Hàng ngàn du khách nô nức đi trẩy hội chùa Hương Du lịch Hà Nội tìm lối đi riêng để phát triển đột phá

Ấn tượng từ sự sáng tạo, đổi mới

Ngay từ đầu năm, để chuẩn bị tốt cho công tác quản lý tổ chức Lễ hội Du lịch Chùa Hương năm 2024, Huyện ủy Mỹ Đức đã ban hành quyết định và thành lập Ban chỉ đạo lễ hội, do đồng chí Bí thư Huyện ủy làm trưởng Ban chỉ đạo; Ủy ban nhân dân huyện Mỹ Đức ra quyết định về việc thành lập Ban tổ chức Lễ hội - Du lịch Chùa Hương với đầy đủ các thành phần để chỉ đạo, quản lý và điều hành.

Ban tổ chức đã xây dựng kế hoạch về việc quản lý, tổ chức Lễ hội - Du lịch chùa Hương năm 2024 và thành lập 5 tiểu ban, 1 trạm và 1 tổ kiểm tra liên ngành, xây dựng quy chế và phân công nhiệm vụ cụ thể, chi tiết cho từng tiểu ban. Đồng thời, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ hoàn thành công tác chỉnh trang giao thông, bến bãi, xuồng đò, quy hoạch sắp xếp hàng quán, dịch vụ, vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng, chống cháy nổ, quản lý các bến xe, vệ sinh môi trường, đảm bảo an toàn, chu đáo, sẵn sàng phục vụ du khách về du Xuân, trẩy hội.

Chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá trên các phương tiện truyền thông đại chúng, báo điện tử của Trung ương và Thành phố, tạo sự lan tỏa trên mạng xã hội Zalo, Facebook… xây dựng mã QR để khách tham quan tìm hiểu thông tin về các điểm di tích đê lan tỏa hình ảnh đẹp về sự văn minh, thân thiện, mến khách đến với đông đảo du khách thập phương, góp phần gìn giữ và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc.

Phát huy hơn nữa giá trị quần thể thắng cảnh Hương Sơn
Để tránh tình trạng ách tắc, quá tải trong những ngày diễn ra lễ hội, Ban Quản lý khu Di tích Thắng cảnh Hương Sơn thay vé giấy bằng vé điện tử.

Để đảm bảo công tác an toàn giao thông đường thủy nội địa, Ban tổ chức chỉ đạo Đội Thanh tra giao thông vận tải huyện chủ trì tuần tra, kiểm tra, rà soát toàn bộ trên dòng suối Yến; Giải tỏa hành lang an toàn giao thông đường thủy, đảm bảo thông thoáng hai bên bờ suối Yến; Phối hợp với Hợp tác xã dịch vụ du lịch Chùa Hương tuần tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các xuồng, đò chở khách không đúng quy định. Xử lý nghiêm các trường hợp bán hàng rong trên dòng suối Yến. Vì vậy không có tình trạng sử dụng xuồng máy và bán hàng rong trên suối Yến…

Điểm nổi bật của Lễ hội Chùa Hương năm 2024 có sự đổi mới trong công tác quản lí điều hành vận chuyển thuyền đò phục vụ cho du khách về tham quan lễ phật đảm bảo an toàn văn minh để lại ấn tượng tốt đẹp đối với du khách. Công tác vận chuyển phục vụ du khách được giao cho Hợp tác xã Dịch vụ du lịch Chùa Hương quản lý chặt chẽ và điều hành sắp xếp khoa học, với 3.681 phương tiện, trong đó có 2.853 xuồng và 828 đò.

Toàn bộ thuyền, đò được đăng ký, đăng kiểm, gắn biển số quản lý các phương tiện vận chuyển khách theo số thứ tự. Thuyền, đò được sơn mầu xanh và trang bị đầy đủ các dụng cụ phương tiện như lắp ghế, giỏ đựng rác, áo phao, vật nổi; thuyền, đò được đánh số, lái đò được cấp thẻ, sắp xếp số theo thứ tự tại 10 trạm kiểm soát vé đò điện tử được lắp đặt trang trí hệ thống điện chiếu sáng, camera, wifi, bảo đảm du khách lên xuống thuyền, đò an toàn, thuận lợi.

Đặc biệt, vé thuyền đò được chuyển đổi sang mô hình vé điện tử nên không còn cảnh chèo kéo, bắt khách từ xa, chen lấn, xô đẩy và va chạm trong việc tranh giành khách đã tạo ra sự thuận lợi, thuận tiện và an toàn cho du khách về với Lễ hội. Lễ hội năm nay, Hợp tác xã Dịch vụ du lịch Chùa Hương cũng thực hiện việc điều hành vận chuyển khách đi thuyền, đò theo thời gian quy định xuất bến để đảm bảo an toàn. Để nâng cao chất lượng phục vụ du khách, Lễ hội Chùa Hương năm 2024, Ban tổ chức tiếp tục vận hành thử nghiệm đưa xe điện vào vận chuyển du khách từ các bến xe vào bến đò theo lộ trình tuyến đường được cấp có thẩm quyền cho phép.

Theo anh Đoàn Quế Khương (ở quận Thanh Xuân, Hà Nội): Quá nhiều đổi mới khiến chúng tôi phải ngạc nhiên. Đặc biệt ấn tượng năm nay, Ban tổ chức đã xây dựng, chỉnh trang cảnh quan không gian lắp đặt trang trí cờ hoa, panô, backdrop, bồn hoa cây cảnh dọc tuyến đường 419 Đốc Tín đi Hương sơn và tuyến đi bộ hai bên bờ suối Yến; Cải tạo, nâng cấp bến đò Hang Vò và khu vực trạm kiểm soát vé Thiên Trù kết hợp với việc đặt hệ thống pano, Backdrop tuyên truyền quảng bá đảm bảo cảnh quan xanh, sạch, đẹp tạo điểm nhấn cho du khách về thăm quan, lễ Phật.

Phấn đấu trở thành khu du lịch cấp Thành phố

Mới đây, tại Hội nghị tổng kết công tác tổ chức, quản lý lễ hội chùa Hương năm 2024, ông Nguyễn Anh Dũng - Bí thư Huyện ủy, Trưởng Ban chỉ đạo lễ hội Chùa Hương 2024, cho biết: “Để hướng tới mục tiêu phấn đấu trở thành khu du lịch cấp Thành phố trong năm 2025, tiến tới công nhận là khu du lịch cấp Quốc gia năm 2030, đặc biệt đề nghị được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, công tác quản lý tổ chức Lễ hội Chùa Hương năm 2025 và những năm tiếp cần chuyên nghiệp, hiệu quả hơn.

Ban Thường vụ Huyện ủy, Ban Chỉ đạo công tác Lễ hội Chùa Hương đề nghị Ủy ban nhân dân huyện, các cơ quan liên quan đẩy mạnh phát triển ngành Du lịch theo kế hoạch của Thành phố, với phương châm “Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện, đơn giản - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh sạch đẹp - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”.

Phát huy hơn nữa giá trị quần thể thắng cảnh Hương Sơn
Lễ hội Chùa Hương năm 2024 đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp đối với du khách.

Bên cạnh đó, tập trung khắc phục triệt để những tồn tại, hạn chế đã chỉ ra trong công tác quản lý, tổ chức Lễ hội Chùa Hương năm 2024. Tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững trong thời gian tới; Tăng cường tuyên truyền công tác tổ chức Lễ hội Chùa Hương, xây dựng kế hoạch tuyên truyền quảng bá du lịch Mỹ Đức nói chung, Chùa Hương nói riêng trên các kênh truyền thông, truyền hình trong nước; xây dựng kế hoạch và triển khai quảng bá hình ảnh du lịch Chùa Hương trên các nền tảng số, mạng xã hội.

Đồng thời, phối hợp đẩy nhanh lập đồ án quy hoạch bảo tồn, tu bổ, tôn tạo di tích quốc gia đặc biệt lịch sử và di tích thắng cảnh Hương Sơn, kết nối trục du lịch văn hóa tín ngưỡng tâm linh với các tỉnh Hà Nam - Ninh Bình - Hòa Bình và toàn vùng Đồng bằng sông Hồng; tổ chức thực hiện có hiệu quả Đề án đổi mới mô hình tổ chức và phương thức quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị khu di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt quần thể Hương Sơn sau khi Thành phố thông qua. Phát triển sản phẩm du lịch mới, đặc sắc, hấp dẫn, chất lượng cao: Nâng cấp chất lượng điểm đến và phát triển sản phẩm du lịch gắn với các giá trị văn hóa lịch sử, di sản gắn với phát triển công nghiệp văn hóa theo tinh thần Nghị quyết 09-NQ/TU của Thành ủy.

H.D