Quan tâm dạy nghề, tạo việc làm cho phụ nữ khiếm thị
Theo báo cáo tổng kết 25 năm công tác phụ nữ và trẻ em của Hội người mù thành phố Hà Nội, trong những năm qua, rất nhiều lớp học nghề tại Thành hội và đơn vị đã được mở. Mỗi năm, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp thuộc Hội người mù Thành phố đều triển khai từ 3-5 lớp dạy tẩm quất cơ bản, tẩm quất nâng cao và dạy các nghề mới như bán hàng online, bồi dưỡng kiến thức khởi nghiệp… cho hội viên.
Phụ nữ khiếm thị tham gia lớp đào tạo nghề xoa bóp, tẩm quất do Hội người mù quận Thanh Xuân tổ chức. |
Gần 1.000 hội viên nữ qua đào tạo đều đã có việc làm bằng các công việc: Xoa bóp tẩm quất, bán hàng online, làm nghề thủ công… mang lại thu nhập bình quân từ 500.000 đồng đến 5.000.000 đồng/người/tháng.
Cùng với việc đẩy mạnh công tác dạy nghề, các cấp Hội người mù Thành phố cũng thường xuyên quan tâm công tác vay vốn giải quyết việc làm. Theo đó, đã có 1.067 lượt hội viên nữ được vay với số tiền 11.366.000.000 đồng. Nhờ có vốn vay, nhiều hộ gia đình người khiếm thị đã phát huy được khả năng lao động, tận dụng nguồn lao động nhàn rỗi trong gia đình cùng tham gia phát triển kinh tế.
Với tinh thần cần cù, chịu khó, nhiều hội viên nữ đã sử dụng vốn đúng mục đích, đem lại hiệu quả thiết thực cho bản thân và gia đình. 100% khi đến hạn đều hoàn trả đủ, không có trường hợp nào dư nợ quá hạn. Nhiều hội viên nữ được vay vốn đã mạnh dạn đầu tư những mô hình kinh tế như mở những cơ sở kinh doanh dịch vụ tẩm quất, trở thành những bà chủ có mức thu nhập tương đối cao, có vị thế trong gia đình và xã hội, được cộng đồng yêu mến.
Trước thực trạng nhiều hội viên nữ vẫn còn gặp khó khăn về nhà ở, trong những năm qua, các cấp Hội người mù Thành phố đã nỗ lực vận động các nguồn lực từ chính quyền địa phương, từ các nhà hảo tâm để xây mới và sửa chữa nhà hội viên. Kết quả, đã có 76 hội viên nữ được hỗ trợ làm nhà với kinh phí 2.716.600.000 đồng và 32 hội viên nữ được hỗ trợ sửa nhà với kinh phí 670.500.000 đồng. Đây là một hoạt động ý nghĩa và giàu tính nhân văn của toàn xã hội dành cho nhóm đối tượng yếu thế.
Các cấp Hội người mù Thành phố đã thường xuyên duy trì, thắt chặt mối quan hệ với các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố, thông qua đó đã tạo điều kiện thuận lợi để tiêu thụ sản phẩm tăm chổi do người khiếm thị làm ra.
Thời gian tới, Hội người mù Thành phố tiếp tục tạo điều kiện để hội viên nữ được tham gia các lớp đào tạo nghề phù hợp; tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực cho hội viên nữ; tiếp tục tác động để các chính sách an sinh xã hội của nhà nước, địa phương đến kịp thời với cán bộ, hội viên nữ; nắm bắt kịp thời các khoá tập huấn về nâng cao năng lực, các khoá đào tạo nghề phù hợp, các chương trình hỗ trợ vốn vay phát triển kinh tế gia đình để giới thiệu cho cán bộ, hội viên nữ tham gia.
Theo Hội người mù thành phố Hà Nội, mỗi năm, Thành hội và các quận, huyện, thị hội tạo điều kiện cử hàng trăm lượt hội viên nữ tham gia các khoá tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, học chữ, học nghề như: Công tác xã hội, tập huấn công tác Hội, báo cáo viên truyền thông, tin học văn phòng… do các cấp Hội mở. Điều này góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ trong toàn Hội cũng như giúp chị em có việc làm ổn định cuộc sống. |
Bình luận