Điểm sáng về phát triển sản phẩm OCOP Hà Nội đã có 1.649 sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng Mỗi huyện, thị xã sẽ có Trung tâm thiết kế, sáng tạo, quảng bá và bán sản phẩm OCOP

Đưa sản phẩm OCOP gắn kết du lịch

Nhằm quảng bá sâu rộng thương hiệu, sản phẩm, mô hình nông nghiệp gắn kết du lịch sinh thái đến khách tham quan và người tiêu dùng Thủ đô, ngày 10/11 vừa qua, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội đã phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện Mỹ Đức đã tổ chức chương trình Festival Nông sản, sản phẩm OCOP gắn kết du lịch Hà Nội năm 2022.

Chương trình Festival có quy mô 85 gian hàng giới thiệu nông sản, sản phẩm OCOP tiêu biểu đã thu hút sự tham gia của doanh nghiệp đến 14 tỉnh, thành phố gồm: Hòa Bình, Điện Biên, Hà Giang, Lào Cai, Thái Nguyên, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng, Lâm Đồng, Quảng Ninh và huyện Mỹ Đức (Hà Nội).

Các sản phẩm được trưng bày và giới thiệu tại Festival lần này là những sản phẩm nông sản, đặc sản địa phương; thực phẩm chế biến, sản phẩm OCOP được chứng nhận; sản phẩm nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao… có bao bì, nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc đầy đủ; sản phẩm thủ công mỹ nghệ, làng nghề truyền thống,…

Nỗ lực đưa sản phẩm OCOP vươn xa

Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận giúp khách tham quan trải nghiệm những sản phẩm từ tơ sen tại Festival Nông sản, sản phẩm OCOP gắn kết du lịch Hà Nội năm 2022. (Ảnh: Phạm Mạnh)

Nhiều nội dung, hoạt động phong phú, tiêu biểu đã diễn ra trong những ngày tổ chức Festival, điển hình như trưng bày, giới thiệu sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP, sản phẩm thủ công mỹ nghệ và làng nghề truyền thống; quảng bá sản phẩm nông nghiệp gắn kết du lịch nông thôn tiêu biểu của thành phố Hà Nội và các địa phương; quảng bá ẩm thực truyền thống. Ngoài ra, còn có những hoạt động biểu diễn nghệ thuật truyền thống, trò chơi dân gian như múa sạp, vẽ tranh, giao lưu văn hóa các dân tộc. Hoạt động tự làm sản phẩm OCOP tại chỗ cũng được tổ chức để người dân tham gia và trải nghiệm ở Festival.

Theo Ban tổ chức, chương trình là cơ hội để các đơn vị tham gia quảng bá sâu rộng thương hiệu, sản phẩm, mô hình nông nghiệp gắn kết du lịch sinh thái đến khách tham quan, người tiêu dùng Thủ đô, qua đó góp phần nâng cao giá trị thương hiệu, bảo tồn làng nghề truyền thống, đa dạng hóa sản phẩm OCOP gắn với du lịch địa phương; thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, bảo tồn không gian cộng đồng làng quê, truyền thống văn hóa, du lịch và các sản vật có nguồn gốc thiên nhiên.

Tại sự kiện, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội Bùi Duy Quang nhấn mạnh, sự kiện được tổ chức nhằm đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá mặt hàng nông sản, thực phẩm chế biến, sản phẩm OCOP, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, làng nghề truyền thống tiêu biểu của Hà Nội và các tỉnh, thành phố. Đồng thời, gắn kết hoạt động quảng bá du lịch, góp phần nâng cao giá trị thương hiệu, bảo tồn giá trị làng nghề truyền thống; góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, dịch vụ du lịch nói riêng và kinh tế - xã hội nói chung.

Kết nối, mở đường cho sản phẩm OCOP vào hệ thống siêu thị

Cũng nhằm đưa sản phẩm OCOP đến tay đông đảo người tiêu dùng, trong ngày 10/11, Sở Công Thương Hà Nội và hệ thống siêu thị MM Mega Market Việt Nam đã tổ chức “Tuần hàng OCOP - Sản vật Việt Nam phát triển và hội nhập”.

Tại sự kiện, ông Nguyễn Đức Toàn, Giám đốc điều hành MM Mega Market Việt Nam cho biết, là đối tác của Bộ Công Thương thông qua Biên bản ghi nhớ hợp tác được ký kết giữa hai bên vào tháng 8/2019, kể từ đó cho đến nay, MM Mega Market Việt Nam không ngừng phối hợp với Sở Công Thương các tỉnh, thành để triển khai nhiều chương trình nhằm hiện thực hóa các nội dung đã ký kết, trong đó, đẩy mạnh liên kết và tiêu thụ hàng hóa Việt Nam trong hệ thống phân phối của MM, cũng như hướng dẫn cho các nhà sản xuất Việt Nam nâng cao chất lượng hàng hóa để đáp ứng các tiêu chí, tiêu chuẩn, quy định của nhà phân phối trong bối cảnh hội nhập kinh tế.

Nỗ lực đưa sản phẩm OCOP vươn xa

Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa MM Mega Market Việt Nam với các nhà cung cấp sản phẩm OCOP. (Ảnh: Thùy Linh)

Về phía lãnh đạo Hà Nội, ông Nguyễn Thế Hiệp, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho hay, thông qua Tuần hàng, Sở Công Thương kỳ vọng sẽ có nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã kết nối được sản phẩm vào hệ thống MM Mega Market, đồng thời cập nhật thêm thông tin, yêu cầu về sản phẩm của hệ thống phân phối để điều chỉnh về bao gói, quy cách… để sản phẩm có thể kết nối vào hệ thống MM Mega Market trong thời gian tiếp theo.

Tham gia giới thiệu sản phẩm tại sự kiện, bà Nguyễn Thị Dần, thành viên Hợp tác xã nông sản Tân Việt Á (tỉnh Cao Bằng) cho biết, đây là lần thứ 2 hợp tác xã tham gia sự kiện và cũng là sự kiện mà đơn vị có được doanh số cao nhất và tiếp cận đến người tiêu dùng nhiều nhất.

Chương trình OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn, theo hướng phát triển nội lực, gia tăng giá trị cho sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ, được triển khai trên toàn quốc từ năm 2018. Qua 5 năm thực hiện, Chương trình đã được các tỉnh, thành trên cả nước tích cực hưởng ứng, xây dựng Kế hoạch để phát triển, quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP. Trong đó, Hà Nội đang tiếp tục dẫn đầu về số lượng sản phẩm OCOP, với trên 1.649 sản phẩm của 426 doanh nghiệp, đơn vị, trong đó ngành thực phẩm chiếm 65% sản phẩm, là những sản phẩm chất lượng, giá cả phù hợp đến với người tiêu dùng.

Trên thực tế, hiện đầu ra của các sản phẩm OCOP vẫn nhiều khó khăn, các chủ thể OCOP vẫn khó tiếp cận đưa hàng vào kênh phân phối hiện đại, đặc biệt là các siêu thị lớn hay kênh phân phối quốc tế.

Về việc này, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thế Hiệp cho hay, việc xúc tiến sản phẩm OCOP của các chủ thể OCOP trên địa bàn thành phố Hà Nội là một trong những nội dung, chương trình công tác của Sở Công Thương và được triển khai thường xuyên, liên tục trong những năm vừa qua. Kết quả cho thấy, ngày càng nhiều người tiêu dùng biết đến nhiều hơn các sản phẩm OCOP chất lượng và an toàn.

Tuy nhiên, chỉ sự vào cuộc của cơ quan chức năng là không đủ mà rất cần sự đồng hành của các chủ thể OCOP, các doanh nghiệp và các hệ thống phân phối. Theo đó, về phía các doanh nghiệp cũng như hệ thống phân phối cần sự hợp tác nhiều hơn để thúc đẩy cả chuỗi từ sản xuất đến tiêu dùng.

“Sở Công Thương Hà Nội sẽ tiếp tục đồng hành trong việc phát triển, giới thiệu sản phẩm OCOP, đa dạng hóa các phương thức xúc tiến thương mại cũng như kết nối rộng hơn với các đối tác trong hệ thống siêu thị cũng như các đơn vị nằm trong chuỗi sản xuất, phân phối và tiêu thụ sản phẩm”, ông Nguyễn Thế Hiệp cho biết thêm.