Hàng trăm sản phẩm nông nghiệp được trưng bày tại Đại hội đại biểu Hội Nông dân Thành phố “Nông dân Thủ đô xuất sắc” phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững

Bán rau… qua mạng

Hàng ngày, Công ty cổ phần Thực phẩm Vinh Hà (xã Hồng Thái, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) cho “lên sóng” những hình ảnh bắt mắt của hàng chục loại “combo” rau, củ, quả đầy sáng tạo. Mục tiêu của những “combo” đa dạng này để phục vụ người tiêu dùng rau xanh, trái cây cho cả tuần, vừa ngon, vừa đủ dinh dưỡng mà không bị lặp lại một cách nhàm chán.

Nông dân Thủ đô: Áp dụng công nghệ số để thúc đẩy doanh thu
“Combo” rau, củ, quả của Công ty cổ phần Thực phẩm Vinh Hà.

Những “combo” rau xanh này có giá dao động từ 200 - 500 nghìn đồng, trọng lượng từ 7 - 15kg. Đặc biệt, mỗi loại đều được đóng gói rất đẹp, bắt mắt bằng chính lá dong, lá chuối trong vườn… Với cách thức bán hàng này, kể cả trong mùa dịch Covid-19 những nông sản từ đây luôn “cháy hàng” và có lượng đơn hàng bán lẻ ổn định hàng ngày.

Bà Nguyễn Thị Mai - Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Vinh Hà cho biết, những ngày Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội khi dịch bệnh Covid-19 hoành hành, rau, quả đến kỳ phải thu hoạch, công ty không ngồi chờ “giải cứu” mà tập trung tìm phương án chuyển hướng kinh doanh.

“Trước những gợi ý, định hướng của Chi cục Phát triển nông thôn thành phố Hà Nội, chúng tôi đã tập trung bán hàng thông qua các kênh thương mại điện tử. Giữa lúc dịch bệnh, ai cũng lo lắng về việc ra chợ phải tiếp xúc nhiều, làm sao ngồi ở nhà mà vẫn đủ thực phẩm, đủ dinh dưỡng, tươi ngon, cho gia đình. Chúng tôi nghĩ cần phát triển mạnh kênh bán hàng trên mạng, đặc biệt đánh vào thị hiếu người tiêu dùng bằng cách sáng tạo ra những “combo” rau ngon, bổ, rẻ, đẹp”.

Nông dân Thủ đô: Áp dụng công nghệ số để thúc đẩy doanh thu
Vườn rau an toàn, hữu cơ của Công ty cổ phần Thực phẩm Vinh Hà.

Sau dịch, người trồng rau của công ty này đã sáng tạo ra nhiều hình thức mới, vừa cung cấp rau tươi, vừa đẹp mắt, đủ dinh dưỡng lại an toàn… Những “combo” rau, củ màu sắc bắt mắt, đủ dinh dưỡng, sạch, an toàn nhận được lời khen ngợi của nhiều khách hàng, không ít người đã là khách hàng trung thành. Mỗi ngày, Công ty cổ phần Thực phẩm Vinh Hà chốt trên dưới 100 đơn hàng với số lượng dao động từ 500 - 800kg rau, củ quả…

Không chỉ bán hàng theo phương thức online, doanh nghiệp còn livestream (phát trực tiếp) nhằm đưa hình ảnh sản phẩm tới trực tiếp người tiêu dùng, đồng thời quảng bá doanh nghiệp.

Dùng TikTok đưa hoa hồng đi muôn phương

Anh Lê Văn Cả (xã Mê Linh, huyện Mê Linh, Hà Nội) thường xuyên tổ chức các buổi livestream tư vấn về các loại hoa hồng cùng với cộng sự đứng sau máy quay là anh Lê Anh Quân.

Một nhóm chỉ có 2 thành viên cùng với một chiếc máy ảnh cơ bản nhưng đã sản xuất ra rất nhiều video với nội dung giới thiệu các loại hoa hồng, hướng dẫn mọi người những kỹ thuật chăm sóc hoa hồng cơ bản. Ê kíp đã có cho mình kênh TikTok với hàng trăm ngàn lượt người theo dõi, nhiều clip đạt được cả triệu view (lượt xem).

Nông dân Thủ đô: Áp dụng công nghệ số để thúc đẩy doanh thu
Anh Lê Văn Cả đang livestream tư vấn về các loại hoa hồng cho khách hàng.

Anh Lê Anh Quân chia sẻ: “Ở huyện Mê Linh, chúng em trồng hoa nổi tiếng từ trước đến giờ rồi, chúng em nghĩ tại sao lại không phát triển hoa để thúc đẩy cho bà con địa phương. Lúc đó chúng em mới quyết định làm về mảng hoa này và nhờ vào nền tảng mạng xã hội nữa. Khi áp dụng nền tảng mạng xã hội vào để kinh doanh mặt hàng cây cối này thì kinh tế của chúng em cũng có phát triển hơn”.

“Thời gian đầu, chúng em cũng chỉ nghĩ quay để vui thôi chứ không có ý định buôn bán gì cả. Nhưng bất ngờ là mọi người ủng hộ nhiều quá, cũng thấy có nhiều người hỏi mua. Lúc đầu có một vài đơn lẻ, chúng em cũng thấy bán được, chúng em mới nhận ra lợi thế của bán hàng online. Từ đó, chúng em quay nhiều hơn, làm nhiều clip hơn để mọi người biết đến và mua hoa của chúng em”, anh Lê Văn Cả cho biết.

Với mong muốn quảng bá làng nghề trồng hoa và làm giàu trên chính quê hương của mình, anh Lê Văn Cả và cộng sự đã sử dụng công nghệ để phát triển việc kinh doanh trực tuyến thay vì bị động ngồi chờ thương lái tìm đến như phương thức bán hàng truyền thống.

Nông dân Thủ đô: Áp dụng công nghệ số để thúc đẩy doanh thu
Vườn hoa hồng của anh Cả có hàng trăm giống hoa hồng khác nhau.

Dịp Tết Nguyên đán 2023, nhờ livestream bán hàng, anh Cả không chỉ tiêu thụ hết số hoa của gia đình mà còn bán hàng giúp gia đình hàng xóm, mang về doanh thu cả tỷ đồng. Ngoài việc tư vấn cho khách chọn mua hàng, anh Cả thường xuyên trao đổi, hướng dẫn những khách hàng cũ cách chăm sóc cây hoa. Từ đó, nâng cao uy tín kênh “Hoa hồng Mê Linh”, thu hút nhiều khách hàng mới và giữ chân người cũ.

Không chỉ chú trọng tìm kiếm và chăm sóc khách hàng, anh Cả còn quan tâm nhiều hơn đến khâu vận chuyển. Hoa tươi khi vận chuyển xa rất dễ khiến cây bị hư hại. Thời gian đầu có đến 20% đơn hàng khi vận chuyển bị tổn hại. Ðối với mỗi đơn hàng như vậy, cơ sở đều đền bù cho khách hàng.

Tuy nhiên, việc này cũng ảnh hưởng đến uy tín của nhà vườn. Anh Cả phải tìm tòi, trang bị những tấm bìa cứng 5 lớp về đóng gói để bảo đảm cây không bị dập nát khi vận chuyển. Kích thước bìa được cắt tương ứng với chiều cao của cây và đóng gói cẩn thận, phần bầu đất được dán băng dính chắc chắn, bảo đảm chất lượng của cây đến 98%. Vì vậy, sản phẩm hoa hồng Mê Linh đã được người tiêu dùng cả nước biết đến và đặt mua.

Nông dân Thủ đô: Áp dụng công nghệ số để thúc đẩy doanh thu
Anh Lê Anh Quân quay và sản xuất nhiều video giới thiệu về các loại hoa hồng ở Mê Linh.

Hiện anh Cả đang quản lý khoảng 30 vườn hoa với hàng trăm giống hoa hồng khác nhau. Vì diện tích trồng hoa lớn nên anh Cả phải thuê khoảng 20 người dân có kinh nghiệm để hỗ trợ trong việc chăm sóc vườn hoa, đồng thời tạo công ăn việc làm cho bà con địa phương.

Nhiều người dân ở xã Mê Linh cho biết, anh Cả là một trong những gương sáng trẻ tuổi, làm giàu từ chính đồng ruộng quê hương bằng cách áp dụng những công nghệ sản xuất mới nhất, qua đó đóng góp trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế nông nghiệp và nông thôn ở địa phương.

Nói về xu hướng bán hàng qua mạng của những nông dân ở huyện Mê Linh, ông Nguyễn Tiến Hùng - Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Mê Linh cho biết: “Đối với tất cả các sản phẩm, trong đó có các sản phẩm nông nghiệp hiện nay ở huyện Mê Linh cũng có một số nhà vườn đã đổi mới sáng tạo bán hàng trên mạng. Thực sự việc bán hàng trên mạng cũng đang đem lại hiệu quả rất cao. Những mô hình nông dân đổi mới sáng tạo, làm kinh tế giỏi này là những hộ tiên phong, đi đầu, đáng được khích lệ”.