Tái định vị doanh nghiệp xây dựng để phát triển bền vững
Hàng loạt giải pháp cứu bất động sản được đề xuất Chỉ số giá xây dựng cả nước tăng 4,92% Đề xuất tính đủ các chi phí với giá bán nhà ở xã hội không do Nhà nước đầu tư xây dựng |
Trong những năm gần đây xây dựng và bất động sản chiếm khoảng 12% trong tổng số GDP của cả nước. Như vậy, xây dựng và bất động sản chiếm giữ một vai trò quan trọng trong nhiệm vụ phát triển kinh tế của đất nước.
Hiện nay, chưa có số liệu thống kê đầy đủ nhưng theo ước tính của Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam, trong cả nước có tới gần 10 nghìn doanh nghiệp làm về xây dựng nhưng một đặc điểm chung là các doanh nghiệp xây dựng có số vốn nhỏ, số doanh nghiệp lớn trong ngành xây dựng rất ít, chỉ có một vài doanh nghiệp có số vốn trên 2 nghìn tỷ đồng, còn phần lớn kể cả những doanh nghiệp có “số má” trong ngành xây dựng cũng chỉ có vốn dưới 1 nghìn tỷ.
Các doanh nghiệp xây dựng cần đánh giá lại kế hoạch sản xuất kinh doanh trong năm 2023 trong bối cảnh bất động sản, tín dụng khó khăn. (Ảnh minh họa: Bảo Thoa) |
Tại Diễn đàn Tái định vị doanh nghiệp, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) cho rằng, để tái định vị các doanh nghiệp xây dựng, trước hết phải thấy rõ các doanh nghiệp xây dựng có mối liên quan chặt chẽ đến kinh doanh bất động sản vì xây dựng là ngành thực hiện, triển khai để các dự án bất động sản có sản phẩm.
Theo Chủ tịch VACC, từ giữa năm 2022 bất động sản đóng băng và tiếp tục khủng hoảng sang năm 2023 vì nhiều lý do như lạm phát, lãi suất tăng, khủng hoảng thị trường trái phiếu,… Các chủ đầu tư bất động sản không bán được hàng, không có tiền để thanh toán khiến cho các doanh nghiệp xây dựng Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức. Nhiều nhà thầu đối mặt với nguy cơ phá sản, kể cả các nhà thầu lớn, không làm thì không có việc nhưng làm thì rủi ro tài chính rất lớn…
Trước thực trạng đó, VACC cho rằng để tái định vị giúp doanh nghiệp phát triển bền vững, khâu đầu tiên cũng là khâu then chốt là xây dựng hệ thống khung pháp lý để bảo vệ quyền lợi cho các nhà thầu xây dựng trong quan hệ kinh tế với các chủ đầu tư trong lĩnh vực hợp đồng.
Thực tế, các hợp đồng xây dựng không thể giải quyết bằng Luật Dân sự vì đã kéo dài cả chục năm và các chủ đầu tư tiếp tục chây ỳ nếu không nói là vô hiệu. Vì vậy, cần đưa vấn đề này vào các luật chuyên ngành như Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu để đảm bảo quyền bình đẳng cho các nhà thầu xây dựng trước các chủ đầu tư. Đó là điều kiện để các nhà thầu tồn tại.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp xây dựng quan tâm đào tạo, bồi dưỡng tay nghề cho đội ngũ cán bộ, công nhân xây dựng thông qua liên kết đào tạo kể cả hợp tác với nước ngoài trong việc đào tạo chuyên gia về phát triển công trình ngầm đô thị.
Về tái cơ cấu doanh nghiệp, các doanh nghiệp xây dựng cần đánh giá lại kế hoạch sản xuất kinh doanh trong năm 2023 trong bối cảnh bất động sản, tín dụng khó khăn như hiện nay. Trên cơ sở năng lực cụ thể của từng đơn vị, các doanh nghiệp xây dựng phải tực sự định vị lại thị trường, tái cấu trúc về cơ cấu sản phẩm, hoạt động kinh doanh của đơn vị mình để có thể vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Bảo Thoa
Bình luận