Người phụ nữ gốc Hà thành và ngôi nhà bên Làng bích họa Tam Thanh
CEO Wiibike: "Giấc mơ của tôi là sẽ có những thành phố xe đạp, có làn đường cho xe đạp" Người biến đất nông nghiệp thành “vàng” Chuyện 8X “bỏ phố về quê” làm nông nghiệp sạch |
“Phải lòng” Làng bích họa Tam Thanh
Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, Vũ Chi Mai từng là học sinh chuyên Anh khóa đầu của Trường THPT Hà Nội – Amsterdam. Sau khi tốt nghiệp Cử nhân Ngoại ngữ và cao học ngành Quản trị Kinh doanh, chị làm công tác quản lý tại một chi nhánh ngân hàng ở Hà Nội. Thế nhưng, chỉ một lần đi qua Làng Bích họa Tam Thanh (Tam Kỳ, Quảng Nam), chị đã bị ngôi làng hiền hoà ven bờ biển miền Trung yên bình ấy “níu chân”.
Chị Vũ Chi Mai, chủ nhân của Mi Casa Beachfront |
Yêu thích tuổi trẻ, đặc biệt là trẻ em, cộng thêm học ngôn ngữ Anh từ nhỏ khiến mơ ước ngày xưa của chị là nối nghiệp mẹ trở thành giáo viên, hoặc làm nghề gì đó thật bay nhảy và hướng ngoại ngày càng lớn. Tuy nhiên, dường như nghề chọn người chứ người không được chọn nghề khi “vô tình” chị lại gắn bó với ngành ngân hàng ngay sau khi ra trường, đến nay đã gần 30 năm.
Công việc tại ngân hàng, đặc biệt với vai trò quản lý luôn bận rộn, thách thức và không bao giờ thiếu sức ép. Bản thân Vũ Chi Mai lại là người vừa hướng nội vừa hướng ngoại, vừa truyền thống vừa hiện đại và thích sáng tạo nên việc cân bằng cuộc sống khá tốt là niềm tự hào của bản thân chị.
Cách đây hơn 4 năm, khi đi du lịch qua Làng bích hoạ Tam Thanh, chị đã vô cùng yêu thích ngôi làng chài nhỏ hiền hoà với địa thế có một không hai: giữa một bên là biển Tam Thanh sạch sẽ và hoang sơ, một bên là con sông Trường Giang rộng lớn và hiền hoà.
Những bức tranh tường sống động mô tả con người, cảnh vật và đời sống của người ngư dân vùng biển và đặc biệt là những bức tranh của các hoạ sĩ mỹ thuật Hàn Quốc vẽ rất có hồn, từ ánh mắt, bàn tay đến những chi tiết nhỏ rất đời. Từ đó, ngôi làng chài nhỏ trở nên nổi tiếng với tên gọi: Làng bích hoạ Tam Thanh, ngôi làng bích hoạ đầu tiên ở Việt Nam.
Qua lại ngôi làng nhiều lần, chị quyết định mua một mảnh đất của người dân nơi đây với dự định xây nhà để ở khi về hưu. Tuy nhiên, không thể cưỡng lại vẻ hào phóng của biển với view ngút tầm mắt, vẻ đẹp bình dị mà thoảng chút hoang sơ của ngôi làng bích hoạ, nét thân thiện và mến khách của người dân nơi đây nên chị đã cảm hứng xây ngay ngôi nhà giữa mùa hè 2020.
Mi Casa Beachfront về đêm |
“Tôi rất thích mảnh đất này vì diện tích vừa đủ, xinh xắn và đặc biệt ở trên khá cao so với mực nước biển, nên an toàn và có tầm nhìn từ trên xuống biển rất đẹp, cũng không bị cát bay vào nhà vào mùa mưa bão. Địa thế cao hơn đường kè biển khiến ngôi nhà cũng được riêng tư hơn. Bên cạnh đó, từ tầng 2 ngôi nhà có thể nhìn ra dòng sông Trường Giang từ bất kỳ cửa sổ nào. Ngôi nhà vừa có tầm nhìn biển, vừa có tầm nhìn sông. Đây là một điều đặc biệt và đáng yêu. Tôi cũng chỉ thích xây 2 tầng vì không muốn phá đi vẻ nhỏ xinh của ngôi làng”, chị Chi Mai chia sẻ.
Ngôi nhà có giàn hoa giấy trong nắng hè trông thật bình yên với một mặt tiền đường Thanh Niên, con đường nhỏ, dài và duyên dáng chạy dọc ven bờ biển Tam Thanh, bên bờ kia là dòng sông Trường Giang rộng lớn với những đìa tôm hiền hoà. Một mặt tiền biển và cạnh hông tiếp giáp với đường bê tông nội bộ nối đường Thanh Niên xuống đường kè biển. Vùng nào đã có đường kè biển, vùng biển đó chống được xâm thực, sói mòn nhiều hơn. Con đường kè này cũng rất đẹp khi ngăn giữa các ngôi nhà và bờ cát, tạo chỗ cho người đi bộ dọc bên bờ.
Ngắm cảnh biển từ sân Mi Casa Beachfront |
Tự tay thiết kế từng chi tiết cho ngôi nhà, chị Chi Mai chọn ba màu: xanh nước biển, trắng chủ đạo và vàng thư nhấn nhá để sơn cho ngôi nhà. Chọn màu sắc như vậy vì chị muốn ngôi nhà của mình hoà chung tiếng nói về những sắc màu của bích hoạ trong làng, màu sắc phải vừa hài hoà và phù hợp với biển trời, sông nước, vừa nổi bật với khí hậu nhiệt đới của đất nước Việt Nam, vừa thể hiện bản tính của con người chị: sôi nổi, hoà đồng và không kém phần lãng mạn. Phủ trên bức tường rào màu xanh dương đậm là giàn hoa giấy hồng rực khiến ngôi nhà được thêm nét mềm mại tô điểm.
Điều đặc biệt là hình ảnh con thuyền buồm cuối cùng, câu chuyện văn hoá quý giá của miền biển Tam Thanh vừa qua đã được hoạ sĩ - nhà giáo dục, nhà nghiên cứu và phê bình nghệ thuật nổi tiếng Việt Nam Phan Cẩm Thượng (Hà Nội) và hoạ sĩ Nguyễn Thượng Hỷ (Huế) kể lại bằng những nét vẽ tài hoa cùng bút tích nguồn gốc trên bức tường màu đại dương chạy dọc hông nhà xuống biển của Mi Casa Beachfront, trung tuần tháng 7/2022. Điều tuyệt vời này khiến du khách vô cùng thích thú khi tìm hiểu về văn hoá địa phương.
Ngắm bình minh lên trên biển |
Ngôi nhà đẹp bên biển bình yên
Ngôi nhà ở trên cao có những ưu điểm tuyệt vời, tuy nhiên, ưu điểm đó khi xây dựng cũng là một điểm khó khăn khi đất ở trên cao, độ dốc từ mặt tiền đường Thanh Niên xuống đường kè bờ biển khá lớn. Mà chị thì muốn ngôi nhà phải thật an toàn, vững chắc. Phần móng phải được thăm khám thật kỹ địa chất và tính toán thiết kế với độ dốc nhà, sân, cầu thang… phù hợp với đặc điểm của mảnh đất và công năng sử dụng của ngôi nhà, kết hợp tính thẩm mỹ.
“Thời điểm bắt tay vào xây dựng ngôi nhà, khó khăn lớn nhất của tôi là bất đồng không thể giải quyết được với kiến trúc sư về kết cấu không phù hợp với thực tế xây dựng. Việc này khá đau đầu và mất nhiều thời gian. Có lúc tôi cũng thấy stress lắm nhưng quyết tâm không bao giờ từ bỏ và không được để mất thời gian nữa. Tôi quyết định vẫn khởi công và vừa làm vừa xin tư vấn kỹ thuật và điều chỉnh lại đáng kể những thông số quan trọng, chỉ giữ lại bản lay out vị trí các phòng chức năng”, nữ chủ nhân của Mi Casa Beachfront chia sẻ.
Cánh cổng của Mi Casa Beachfront |
Khó khăn thứ hai là chị ở xa, không có người quen tại địa phương để chọn phương án tự xây hay thuê nhà thầu xây dựng. Cuối cùng, cân nhắc mãi, chị chọn nhà thầu xây dựng ở An Phú, gần Tam Thanh vì họ hiểu về các vật liệu địa phương phù hợp, cũng như giảm chi phí ăn ở, đi lại của thợ sau khi đã yêu cầu họ cho xem các công trình đã trực tiếp xây dựng và nói chuyện kỹ với giám đốc công ty xây dựng này.
Khó khăn nữa là trong quá trình hoàn thiện căn nhà, do ở xa nên chị hay phải thu xếp nghỉ phép hay nghỉ cuối tuần bay từ Hà Nội vào chỉ đạo và giám sát thi công. Chị không thuê thiết kế nội thất mà thích tự làm, trong khi khâu hoàn thiện phải rất chi tiết và tỉ mỉ mà từng nhóm thợ không thể đợi được. Làm thế nào để khớp nối thời gian giữa các nhóm hoàn thiện khi ở xa và cũng đã cận Tết cũng là cả một vấn đề nhưng may mắn, chị cũng đã điều phối được.
Vũ Chi Mai cho biết, cùng với những khó khăn ấy, những gì chị thích thì lại không có sẵn tại địa phương. Ví dụ, thích từ nhà nhìn ra biển phải có view lớn nhất có thể thì các tấm kính ngoại cỡ của Eurowindow phải sản xuất tại Hà Nội và chuyển về Tam Thanh, lắp đặt đưa lên cao để vào nhà phải thuê xe cẩu. 100% đá tự nhiên lát sân cũng chọn mua và vận chuyển từ Đà Nẵng vào. Bên cạnh đó, nhà mặt biển mọi thứ đồ dễ bị rỉ nên trong nhà thay vì dùng đồ bằng sắt, chị sử dụng inox 304, đặt và mang từ Hà Nội vào.
Câu chuyện văn hoá trên tường nhà |
“Gia đình tôi mong muốn có một căn nhà ở biển như ngôi nhà thứ hai để thi thoảng về sống chậm lại một chút, được hít thở bầu không khí hoàn toàn trong lành, mạnh khoẻ; được thư giãn và nghỉ ngơi trong sự tinh khiết của đất trời, gần nhất với biển cả và hoà nhập với cuộc sống bình dị của những ngư dân hiền lành, chất phác và thân thiện trong một ngôi làng nhỏ mà xinh xắn”, chị Chi Mai chia sẻ.
Đặt tên cho ngôi nhà là Mi Casa Beachfront, kết hợp 2 thứ tiếng Tây Ban Nha và tiếng Anh, chị Mai giải thích: Mi Casa tiếng Tây Ban Nha nghĩa là “Ngôi nhà của tôi”. Ý nghĩa của cái tên này thật sự rất giản dị, vì đơn giản nó là ngôi nhà tâm huyết của gia đình chị.
Điều khác biệt nhất của Mi Casa Beachfront là phần thiết kế và sắp đặt nội thất. Tất cả những đồ decor, trang trí, tranh màu acrylic trên toan, tranh sỏi, tranh gỗ treo tường, bày trên giá vẽ, các nét vẽ tay trên gỗ, trên giấy, trên bảng thông tin,… hoàn toàn do chị Chi Mai và hai con gái thiết kế và tự vẽ thủ công. Bàn ghế sơn hay màu sắc của sóng và của hoa, của gió trên các hộc tủ treo quần áo cũng do chị tự vẽ và tự sơn. Chồng chị là người luôn theo dõi và động viên. Điều đó đặc biệt vì nó mang ý nghĩa gắn kết công sức và niềm yêu thích của tất cả các thành viên trong gia đình, với những độc bản mà không phải có sẵn hoặc mua được bằng tiền.
Nữ chủ nhân gốc Hà thành mong muốn mang lại cho du khách cơ hội gần gũi với thiên nhiên từ Mi Casa Beachfront |
Chia sẻ với các khách lưu trú tại Mi Casa Beachfront trong những khoảng thời gian nhà mình không về ở, nữ chủ nhân mong muốn mang lại cho khách hàng sự gần gũi với thiên nhiên, biển trời nhiều nhất có thể. Điều đặc biệt của ngôi nhà chính là khách lưu trú có thể ngắm màu xanh của biển, lắng nghe tiếng sóng và đón những ánh bình minh đầu tiên của ngày mới ngay trên giường ngủ, nhìn mặt trời từ từ thức dậy trên biển mà không cần bước chân xuống giường. Mặt biển nhìn từ các phòng này của Mi Casa Beachfront là những vô cực, không thấy đường chân trời. Bên cạnh đó, khách lưu trú có các tiện nghi tuy không xa hoa và lộng lẫy nhưng tinh tế và đầy đủ tại Mi Casa Beachfront.
Chị cũng mong muốn nhận được nhất từ phía khách hàng là niềm vui và sự hài lòng khi lưu trú tại đây cùng sự cảm nhận về vẻ đẹp còn hoang sơ của biển, của ngôi làng, hiểu về cuộc sống của những ngư dân bám biển cũng như sự thân thiện và chất phác của họ.
Để dễ dàng tiếp cận hơn với các khách hàng tiềm năng, ngoài yếu tố quan trọng nhất đối với nữ chủ nhân Mi Casa Beachfront là hiệu ứng lan truyền từ những cảm nhận tốt đẹp và tích cực của các khách đã lưu trú tại Mi Casa Beachfront chính là nền tảng thương mại số với các kênh truyền thông để chia sẻ thông tin như facebook, website, booking.com…
Một góc view từ ngôi nhà |
Hiện nay, công việc kinh doanh đang dần có sự tiến triển sau thời kỳ dịch bệnh Covid-19. Du lịch đang phát triển trở lại sau thời kỳ đóng băng. Tuy nhiên, Mi Casa Beachfront không đặt nặng hiệu quả kinh tế lên hàng đầu mà chú trọng mang tới sự hài lòng nhất có thể cho các khách lưu trú, luôn tái đầu tư, bổ sung các tiện nghi trong ngôi nhà để khách hàng luôn cảm thấy thoải mái và gần gũi như đang ở trong chính ngôi nhà của mình.
“Điều lãi nhất và lãi không ngờ tới khi kết hợp việc nghỉ dưỡng của gia đình với công việc kinh doanh dịch vụ lưu trú này chính là sự “phát sinh” và phát triển các mối quan hệ từ rất nhiều khách lưu trú, từ chỗ không quen biết nay trở thành bạn bè với những câu chuyện thật thú vị về văn hoá, con người, nhiếp ảnh và hội hoạ… Đó là điều vô giá và tuyệt vời nhất đối với tôi và gia đình”, chị Vũ Chi Mai cho biết.
Bảo Thoa
Bình luận