Sơn Tây: Phát triển du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn
Nhiều hoat động đặc sắc dịp Tết Trung thu tại Phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây Phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây thu hút trên 90.000 lượt khách |
Tại buổi tiếp Đoàn cán bộ thuộc Liên hiệp Công đoàn thành phố Viêng Chăn và tỉnh Luông Pha Băng (Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào), ông Nguyễn Quang Hán, Phó Bí thư Thường trực Thị uỷ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thị xã Sơn Tây cho biết, thị xã có nhiều tiềm năng và thế mạnh về khai thác và phát triển du lịch.
Tòa thành cổ Sơn Tây do Vua Minh Mạng xây dựng năm 1822, làm khu căn cứ quân sự bảo vệ Kinh thành Thăng Long xưa ở hướng Tây Bắc. |
Cụ thể, thị xã Sơn Tây phía Tây và Tây Bắc giáp huyện Ba Vì; phía Đông giáp huyện Phúc Thọ; phía Nam giáp huyện Thạch Thất. Tổng diện tích tự nhiên là 113 km2, dân số 150.000 người, được chia thành 15 xã, phường.
Trong những năm qua, kinh tế thị xã Sơn Tây phát triển với mức tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng dịch vụ, thương mại và du lịch.
Đáng chú ý, Sơn Tây với vị thế đã từng là thủ phủ xứ Đoài xưa, là đô thị cổ được hình thành từ thế kỷ XV nên có bề dày lịch sử mà không phải nơi nào cũng có.
Sơn Tây còn hiện hữu trong 244 di tích lịch sử - văn hóa, trong đó có 16 di tích cấp Quốc gia và 1 di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Nhiều di tích nổi tiếng khắng trong và ngoài Hà Nội như: Đền Và, Thành cổ Sơn Tây - tòa thành quân sự được xây dựng vào năm 1822 dưới thời Vua Minh Mạng triều Nguyễn; Làng cổ Đường Lâm - ngôi làng duy nhất còn lưu giữ được nguyên vẹn cấu trúc và nếp sinh hoạt, phong tục, tập quán điển hình của một làng Việt cổ thuộc vùng trung du Bắc Bộ, một “bảo tàng sống” của nền văn minh nông nghiệp lúa nước vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng…
Làng cổ Đường Lâm nơi lưu giữ cấu trúc và nếp sinh hoạt của một làng Việt cổ thuộc vùng trung du Bắc Bộ. |
Ngoài ra, với địa hình bán sơn địa đặc trưng, Sơn Tây còn được thiên nhiên ưu ái ban tặng nhiều hồ nước lớn có giá trị cảnh quan và du lịch, trong đó điển hình và nổi tiếng nhất là hồ Đồng Mô với diện tích rộng khoảng 200ha với nhiều đảo và bán đảo bên hồ.
Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, thị xã Sơn Tây được xác định là một trong năm đô thị vệ tinh của Thủ đô có tính chất là đô thị văn hóa - lịch sử và du lịch, nghỉ dưỡng.
Với tư duy lấy văn hóa làm nền tảng và tài nguyên để phát triển du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, chủ lực của thị xã, nhằm khai thác và phát huy một cách hiệu quả các tiềm năng về điều kiện tự nhiên, văn hóa - xã hội, lịch sử truyền thống và nguồn lực con người cho phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là phát triển kinh tế du lịch địa phương, trên cơ sở quy hoạch được duyệt, thời gian qua, thị xã đã triển khai đồng bộ một số giải pháp để phát triển đô thị bền vững gắn với phát triển du lịch.
Trong đó, thị xã đặc biệt chú trọng các mô hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, gắn với tâm linh, văn hóa và trải nghiệm. Với những nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã, Phó Bí thư Thường trực Thị ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thị xã Sơn Tây chia sẻ, thị xã đã và đang trở thành điểm đến lý tưởng, thu hút du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng.
Bình luận