Lừa đảo trong thương mại quốc tế: Cẩn thận nguy cơ "sập bẫy" Thủ đoạn đặt đơn hàng ảo, chiếm đoạt mã giảm giá trên Shopee

Qua giám sát, theo dõi phản ánh của người dùng trên hệ thống tiếp nhận phản ánh tin nhắn rác, cuộc gọi rác thông qua đầu số 5656 và Tổng đài 156, thời gian gần đây, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam - Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông liên tục ghi nhận nhiều phản ánh từ người dân khi nhận được cuộc gọi lừa đảo từ các số điện thoại lạ, mời tham gia hội nhóm Telegram, Zalo để đầu tư tài chính với mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản người dùng.

Người dân cần tỉnh táo, kiểm chứng thông tin để tránh sập bẫy lừa đảo
Ảnh minh họa: Nguồn Cục An toàn thông tin

Đây là hình thức lừa đảo đã diễn ra khá phổ biến trước đây, dù chiêu trò của các đối tượng không mới, nhưng rất tinh vi, vì thế vẫn có nhiều người dùng mạng xã hội tin theo và bị lừa. Các đối tượng lập các sàn giao dịch, trang web giả mạo sàn giao dịch quốc tế, sau đó giao cho đội ngũ nhân viên telesale gọi điện mời chào nhà đầu tư tham gia các nhóm tư vấn, trao đổi qua Zalo và Telegram.

Sau khi nhà đầu tư tham gia nhóm, đối tượng và thành viên của nhóm liên tục nhắn tin, gọi điện thuyết phục nhà đầu tư thực hiện các nhiệm vụ điểm danh nhận tiền, giao dịch đầu tư tài chính, mua bán tiền ảo, tiền mã hóa nhằm chiếm đoạt tài sản.

Khi giao dịch thành công, tội phạm sẽ thực hiện các biện pháp như chặn liên lạc, xóa mọi dấu vết của tài khoản đã sử dụng liên lạc. Đây là một dạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản phổ biến trên điện thoại trong thời gian gần đây.

Trước thủ đoạn lừa đảo trên, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam khuyến cáo, người dân cần cảnh giác, cẩn trọng trước các lời đề nghị hoặc giới thiệu hoạt động đầu tư qua bất cứ hình thức nào, nhất là trên mạng; khi muốn tham gia đầu tư, người dân cần tìm hiểu kỹ về phía đơn vị chủ quản, công ty quản trị.

Bên cạnh đó, người dân cần đề phòng trước thủ đoạn ngày càng tinh vi của các đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản công nghệ cao, không chuyển tiền hoặc cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ qua điện thoại, nếu có hiện tượng trên, người dân cần trình báo ngay cho cơ quan công an để xử lý.

Bên cạnh thủ đoạn lừa đảo kiếm tiền online, nắm bắt được nhu cầu lấy chứng chỉ ngoại ngữ của người dân tăng cao, các đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo cấp chứng chỉ tiếng Anh.

Người dân cần tỉnh táo, kiểm chứng thông tin để tránh sập bẫy lừa đảo
Ảnh minh họa.

Mới đây, Công an thành phố Hà Nội và Cơ quan An ninh điều tra đã khởi tố bị can đối với 6 đối tượng về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” liên quan đến việc cấp chứng chỉ tiếng Anh.

Cụ thể, từ tháng 9/2022 đến 18/6/2023, các đối tượng: Lê Văn Vàng (43 tuổi), Lương Việt Anh (37 tuổi), Nguyễn Văn Giảng (37 tuổi), Nguyễn Trường Doanh (41 tuổi), Trần Trọng Đại (31 tuổi) và Hoàng Thị Quỳnh Anh (41 tuổi) đã thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.

Các đối tượng sử dụng danh nghĩa tổ chức Cambridge International, một tổ chức không có thật, để tổ chức đánh giá năng lực ngoại ngữ tiếng Anh theo khung tham chiếu chung châu Âu bằng hình thức thi online và cấp chứng chỉ, sau đó chiếm đoạt tiền của người dân.

Trước thông tin trên, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) khuyến cáo người dân cần đặc biệt cẩn trọng khi đăng ký tham gia bất kỳ chương trình, dịch vụ của tổ chức/doanh nghiệp nào trên mạng xã hội. Người dân chỉ nên tìm đến các trang thông tin uy tín, người dùng cần thực hiện các bước xác minh danh tính đối tượng/tổ chức/doanh nghiệp trước khi thực hiện bất cứ giao dịch tài chính nào; tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng để tránh sập bẫy lừa đảo chiếm đoạt.

Đánh giá về lừa đảo trực tuyến, Thượng tá, Tiến sĩ Đào Trung Hiếu - Cục Truyền thông Công an nhân dân - Bộ Công an cho biết, các đối tượng lừa đảo thực hiện chiêu trò tinh vi, người dân dễ sập bẫy hơn và công tác đấu tranh tội phạm cũng phức tạp hơn. Qua quá trình điều tra, lực lượng công an đã xác định, hiện có ba nhóm lừa đảo chính gồm là giả mạo thương hiệu; chiếm đoạt tài khoản trên zalo, facebook và các hình thức kết hợp.

Trong đó có 24 hình thức lừa đảo chính, nổi bật là lừa đảo cuộc gọi video Deepfake, Deepvoice, dùng công nghệ để ghép mặt và giọng nói của người quen, sau đó nhờ chuyển tiền; lừa đảo giả danh cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án..., nói người nhà “vô tình” liên quan đến tội phạm như ma túy, bí mật an ninh...; lừa đảo giả mạo trang thông tin điện tử của các cơ quan, doanh nghiệp như bảo hiểm xã hội, ngân hàng, chứng khoán... thông báo các vấn đề được quan tâm về lương, bảo hiểm...

Để giúp người dân phòng tránh lừa đảo trực tuyến, Bộ Công an đã đưa ra yêu cầu, đề nghị người dân ghi nhớ, thực hiện tốt khẩu hiệu: “2 phải; 4 không” để phòng, chống, ngăn chặn tội phạm lừa đảo trực tuyến, bảo vệ tài sản.

Trong đó, 2 phải là: Phải thường xuyên cảnh giác, chủ động bảo mật các thông tin cá nhân, nhất là các thông tin quan trọng; phải liên hệ với công an khi có nghi ngờ, khi nhận được các cuộc gọi, tin nhắn hoặc các nội dung nghi ngờ là hoạt động lừa đảo.

4 không gồm: Không hoảng sợ khi nhận được điện thoại, tin nhắn, các thông tin mà người lạ gửi đến có nội dung xấu liên quan đến cá nhân và người thân, thông báo có liên quan đến các vụ việc, vụ án…

Không tham lam những tài sản, món quà không rõ nguồn gốc có thể nhận được một cách dễ dàng; không kết bạn với người lạ trên mạng xã hội; không được cung cấp các thông tin cá nhân để đối tượng có thể lợi dụng; khi các cá nhân không quen biết yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, hoặc yêu cầu chuyển tiền, hay làm một số việc thì tuyệt đối không được làm theo.

N.Hoa