Thu ngân sách Bà Rịa – Vũng Tàu đạt gần 90.000 tỷ đồng Công an TP.HCM lý giải nguyên nhân dồn ứ hàng hóa tại cảng Cát Lái và cảng Phú Hữu TP.HCM: Đề nghị tăng thời gian hoạt động phà Cần Giờ - Vũng Tàu

Ủy ban nhân dân (UBND) TP.HCM vừa ban hành Quyết định 08/2024 quy định mức thu tiền sử dụng khu vực biển trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2024 - 2029 (có hiệu lực thi hành từ ngày 7/3/2024).

Quy định mới về mức thu tiền sử dụng khu vực biển tại TP.HCM
TP.HCM vừa ban hành quy định thu tiền sử dụng đối với 6 nhóm hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên biển trên địa bàn Thành phố.

Theo đó, Thành phố sẽ thu tiền sử dụng khu vực biển cụ thể đối với 6 nhóm hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên biển. Trong đó nhóm sử dụng khu vực biển để nhận chìm (nhóm 1) sẽ có mức thu 20.000 đồng/m3. Nhóm sử dụng khu vực biển để làm cảng biển, cảng nổi, cảng dầu khí ngoài khơi và các cảng, bến khác; làm vùng nước trước cầu cảng, vùng quay trở tàu, khu neo đậu, khu chuyển tải, luồng hàng hải chuyên dùng, các công trình phụ trợ khác; vùng nước phục vụ hoạt động của cơ sở sửa chữa, đóng mới tàu thuyền, xây dựng cảng tàu vận tải hành khách; vùng nước phục vụ hoạt động nhà hàng, khu dịch vụ vui chơi, giải trí, thể thao trên biển; khu neo đậu, trú nghỉ đêm của tàu thuyền du lịch; khai thác dầu khí; khai thác khoảng sản; trục vớt hiện vật, khảo cổ (nhóm 2) có mức thu 7,5 triệu đồng/ha/năm.

Các nhóm còn lại gồm: Nhóm sử dụng khu vực biển để xây dựng cáp treo, các công trình nổi, ngầm, lấn biển, đảo nhân tạo, xây dựng dân dụng và các công trình khác trên biển (nhóm 3); nhóm sử dụng khu vực biển để xây dựng hệ thống đường ống dẫn ngầm, lấp đặt cáp viễn thông, cáp điện (nhóm 4); nhóm sử dụng khu vực biển để nuôi trồng thủy sản, xây dựng cảng cá (nhóm 5) và nhóm sử dụng khu vực biển để khai thác năng lượng gió, sóng, thủy triều, dòng hải lưu và các hoạt động sử dụng khu vực biển khác (nhóm 6) có cùng mức thu 7,5 triệu đồng/ha/năm.

Trường hợp trong cùng một khu vực biển có nhiều hoạt động sử dụng khu vực biển theo các mục đích khác nhau nhưng không xác định được diện tích riêng cho mỗi mục đích sử dụng thì áp dụng mức thu cao nhất trong số các mục đích sử dụng để tính tiền sử dụng khu vực biển trong khu vực biển được giao cho tổ chức, cá nhân.

Đối với những hoạt động sử dụng khu vực biển chưa có quy định mức thu tiền sử dụng khu vực biển cụ thể theo các mức nói trên, UBND TP.HCM giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và địa phương liên quan tham mưu UBND Thành phố xem xét, quyết định từng trường hợp cụ thể nhưng không thấp hơn 3 triệu đồng/ha/năm và không cao hơn 7,5 triệu đồng/ha/năm.

Nguồn thu lớn từ cơ sở hạ tầng cảng biển

Liên quan đến thu phí khu vực biển, theo Sở Giao thông vận tải TP.HCM, sau 20 tháng triển khai Đề án thu phí cảng biển (từ 1/4/2022 đến 15/12/2023, Thành phố đã thu được gần 3.800 tỷ đồng, trung bình mỗi ngày thu gần 7 tỷ đồng. Hệ thống thu phí cảng biển hiện có trên 68.800 doanh nghiệp đăng ký, bình quân hằng ngày từ 2.000 - 3.000 doanh nghiệp khai báo và nộp phí.

TP.HCM hiện có 26 cảng biển áp dụng thu phí cơ sở hạ tầng thuộc 4 khu bến chính. Cụ thể là khu bến cảng trên sông Đồng Nai (cụm cảng Cát Lái với 6 bến), khu bến cảng trên sông Sài Gòn (8 bến), khu bến cảng trên sông Nhà Bè (5 bến) và khu bến trên sông Soài Rạp (7 bến).