Nhọc nhằn nghề xây tổ ấm
Làng nghề lồng đèn Phú Bình sinh tồn giữa thời hiện đại EVFTA thúc đẩy tăng trưởng thị trường công nghệ Việt Nam Ứng dụng công nghệ dự báo thị trường nông sản |
Nhọc nhằn nghề xây dựng
Tranh thủ lúc trộn xi măng để tô tường cho căn biệt thự ở thành phố Thủ Đức, anh Nguyễn Văn Hùng (quê Quảng Bình) vừa dùng đôi tay cháy nắng thoăn thoắt xúc từng xẻng vữa một cách điêu luyện vừa tâm sự, ngành xây dựng thì chuyện trèo cao, vác nặng, đội nắng mưa là chuyện bình thường. Vì sau tấm lưng cháy nắng, dưới những giọt mồ hôi đổ xuống là những đồng tiền lương mà gia đình ở quê đang trông mong từng ngày.
Bỏ quê hương vào Nam, sang Lào, Campuchia rồi lại vào Nam. Tính từ lúc bỏ học thời cấp 2 đến bây giờ, anh Hùng đã lăn lộn với xã hội hơn 20 năm và cũng từng đó thời gian anh trải qua vô số nghề. Bây giờ anh đã có vợ và 2 con, cuộc sống cũng bắt đầu vào nếp hơn, không còn ăn chơi nhậu nhẹt như trước. Nhưng cuộc đời vẫn còn quá khó khăn, khi trên vai anh Hùng còn phải gánh vác người anh trai đang bị rối loạn tâm thần và đứa cháu 4 tuổi đang điều trị hội chứng thận hư (con gái duy nhất của anh trai).
Anh Hùng vẫn lạc quan dù nghề thợ hồ lắm vất vả. |
Đưa áo lên lau mồ hôi, anh Hùng để lộ những vết chai lâu ngày, to như những cục u kì dị trên tay, đó là những vết thời gian bồi đắp như chứng minh cho sự khó nhọc của anh. Lần gần nhất vào TP.HCM đến nay cũng đã hơn 10 năm, anh Hùng giao lại toàn bộ gia đình cho người thân để vào Nam kiếm sống. Không vốn liếng, không học hành, không nghề nghiệp, thì nghề thợ hồ chính là cứu cánh của anh Hùng.
“Nghề thợ hồ là nghề nặng nhọc, nên đa số các thợ hồ đều xuất thân từ nông dân ở miền quê, bỏ việc dưới đồng ruộng lên làm việc trên những công trình, với mong ước có thu nhập cao để cuộc sống đỡ vất vả hơn. Một số ít là các thanh niên vừa tốt nghiệp cấp 3 không có việc làm, nên mới “dấn thân” vào nghề này”, anh Hùng nói.
Nghề thợ hồ cũng không đòi hỏi phải có bằng cấp, chứng chỉ về xây dựng, nên rất phù hợp với những người nông dân nghèo, không có bằng cấp. Bắt đầu vào nghề là đi theo thợ chính để học việc bằng cách “trộn hồ, xách hồ, chở gạch, buộc thép…”. Sau đó, qua nhiều năm học hỏi “thực chiến” sẽ được đôn từ thợ phụ (phụ hồ) lên thợ chính. Nếu lanh lẹ, có tiếng nói và đọc hiểu được bản vẽ thì có thể làm được “thợ cả” – như cách anh Hùng gọi là “cai”.
Đặc thù nghề xây dựng nay đây mai đó, nên luôn thiếu thốn cả vật chất và tinh thần. Niềm vui mỗi tối của các thợ hồ - như anh Trần Hoài Hoàng (quê Quảng Trị) kể - là uống chén rượu trắng lúc ăn cơm sau đó lên giường nằm mở nhạc vàng, nhạc quê hương, xem như tự cho mình một chút thư giãn sau một ngày làm việc vất vả. “Mỗi tối tôi thường gọi về cho vợ con ở quê để hỏi han sức khoẻ, theo dõi tình hình học tập các con. Nhưng mạng (internet) ở công trình yếu nên chỉ gọi chập chờn một lúc, sau đó tắt máy mở vài bài hát, rồi ngủ lúc nào cũng không hay”, anh Hoàng chia sẻ.
Đội thợ của anh Hoàng đổ bê tông vào lúc 2 giờ sáng. Ảnh: NVCC |
Anh Hoàng cho biết, một ngày làm việc thông thường kéo dài khoảng 8 tiếng, hầu hết thời gian này đầu phải làm ngoài trời, trừ lúc công trình vào giai đoạn hoàn thiện thì mới làm ở bên trong. Vì công việc nặng nhọc, tốn nhiều sức khoẻ nên thu nhập của thợ hồ cũng cao hơn so với các ngành nghề phổ thông khác. Tiền công cho thợ chính dao động từ 500.000 – 600.000 đồng/ngày, thợ phụ từ 400.000 – 450.000 đồng/ ngày. Nếu làm việc việc chăm chỉ, không nghỉ ngày nào (trừ các ngày Chủ nhật) thì lương một tháng có khi được hơn 15 triệu đồng – bao gồm tăng ca.
"Những đồng lương này được dành dụm kỹ lưỡng, trừ tiền xăng xe, ăn uống… thì số còn lại được gửi về quê để chăm lo cho vợ con, mẹ già. Từ đầu năm nay tiền công thì không thấy tăng nhưng chi phí, giá cả đều tăng như gió. Sau dịch đã khó khăn mà thu nhập cũng bị giảm nhiều phần, bây giờ phải tính toán chi li hơn trước mới đủ tiền lo tiền học phí, ăn uống cho hai đứa con đang học tiểu học và mẫu giáo ở quê”, anh Hoàng thở dài.
Rủi ro rình rập
Thu nhập cao cũng tỷ lệ thuận với mức độ rủi ro của nghề xây dựng so với các ngành nghề khác. Như ở công trình của anh Cao Trung Nghĩa (quê Quảng Trị), đa số các thợ phụ, thợ hồ không ai đeo dây an toàn, vài người thay mũ bảo hiểm bằng nón vành, có người đeo dép lê thay vì đeo giày bảo hộ như quy định. Đứng chênh vênh trên giàn giáo vừa dựng cách đây ít ngày, anh Nghĩa chỉ cần lơ đễnh là tai nạn có thể ập đến bất cứ lúc nào.
“Nghề nào cũng có rủi ro, nhưng có lẽ thợ hồ là một trong những nghề nguy hiểm nhất. Phải leo lên giàn giáo không có lưới bảo hộ, không có dây cáp an toàn, đầu đội chiếc mũ bảo hiểm rộng thênh. Chỉ cần lơ đãng là gặp tai nạn ngay lập tức. Nhưng vì đồng tiền mưu sinh thì anh em chúng tôi phải chịu khó, chứ làm nghề này mà đòi sạch sẽ, an toàn thì ai cũng muốn làm rồi”, anh Nghĩa cho biết.
Có người đeo dép lê, có người đội mũ vành... hầu hết các thợ hồ đều không đảm bảo phương tiện an toàn lao động. |
Ngoài việc rủi ro rình rập từ việc thiếu các phương tiện bảo hộ, thì những vật liệu xây dựng mà thợ hồ hay tiếp xúc thường xuyên như xi măng, vôi vữa… cũng từ từ bào mòn sức khỏe của những người làm nghề. Cộng thêm việc vệ sinh, ăn uống của những lao động nghề xây dựng thường không đảm bảo, chỉ tạm bợ qua ngày nên sức khoẻ cũng ngày càng đi xuống. Chính vì vậy, ngành xây dựng luôn đứng đầu trong những ngành có tỷ lệ lao động bị tai nạn nghiêm trọng trong nhiều năm qua.
Nhất là vào mùa mưa, công việc của những người thợ hồ càng vất vả và nguy hiểm hơn. Làm chung công trình với anh Hùng, anh Trần Xuân Vĩnh (quê Quảng Bình) cho biết, vào ngày mưa các công trình thi công ngoài trời sẽ gặp ảnh hưởng do không thể xây dựng. Lúc mưa xong thì phải gấp rút dọn dẹp để xây tiếp, lúc đó trên giàn giáo có dính xi măng khô tạo thành hồ, nếu không cẩn thận rất dễ bị trơn trượt.
Anh Vĩnh (phía trước) vác giàn giáo khi không có phương tiện bảo hộ. |
“Năm 2015, có một thợ phụ làm chung công trình với tôi ở Hà Tĩnh. Lúc đó nói mới 22 tuổi, vừa làm được vài tháng thì gặp tai nạn, khi đi trên giàn giáo không may bị trượt chân, ngã xuống từ tầng 3 chết tại chỗ. Lúc đó ai cũng rợn người… Đa số các công trình nhỏ hiện nay đều không có đầy đủ thiết bị, lưới bảo vệ nên sơ sẩy là rất dễ bị tai nạn, thậm chí tử vong”, anh Vĩnh kể lại.
Theo số liệu từ Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, trong năm 2021, tình hình tai nạn lao động nghiêm trọng trong lĩnh vực thi công xây dựng vẫn chiếm tỉ lệ cao, cụ thể có 16 vụ trên tổng số 52 vụ tai nạn lao động chết người (chiếm tỷ lệ 30,77%). Nguyên nhân chủ yếu của các vụ tai nạn lao động do vi phạm nội quy, quy trình, quy chuẩn, biện pháp làm việc an toàn; không có thiết bị an toàn, thiết bị không đảm bảo an toàn; không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân…
Nhà thầu đỏ mắt tìm thợ hồ
Lăn lộn với nghề từ năm 2012, anh Hoàng Đình Uy (thầu xây dựng dân dụng, quê Hà Tĩnh) đã cùng đội thợ của mình xây lên hàng chục công trình lớn nhỏ từ Hà Tĩnh trở vào TP.HCM. Anh Uy cho biết, những thợ hồ gắn bó với anh nhiều năm qua đã trở thành một gia đình thứ hai, có công trình ở tỉnh nào thì anh cùng đội thợ của mình di chuyển đến đó, mọi chi phí đi lại đều cho chủ thầu – là anh Uy chi trả.
“Lấy công trình làm nhà ở tạm bợ, chỉ cần tìm mua vài chiếc giường cũ hoặc kiếm vài tấm ván cốp pha là có chỗ nằm nghỉ ngơi qua ngày. Vừa tiết kiệm chi phí vừa có chỗ nằm thoải mái. Việc ăn uống, tắm rửa cũng được làm ngay tại công trình… Nói chung, cả đội thợ và thầu đều cùng nhau, ăn uống, ngủ nghỉ không có phân biệt cấp bậc tôi tớ”, anh Uy cho biết.
Nhiều chủ thầu xây dựng thiếu thợ hồ trầm trọng. |
Anh Uy cho biết, toàn bộ đội thợ của anh đều là những lao động tự do chuyên làm nông ở quê, người lớn tuổi nhất năm nay cũng gần 60, nhỏ nhất thì cũng hơn 25 tuổi. Để vào đội thợ xây, không cần bất kỳ giấy tờ nào mà chỉ cần thỏa thuận miệng, sau 5 phút hỏi han là ngày mai bắt đầu vào luôn công việc. “Không giấy trắng mực đen, không ràng buộc nên thợ hồ có khi làm vài ngày thấy không thích thì nghỉ, không ép họ ở lại được. Sau dịch, kiếm được người làm hồ khó nên lúc nóng giận cũng không dám quát tháo to tiếng”, anh Uy nói.
Bản thân anh Uy cũng chỉ là một nhà thầu tự phát nhờ “sống lâu lên lão làng”, chứ không có tư cách pháp nhân, vốn liếng hạn chế, chỉ nhận xây dựng những công trình theo quy mô hộ gia đình không cần hồ sơ, sổ sách, cho nên khi nhận thợ hồ vào làm việc cũng không cần giấy tờ hay hợp đồng, bảo hiểm. Bởi bản thân anh cũng không có những thứ này, điều vốn dĩ một người lao động nên có.
Theo anh Trần Văn Ninh (thầu xây dựng dân dụng, quê Quảng Bình) cho biết, sau dịch Covid-19, nhiều chủ thầu đang chạy đôn chạy đáo để tìm thợ xây, thợ phụ ở các miền quê từ Bắc vào Nam để kịp tiến độ công trình. Đơn cử tại công trình của anh Ninh, hiện nay đang vào giai đoạn hoàn thiện và chuẩn bị đến hạn bàn giao nhà cho chủ, nên phải “mượn” lại thợ ốp gạch từ một chủ thầu khác với giá 1 triệu đồng/ngày.
Đội thợ hồ của anh Ninh đa số tuổi đã cao. |
“Thu nhập ở quê hiện nay cũng khá cao, nếu trừ các chi phí như ăn uống, sinh hoạt, nhà trọ thì thu nhập về tay không thua kém TP.HCM, nên từ sau dịch Covid-19, những thợ hồ quyết định ở lại quê để làm việc. Vừa gần vợ con mà đỡ tốn chi phí về quê khi có việc gấp”, anh Ninh cho biết.
Một lý do khác được anh Ninh nhắc đến, là giới trẻ ở nông thôn hiện nay không mặn mà với nghề xây dựng tại Việt Nam, đa số đều chọn con đường xuất khẩu lao động ra nước ngoài (Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc…) với mức lương hứa hẹn cao hơn gấp đôi, phúc lợi cũng tốt hơn so với làm cùng ngành xây dựng ở Việt Nam.
“Một bộ phận khác thì làm ở các khu công nghiệp tại TP.HCM, Bình Dương, dù thu nhập thấp nhưng có bảo hiểm và rủi ro cũng ít hơn. Ngành xây dựng thì không có bảo hiểm, phúc lợi gì nên ngày càng không thu hút được lớp trẻ. Đa số các thành viên đội thợ của tôi hiện nay đều ngoài 40 tuổi… Sau này có khi ngành xây dựng là trở thành nghề ‘hot’”, anh Ninh thở dài nhìn đội thợ tóc hai màu đen trắng xen lẫn bụi xi măng đang cặm cụi xây tường.
Bình luận