Sớm khắc phục bất cập trong thu phí không dừng ETC Cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây ùn ứ trong ngày đầu thu phí không dừng Đề nghị sớm đầu tư mở rộng cao tốc TP.HCM - Trung Lương

QL51 là tuyến giao thông huyết mạch của vùng Đông Nam Bộ, năm 2013 tuyến đường này được nâng cấp mở rộng từ 5 lên 8 làn xe. Tuy nhiên, hơn 4 năm trở lại đây QL51 vừa xuống cấp vừa quá tải do lưu lượng xe tăng vọt, trở thành "điểm nóng" kẹt xe, gây trở ngại cho việc phát triển kinh tế, xã hội của vùng.

Điểm nóng kẹt xe

Cứ vào buổi sáng cuối tuần, tại nút giao QL51 - ngã tư Vũng Tàu, (thuộc thành phố Biên Hòa, tỉnh Ðồng Nai), từng đoàn ô tô, xe máy nối đuôi nhau chen chúc, nhích từng chút một, kéo dài hơn 3km. Nhiều phương tiện buộc phải leo lên cả vỉa hè. Không khí ngột ngạt, tài xế trên xe tải, xe container mở cửa cabin nhìn ra ngoài đầy bất lực và bực dọc.

Thoát ra khỏi khu vực này, xe vừa “bon bon” được gần 1km, dòng xe tiếp tục khựng lại tại nút giao bùng binh đường Võ Nguyên Giáp. Mặt đường khu vực này gồ ghề, nhỏ hẹp do bị ngăn lại để sửa chữa từ mấy năm nay vẫn chưa hoàn thành. Đến khoảng 3km kế tiếp, lại một điểm nghẽn đầy bụi với từng đoàn xe ben lao ra tại điểm giao giữa QL51 với đường chuyên dụng vào khu mỏ đá Tân Cang.

Tìm
QL51 thường xuyên kẹt xe, nhất là vào dịp cuối tuần, lễ Tết.

Ngoài việc lưu lượng xe ngày càng lớn, mặt đường tuyến QL51 xuống cấp nghiêm trọng với nhiều ổ gà. Đặc biệt khu vực giao với Tỉnh lộ 769 (Thị trấn Long Thành, huyện Long Thành), mặt đường bị cày nát từ khi dự án sân bay Long Thành khởi động và lượng xe ra vào tăng đột biến.

"Đường xuống cấp và cảnh kẹt xe diễn ra trên hàng chục điểm kéo dài trên toàn tuyến QL 51 từ Đồng Nai đến Bà Rịa -Vũng Tàu, ảnh hưởng rất lớn và trở thành nỗi ám ảnh đã từ nhiều năm nay", anh Trần Bắc, tài xế xe du lịch chạy trên tuyến đường này nói.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Lao động Thủ đô, những ngày giữa tháng 9/2022, vào các buổi sáng cảnh kẹt xe kéo dài tại các đoạn đường nối QL51 vào các khu vực khu công nghiệp, đặc biệt vào các khu công nghiệp ở huyện Long Thành và Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Tại khu vực nút giao QL51 với cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, nhiều thời điểm trong ngày ùn tắc nghiêm trọng, Trên QL51 đoạn qua tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thường xuyên diễn ra kẹt xe nghiêm trọng với từng đoàn xe tải, xe container, xe máy kéo dài tại khu vực ngã 3 Mỹ Xuân, ngã 3 cảng Cái Mép (Thị xã Phú Mỹ),...

Theo Công ty CP Phát triển đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (BVEC - chủ đầu tư dự án cải tạo, nâng cấp QL51), thiết kế ban đầu của tuyến đường này là 12.000 lượt xe/ngày đêm, tuy nhiên đến nay lưu lượng xe ước tính đã tăng lên gấp 4 lần so với công suất thiết kế.

"Ðã "ốm yếu" lại còn phải cõng lượng xe gấp 4 lần QL51 quả thật quá sức chịu đựng, thành điểm nghẽn của vùng, trong khi các giải pháp phát triển giao thông hữu hiệu vẫn còn đang nằm trên giấy...", một chuyên gia trong lĩnh vực giao thông vận tải nhận xét.

Cấp thiết làm cao tốc

Để giải quyết hiện trạng quá tải QL51, các cơ quan quản lý đã đưa ra nhiều giải cả về vĩ mô và tạm thời. Chẳng hạn với tình trạng tại nút giao giữa QL51 và Tỉnh lộ 769, UBND huyện Long Thành, Ðồng Nai khẳng định sẽ nhanh chóng nâng cấp hạ tầng khu vực này. Ngoài ra, để "giải cứu" QL51, tỉnh Ðồng Nai hiện đã triển khai dự án xây dựng hương lộ 2 dài 10 km từ nút giao Bến Gỗ đến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây với kinh phí gần 1.500 tỉ đồng. Bên cạnh đó, tỉnh Đồng Nai phối hợp với TP.HCM tăng tốc xây dựng đường Vành đai 3 kết nối khu vực QL51 với TP.HCM.

Đặc biệt, hiện Bộ Giao thông Vận tải đang xem xét việc thực hiện giải pháp giao thông thứ cấp, là cho xây dựng, nâng cấp khoảng 10 nút giao trên toàn tuyến QL51. Theo đó, một số cầu vượt, hầm chui hoặc vòng xoay có thể được thực hiện, với tổng kinh phí khoảng 3.000 tỉ đồng.

Tìm
QL51 là tuyến giao thông huyết mạch kết nối TP.HCM - Đồng Nai - Bà Rịa Vũng Tàu.

Tuy nhiên, các chuyên gia giao thông đều nhấn mạnh, để "giải cứu" QL51 một cách bền vững thì nhất thiết phải đẩy nhanh tiến độ xây dựng cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, dự án này khi hoàn thành sẽ “chia lửa” tới 60% lượng xe lưu thông trên QL51. Tuy nhiên, đến nay dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu vẫn đang “nằm trên giấy”. Hiện dự án này mới được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, dự kiến nhanh nhất cũng phải năm 2023 mới khởi công.

"Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu được xây dựng cộng với cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, Bến Lức - Long Thành sẽ giảm áp lực cho tuyến QL51”, ông Não Thiên Anh Minh, Phó Ban Chuyên trách Ban An toàn giao thông tỉnh Ðồng Nai, khẳng định.

Ông Lê Quang Bình - Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Đồng Nai cũng cho rằng, giải pháp nâng cấp các nút giao, tạo giao thông thứ cấp cho QL51 là giải pháp trước mắt, song hành với giải pháp vĩ mô, căn cơ, lâu dài là nhanh chóng triển khai cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.

Trao đổi với phóng viên Báo Lao động Thủ đô, ông Ðinh Hồng Hà, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu cho rằng, trong lúc chờ đợi cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu được thực hiện thì giải pháp thực hiện giao thông thứ cấp cho QL51 là rất cần thiết và hết sức cấp bách.

“Ngoài ra giải pháp trước mắt, cần thực hiện ngay sự phối hợp điều hành đồng bộ giữa các đơn vị quản lý khai thác các tuyến trong vùng như giữa các trạm thu phí của QL51 và cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây để điều tiết, xử lý ùn tắc” ông Hà nói.

Tại sao các trạm trên QL51 chưa được thu phí không dừng?

Liên quan đến tuyến QL51, hiện nay nhiều người thắc mắc trong khi tất cả các trạm thu phí trên toàn quốc đã sử dụng thu phí không dừng - ETC thì các trạm trên QL51 (3 trạm) vẫn sử dụng thủ công. Theo ông Đinh Hồng Hà, liên quan việc này Bộ Giao thông Vận tải đã xem xét, xác định thời hạn thu phí của dự án còn lại rất ngắn, chưa đến một năm nên không cần thiết đầu tư hệ thống thu phí điện tử không dừng với khoảng 83 tỉ đồng nên sẽ không hiệu quả, có thể gây lãng phí.