Nhiều ngành nghề vẫn đang có nhu cầu tuyển dụng lớn
Hơn 40 doanh nghiệp tham gia Phiên giao dịch việc làm chuyên đề tại quận Bắc Từ Liêm Cơ hội thuận lợi giúp người lao động tìm được việc làm với thu nhập hấp dẫn |
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), hiện nay mặc dù thị trường lao động đang phục hồi và phát triển nhưng vẫn có hiện tượng mất cân đối cung - cầu lao động cục bộ và có sự phát triển không đồng đều giữa các vùng miền, khu vực, ngành nghề kinh tế.
Những tháng cuối năm 2022, trước tác động bởi sự biến động của thị trường quốc tế và trong nước, một số doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may, da giày, chế biến gỗ... đã gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, bị cắt giảm đơn hàng, dẫn đến phải cắt giảm việc làm gây ảnh hưởng tới đời sống của người lao động.
Bộ LĐTBXH cho biết, theo báo cáo nhanh của 63 tỉnh, thành phố và các cơ quan liên quan, số lao động bị ảnh hưởng việc làm trong các doanh nghiệp đến nay là hơn 600.000 người (khoảng 4% tống số lao động trong doanh nghiệp), trong đó số lao động bị mất việc làm hơn 50.000 người (chiếm 8,4% số lao động bị ảnh hưởng).
Đáng nói, mặc dù tình trạng giảm lao động, giãn việc, giảm giờ làm, cho lao động nghỉ việc luân phiên… tiếp tục diễn ra nhưng một số ngành nhu cầu tuyển dụng vẫn cao, mức thu nhập hấp dẫn chẳng hạn như nhân sự trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thiết yếu, thương mại dịch vụ như chế biến lương thực, thực phẩm; dịch vụ lưu trú và ăn uống, giao nhận hàng hóa.
Nhiều ngành nghề, địa phương vẫn có nhu cầu tuyển dụng nguồn nhân lực lớn. Ảnh minh họa (Nguồn: Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội) |
Để kịp cung ứng hàng hóa dịch vụ cho các ngày lễ lớn, các đơn hàng năm 2023, nhiều ngành, nghề lại đang có nhu cầu tuyển dụng lao động lớn đợt cuối năm như: Thành phố Hồ Chí Minh có nhu cầu tuyển 25.000 lao động, Hà Nội có nhu cầu gần 28.000 lao động, Bắc Ninh khoảng 20.000 lao động, Đồng Nai khoảng 12.500 lao động... Như vậy, ngay tại các địa phương có doanh nghiệp bị giảm đơn hàng nhưng vẫn có doanh nghiệp tăng nhu cầu tuyển dụng.
Liên quan đến vấn đề này, tại Hội thảo "Phát triển thị trường lao động bền vững, bảo đảm an sinh xã hội trong phát triển kinh tế xã hội" diễn ra mới đây, ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐTBXH), cho biết, qua nắm bắt từ hệ thống các trung tâm dịch vụ việc làm ghi nhận một số địa phương phía Nam có tình trạng doanh nghiệp bị thiếu đơn hàng, một bộ phận người lao động khó khăn là thực tế đang diễn ra, song không phải trên toàn bộ thị trường lao động. Mặc dù vậy, tình hình năm nay có diễn biến phức tạp hơn đòi hỏi phải có các giải pháp hỗ trợ đa dạng.
Theo ông Bình, để hỗ trợ giải quyết việc làm, đòi hỏi hệ thống các trung tâm dịch vụ việc làm tại các tỉnh, thành phố cần có sự kết nối thống nhất, chia sẻ với nhau, khi đó các đơn vị, doanh nghiệp thiếu lao động ở địa phương này có thể sang địa phương khác để tuyển dụng.
Ở góc độ vĩ mô hơn, lãnh đạo Cục Việc làm cho rằng cần nhìn nhận thị trường lao động và người lao động, là một yếu tố trong quá trình phát triển kinh tế chứ không chỉ nhìn ở góc độ an sinh. Vì vậy, trong quy hoạch và cơ cấu thu hút đầu tư hiện nay, các địa phương cũng cần quan tâm nhiều hơn đến nguồn lực và quy hoạch nguồn lực lao động.
Tại Hội thảo này, chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình cũng nhận định, hiện rất khó dự báo thị trường lao động trong năm 2023 diễn biến như thế nào, bởi khi xem xét về xu thế của thị trường lao động cần xem xu thế của nền kinh tế Việt Nam trong năm tới. Tuy nhiên, theo ông Bình, có thể một số ngành nghề như dệt may, da giày, chế biến gỗ…vẫn tiếp tục gặp khó khăn trong những tháng đầu năm 2023, bởi vì sự phục hồi và nhu cầu của thế giới đối với những ngành này chắc chắn chưa thể tăng ngay được, đặc biệt sau khi dịp Nolel và Tết Nguyên đán đã qua đi.
Bình luận