tiếp tục được sửa đổi tại Luật Nhà ở và các pháp luật có liên quan. Do vậy, Bộ Xây dựng cũng đã nghiên cứu hoàn thiện hồ sơ, báo cáo Chính phủ về việc sửa đổi Luật Nhà ở 2014.
Theo
/laodong.vn
Bình luận