Nhiều kỳ vọng thị trường chứng khoán năm 2023
Chia sẻ tại Tọa đàm: “Thị trường chứng khoán 2023: Xu thế mới, lựa chọn mới" do VietnamBiz tổ chức ngày 27/9, ông Huỳnh Minh Tuấn, Nhà sáng lập Công ty cổ phần FIDT cho rằng, bối cảnh kinh tế hiện nay không có quá nhiều điểm sáng, thị trường chứng khoán Việt Nam đang trải qua bức tranh xám màu. Tuy nhiên, đây là giai đoạn lựa chọn hàng tốt, lợi thế thuộc về người mua, nhà đầu tư có vơ hội "đổi đời" nếu tìm đúng “long mạch”. Song việc đầu tư tùy vào "khẩu vị" rủi ro của từng người.
Ông Huỳnh Minh Tuấn, Nhà sáng lập Công ty cổ phần FIDT chia sẻ tại toạ đàm. |
"Lợi thế của Việt Nam là tỷ lệ nợ công/GDP đang giảm nhiều, hiện chỉ 43% trong khi trần nợ công là 65%. Nếu so sánh với giai đoạn Trung Quốc đưa nền kinh tế qua cuộc khủng hoảng năm 2008 - 2011 thì cũng như vậy. Đầu tư công sẽ là động lực chính cho nền kinh tế Việt Nam giai đoạn này. Bức tranh trung hạn vẫn hấp dẫn, bởi duy trì một mức tăng trưởng GDP cao (dự báo đạt mức 7% cho cả năm 2022). Dòng vốn FDI, FII vào Việt Nam đều nhìn vào các chính sách và các chỉ số như trên", ông Tuấn chia sẻ.
Nói về triển vọng thị trường chứng khoán quý 4/2022 và cả năm 2023, ông Đào Minh Châu, Phó Giám đốc phân tích cổ phiếu SSI Research nhận định, với nhiều điểm sáng vĩ mô 8 tháng đầu năm 2022 đưa đến niềm tin Việt Nam sẽ đạt được mức tăng trưởng 7%. Chỉ số PMI tháng 8 đạt trên mức 50 điểm tháng thứ 11 liên tiếp, với sự cải thiện về số lượng đơn đặt hàng mới từ khách hàng cả trong nước và quốc tế.
Trong thời gian tới, ông Châu đánh giá động lực tăng trưởng quý 4/2022 và 2023 đến từ chính sách tài khóa, với gói kích thích kinh tế có thể được giải ngân nhiều hơn vào quý cuối năm nay và trong năm 2023. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục được hưởng lợi từ sự dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam. Ngoài ra, Trung Quốc có thể dần nới lỏng các chính sách phong tỏa Covid-19 giúp thúc đẩy nhu cầu khu vực, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch.
Chia sẻ về các yếu tố rủi ro, ông Châu cho biết áp lực kinh tế thế giới càng tăng với rủi ro suy thoái sẽ ảnh hưởng tới kênh xuất khẩu của Việt Nam. CPI Việt Nam có độ trễ so với thế giới và có thể tăng mạnh vào cuối năm nay khi Chính phủ điều chỉnh các mặt hàng như giá điện, giá y tế và kỳ vọng tiếp tục tăng cao trong năm 2023.
"Chính sách tiền tệ ngày càng có xu hướng thắt chặt hơn kể cả trong và ngoài nước, cùng với việc kiểm soát chặt thị trường trái phiếu doanh nghiệp khiến bất động sản có nguy cơ sụt giảm, đặc biệt thị trường bất động sản trong 2023 và 2024 có rủi ro lớn đến từ đáo hạn nợ trái phiếu với mức đáo hạn gần 250.000 tỷ đồng", ông Châu nhận định.
Về triển vọng trong thời gian tới, ông Châu dự đoán lợi nhuận nhóm công ty niêm yết đạt mức khả quan, khoảng 16,7% và mức tăng trường lợi nhuận này sẽ có thể giảm trong năm 2023 xuống còn 13,3%.
Ông Trần Ngọc Báu, CEO WiGroup trình bày tại tọa đàm sáng 27/9. |
Trong khi đó, ông Trần Ngọc Báu, CEO WiGroup cho rằng, năm 2022 có vĩ mô tốt nhưng dòng tiền xấu, năm 2023 có vĩ mô xấu nhưng tiền tệ tích cực.
Dẫn thông tin dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu 2022 - 2024 từ các tổ chức lớn, CEO WiGroup cho rằng, các quốc gia lớn bước sẽ vào giai đoạn tăng lãi suất lớn, gây sức ép xấu hơn nữa đến triển vọng kinh tế thế giới. Riêng năm 2022 sự tăng trưởng chậm lại khá rõ, chỉ duy trì ở mức 2-2,5%, thấp hơn mức trung bình trước khi Covid-19 diễn ra.
Ông Báu cũng cho rằng, trong kịch bản xấu hơn nữa, tăng trưởng toàn cầu có thể chỉ ở mức 0-1%, suy thoái kinh tế là điều có thể diễn ra nhưng chưa có nhiều cơ sở. Sự tăng trưởng chậm lại của kinh tế toàn cầu diễn ra ở các nước phát triển nơi họ phải tăng lãi suất tương đối mạnh mẽ để kiểm soát lạm phát. Ở những quốc gia đang phát triển và mới nổi như Việt Nam, lạm phát không phải vấn đề nhưng vì bảo vệ tỷ giá nên phải tăng lãi suất, điều này gây áp lực lên tăng trưởng lên các quốc gia đang phát triển.
Bình luận