Sớm khắc phục bất cập trong thu phí không dừng ETC
Cụ thể, hệ thống thẻ ETC mỗi ngày tại trạm thu phí An Sương – An Lạc khoảng 1.600 xe bị gặp một số lỗi thẻ ETC như gắn sai biển kiểm soát xe hoặc mệnh giá vé, xe bị khóa thẻ, xe dán 2 thẻ và có 1 trong 2 thẻ bị lỗi khiến hệ thống không thể trừ tiền tự động. Tài khoản ETC chưa được kích hoạt, hết tiền hoặc mới nạp tiền nhưng chậm đồng bộ với hệ thống tự động nên không thể kiểm tra thông tin…
Về trật tự an toàn giao thông, một số tình huống thường gặp trong quá trình thu phí dẫn tới kéo dài thời gian giao dịch hoặc làm cản trở lưu thông gây ùn ứ như lỗi thẻ (chưa kích hoạt thẻ, tài khoản bị khóa…), xe không đủ điều kiện lưu thông vào làn ETC (khoảng 2.000 xe tính từ ngày 1/8 - 8/8/), tỷ lệ đọc thẻ thất bại còn nhiều.
Hiện các trạm BOT trên địa bàn TP.HCM duy trì 1 làn thu phí hỗn hợp nhưng lượng phương tiện chưa dán thẻ ETC còn nhiều nên gây ùn ứ giao thông từ làn hỗn hợp kéo dài ra ngoài khu vực trạm thu phí. Mặt khác hiện nay chưa bố trí đủ lực lượng chức năng phối hợp điều tiết, nhắc nhở, xử lý các trường hợp vi phạm xe không đủ điều kiện lưu thông vào làn ETC.
Nhân viên dán thẻ ETC cho phương tiện. |
Theo báo cáo của Sở GTVT TP.HCM: Kể từ ngày 1/8 các trạm BOT trên địa bàn Thành phố tổ chức thu phí không dừng ETC gồm trạm An Sương – An Lạc (triển khai 10 làn ETC và 2 làn hỗn hợp), trạm thu phí cầu Phú Mỹ (6 làn ETC và 2 làn hỗ hợp), trạm thu phí Xa lộ Hà Nội (14 làn ETC và 2 làn hỗn hợp).
Từ ngày 1/8 đến ngày 8/8 tổng sốt lượt ô tô lưu thông qua 3 trạm nói trên là 849.631 lượt (chiếm 75,6%), số lượng xe thu phí thủ công là 206.994 lượt (chiếm 24,4%). Sau 1 tuần thu phí không dừng ETC, việc tổ chức thu phí thủ công đã giảm mạnh so với trước thời điểm triển khai. Cụ thể, tại trạm An Sương – An Lạc giảm còn 26,4%, trạm Xa lộ Hà Nội giảm còn 14,3%, trạm Phú Mỹ giảm còn 21,2%.
Trong ngày đầu thu phí ETC, tình hình giao thông tại trạm Xa lộ Hà Nội và cầu Phú Mỹ diễn ra bình thường, riêng trạm An Sương – An Lạc có ùn ứ, có thời điểm ùn ứ kéo dài khoảng 3km.
Trong những ngày đầu thu phí không dừng ETC, cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây thường xuyên ùn ứ ở trạm thu phí. |
Ghi nhận của phóng viên, trong những ngày đầu thực hiện thu phí không dừng thí điểm từ 25/7 và chính thức từ ngày 1/8, trên tuyến cao tốc khu vực phía Nam là tuyến TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây diễn ra ùn tắc kéo dài do nhiều phương tiện chưa dán thẻ ETC, dán chồng, chưa kích hoạt… Tuy nhiên sau 1 tuần triển khai, giao thông đã ổn định trở lại, các tài xế dần tuân thủ quy định về triển khai thẻ ETC.
Để làm rõ hơn các vướng mắc, đề xuất giải pháp tháo gỡ kịp thời trong quá trình tổ chức thu phí không dừng ETC, trao đổi với Phóng viên Báo Lao động Thủ đô, Luật sư Trương Hồng Điền, Đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng: Việc thu phí tự động không dừng sẽ giúp tiết kiệm thời gian, giảm ùn tắc do không cần dừng lại xếp hàng chờ mua vé; giảm ô nhiễm môi trường nhờ tiết kiệm giấy in, khói bụi; không cần sử dụng tiền mặt, hạn chế tiếp xúc và lây lan dịch bệnh; tiết kiệm nhiên liệu khi lưu thông trôi chảy.
Để thuận tiện hơn cho tài xế cần phải tăng cường các điểm đăng ký dịch vụ ở bến xe, cảng, hướng dẫn, hỗ trợ tài xế đăng ký tài khoản, bố trí nhân sự tại các trạm thu phí để hỗ trợ tài xế nhanh nhất.
Từ ngày 1/8/2022, toàn bộ trạm thu phí trên các tuyến cao tốc đã chính thức bỏ hình thức thu phí bằng tiền mặt vì vậy tài xế không có quyền lựa chọn thanh toán bằng tiền mặt, thay vào đó là thu phí tự động không dừng. Hầu hết, cách nạp tiền trực tiếp hay trực tuyến kể trên, các tài xế đều phải tốn thêm khoản chi phí. Người sử dụng sẽ cảm thấy phiền khi phải sử dụng quá nhiều ứng dụng ví điện tử nếu muốn miễn phí nạp tiền. Trường hợp nếu nạp ít, người dùng sẽ phải nạp nhiều lần, tốn thêm phí giao dịch. Ở chiều ngược lại, họ có khả năng đối mặt với tình trạng giam vốn, “tiền chết” nếu nạp nguyên một khoản, chẳng hạn 5 - 10 triệu đồng, mà không sử dụng đến hoặc nhu cầu không cao.
Vì vậy trong tương lai cần thiết phải cải tiến phương thức thu phí tự động không dừng, như việc có thể liên kết để thanh toán trực tiếp từ tài khoản ngân hàng hoặc tăng số ngân hàng có thể liên kết để đặt định mức khi tiền trong tài khoản ECT hết thì tài khoản bên ngân hàng sẽ tự động nạp qua,…Có như vậy mới có thể phát huy hết được lợi ích từ việc thu phí tự động không dừng đem lại.
Liên quan đến vấn đề thu phí không dừng ETC: Vừa qua Tập đoàn Công nghiệp - viễn thông Quân đội (có đơn vị thành viên là Công ty CP Giao thông số Việt Nam - VDTC đấu nối thẻ định danh ePass để thu phí ETC) phản ánh tới Bộ Giao thông vận tải có gần 40.000 xe đã dán thẻ ePass bị Công ty TNHH thu phí tự động VETC dán chồng thẻ Etag, gây thiệt hại (6,7 tỉ đồng) và lỗi khi xe qua trạm thu phí. Trong khi đó, Công ty TNHH thu phí tự động VETC cũng phát đi thông cáo khẳng định: Thực tế cho đến nay, chưa có định nghĩa và phân loại cụ thể của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về "lỗi dán chồng thẻ ETC". VETC đang tích cực phối hợp, làm việc với Bộ Giao thông vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Công ty VDTC để làm rõ, phân loại các lỗi thẻ ETC, trách nhiệm của các bên để có kết luận và giải pháp chung nhằm khắc phục triệt để các lỗi thẻ phát sinh. Về vấn đề này, vừa qua Tổng cục Đường bộ - Bộ GTVT khẳng định: Các nhà cung cấp dịch vụ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu để xảy ra sự cố và tranh chấp pháp lý trong quá trình thu phí tự động không dừng. Hai nhà cung cấp dịch vụ nói trên cần rà soát, chấn chỉnh việc dán thẻ đầu cuối, mở và quản lý tài khoản giao thông để giải quyết dứt điểm các vướng mắc cho chủ phương tiện. Trong khi đó, sau khi bị phản ứng gay gắt do bắt buộc tài xế phải đảm bảo số dư tối thiểu bằng 50% phí chặng dài nhất của tuyến cao tốc trong tài khoản giao thông ETC, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đã quyết định hủy bỏ quy định này. |
Bình luận