Phát triển kinh tế từ mô hình trồng cây ăn quả
Tập trung cho tăng trưởng kinh tế Bất động sản phục hồi phụ thuộc vào bối cảnh kinh tế chung Gia tăng sự liên kết giữa các mô hình kinh tế nhỏ, lẻ |
Những năm gần đây, nhãn chín muộn trở thành loại cây đặc sản của Thủ đô, với hiệu quả kinh tế cao, vùng ngoại thành Hà Nội đã hình thành những vùng trồng nhãn tập trung.
Tiêu biểu, xã Đại Thành (huyện Quốc Oai), xã An Thượng (huyện Hoài Đức) là một trong những vùng trồng nhãn chín muộn trọng điểm của Hà Nội, đây cũng là một trong số ít xã được phép chuyển đổi toàn bộ diện tích đất lúa sang trồng cây ăn quả.
Mô hình trồng bưởi Đỏ tại thôn Đông Cao, xã Tráng Việt, huyện Mê Linh đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân. (Ảnh: N.Hoa) |
Chia sẻ hiệu quả kinh tế từ cây nhãn chín muộn đem lại, ông Phạm Viết Suốt, xã An Thượng (huyện Hoài Đức) cho biết: Vùng này trước đây là đất trồng lúa, thu nhập cả năm không đáng kể. Từ khi chuyển đổi mô hình, nhãn là cây dễ trồng, chăm sóc, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với các loại cây trồng khác.
Nhãn chín muộn cho thu hoạch muộn hơn các giống nhãn đại trà, thường vào giữa tháng 8 dương lịch. Nhãn chín muộn có thị trường tiêu thụ rộng, các mối buôn thường đến tận vườn để thu mua. Những năm thời thiết thuận lợi, phù hợp với cây nhãn, mỗi héc ta sẽ đem lại chục tấn nhãn.
Rời vùng đất trồng nhãn, chúng tôi đến xã Tráng Việt (huyện Mê Linh) thủ phủ của những cây bưởi Đỏ. Trò chuyện cùng người dân nơi đây, được biết, bưởi Đỏ là cây trồng truyền thống của thôn Đông Cao, xã Tráng Việt, nhận thấy giá trị của bưởi Đỏ, người dân trong thôn đã phát triển, trồng rộng rãi mô hình ở địa phương. Năm 2015, Hợp tác xã bưởi Đỏ Đông Cao ra đời nhằm duy trì, đưa bưởi Đỏ đến gần hơn với người tiêu dùng trong nước.
Ông Lương Văn Phương - Giám đốc Hợp tác xã bưởi Đỏ Đông Cao cho biết: “Bưởi Đỏ Đông Cao vinh dự được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao có đầy đủ tem truy xuất nguồn gốc, mã QR và tiềm năng xuất khẩu. Mô hình trồng bưởi Đỏ đem lại thu nhập cho các hộ dân. Dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, xã Tráng Việt có khoảng 8.000 quả bưởi được xuất bán ra thị trường”.
Tương tự, từ sự khát khao và quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê hương, người dân xã Võng La (huyện Đông Anh) đã biến vùng đất ven sông trở thành những trang trại trù phú, cho thu nhập cao. Anh Phạm Văn Thành là một trong những người dân đầu tiên của địa phương đầu tư vốn, công sức triển khai mô hình trồng cam.
Với diện tích 3ha trồng cam Canh, cho thu hoạch 2 năm một lần, sản lượng đạt 30 - 35 tấn/ha/năm; cam Vinh với diện tích 2ha cho thu hoạch hàng năm, sản lượng đạt 40 - 45 tấn/năm, đem lại tổng thu nhập khoảng 600 triệu đồng/năm.
Mô hình trồng cam đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân xã Võng La, huyện Đông Anh. (Ảnh: N.Hoa) |
Đó chỉ là 3 trong số rất nhiều mô hình trồng cây ăn quả đã và đang phát huy hiệu quả trên địa bàn Thủ đô. Các mô hình trồng cây ăn quả trên địa bàn Thành phố tuy quy mô còn nhỏ nhưng đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với điều kiện thực tế.
Các mô hình đã tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức của người nông dân, giúp họ yên tâm đầu tư, phát triển, ứng dụng công nghệ vào sản xuất, trồng trọt, vươn lên làm giàu cho bản thân, gia đình và quê hương.
Những kết quả bước đầu các mô hình đem lại đã khẳng định tiềm năng phát triển kinh tế nông nghiệp của Thủ đô là rất lớn. Tuy nhiên, để hình thành các vùng cây ăn quả tập trung theo hướng hàng hóa, các ngành chức năng cần tạo cơ chế thu hút doanh nghiệp đầu tư ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất.
Qua đó, từng bước tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và mở rộng xuất khẩu.
Bình luận