Hơn 200 doanh nghiệp trong nước và quốc tế sẽ tham gia triển lãm VIMEXPO 2022 Chia sẻ về tiềm năng phát triển công nghiệp hỗ trợ của Thủ đô Thúc đẩy Công nghiệp hỗ trợ: Ngành công nghiệp phục hồi mạnh mẽ
Phát triển Công nghiệp hỗ trợ: Tìm lời giải cho bài toán chất lượng lao động
Công nghiệp hỗ trợ đang khát lao động trình độ cao. Ảnh: T.L

Bài toán khó

Những năm qua, lĩnh vực công nghiệp đã có đóng góp quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, quá trình phát triển nhanh cùng với sự mở rộng không ngừng của các doanh nghiệp, khiến cầu về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực trong ngành tăng nhanh, nhưng khả năng đáp ứng về chất lượng nhân lực còn nhiều hạn chế… Đặc biệt, nguồn nhân lực trong công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam đang là vấn đề “nóng”.

Báo cáo từ Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, dù thời gian qua nguồn nhân lực ngành công nghiệp tăng cả về số lượng và trình độ chuyên môn, song vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Trong đó, về số lượng còn thiếu hụt lao động có tay nghề cao, thiếu nhân lực trong những ngành, nghề nặng nhọc độc hại.

Còn về chất lượng, lao động chưa năng động và sáng tạo, thiếu tác phong chuyên nghiệp, chưa đáp ứng được yêu cầu doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực như điện tử công nghệ thông tin truyền thông, điều khiển tự động ở các trình độ.

Tại buổi Giao thương trực tuyến sản phẩm công nghiệp hỗ trợ Việt Nam - Nhật Bản 2022 hồi tháng 7.2022, ông Akutsu Michio - Chuyên gia Hiệp hội Cố vấn thương mại Nhật Bản, chỉ ra: Đầu tiên, năng suất lao động của lao động địa phương tại Việt Nam còn thấp, theo báo cáo của Jetro, tỉ lệ chất lượng lao động chỉ đạt 14,4%. Mặt khác, nhân tài có trình độ kỹ thuật cao của Việt Nam đã bị thu hút bởi doanh nghiệp FDI và ra nước ngoài làm việc dẫn đến tình trạng thiếu nhân lực tốt.

Đi tìm lời giải

Để giải quyết vấn đề này, tháng 2.2022, một Học viện hướng nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đã được khánh thành.

Đây được cho là mô hình đầu tiên trong lĩnh vực này của cả nước do một tập đoàn tư nhân đầu tư, hoạt động theo hình thức phi lợi nhuận, giúp đào tạo đầu vào nguồn nhân lực chất lượng cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong và ngoài nước.

Học viện hướng nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VSI) được đặt ngay trong khu công nghiệp ở Phú Xuyên, Hà Nội do Tập đoàn N&G (N&G Group) cùng Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ TP.Hà Nội (HANSIBA) thành lập, quản lý và phát triển.

Học viện có chức năng hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp hội viên trong HANSIBA và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực; hỗ trợ thành lập các start-up trong ngành công nghiệp hỗ trợ...

Sự ra đời của VSI nhằm kết nối các trường nghề - công nhân kỹ thuật tới các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong và ngoài nước khi đến đầu tư, sản xuất tại Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội (Hanssip).

Ngay sau khi khánh thành Học viện đã ký kết hợp tác với nhiều Trường Đại học và Cao đẳng, một số cơ sở giáo dục, trường dạy nghề giúp tạo đầu ra công ăn việc làm cho sinh viên, vừa đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao của doanh nghiệp.

Các học sinh, sinh viên cuối kỳ tại các trường cao đẳng dạy nghề khi được tiếp nhận vào thực hành tại VSI sẽ được chính các giám đốc sản xuất các nhà máy, công ty hoạt động tại Hanssip dạy trực tiếp và tuyển dụng vào làm việc.

Ông Nguyễn Vân, Phó Chủ tịch HANSIBA, Giám đốc VSI cho biết: Những sự hợp tác này sẽ giúp các doanh nghiệp có được nguồn nhân lực chất lượng cao, để cùng với việc phát triển công nghệ, cơ sở hạ tầng thì các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam sẽ tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Vì thế, vị này kỳ vọng các nhà trường sẽ quan tâm hơn nữa đến các chương trình hỗ trợ việc làm sau khi tốt nghiệp, bằng cách hợp tác, liên kết với các doanh nghiệp và hiệp hội nghề nghiệp.

Theo Thành Long/laodong.vn

https://laodong.vn/kinh-doanh/phat-trien-cong-nghiep-ho-tro-tim-loi-giai-cho-bai-toan-chat-luong-lao-dong-1097333.ldo