Tìm cơ hội xuất khẩu nông sản sang Bắc Âu Làm thế nào để có thể tiêu thụ nông sản tốt nhất? Ngành nông nghiệp bám đuổi mục tiêu xuất khẩu 50 tỷ USD

Theo Tổng cục Thống kê, từ đầu năm đến nay, mặc dù thực hiện kế hoạch sản xuất trong điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp, nhiều thời điểm giá vật tư, nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp (xăng dầu, phân bón, thức ăn chăn nuôi,…) tăng mạnh, cộng thêm khủng hoảng lương thực toàn cầu ngày càng tăng bởi tác động của xung đột Nga-Ukraine…, nhưng ngành nông nghiệp vẫn đạt mức tăng trưởng khá; năng suất, sản lượng nhiều sản phẩm chủ lực tăng, bảo đảm đủ nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, góp phần vào tăng trưởng chung của kinh tế cả nước và thúc đẩy tăng giá trị xuất khẩu.

Sơ chế sầu riêng xuất khẩu tại Công ty cổ phần Tập đoàn Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu. (Ảnh MINH HÀ)
Sơ chế sầu riêng xuất khẩu tại Công ty cổ phần Tập đoàn Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu. (Ảnh MINH HÀ)

Nhiều mặt hàng vượt mốc 2 tỷ USD

Số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, chín tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông, lâm, thủy sản đạt khoảng 74,7 tỷ USD, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu ước khoảng 40,8 tỷ USD, tăng 15,2%; nhập khẩu ước khoảng 33,9 tỷ USD, tăng 5,7%; xuất siêu khoảng 6,9 tỷ USD, gấp hai lần so với cùng kỳ năm 2021. Có bảy sản phẩm, nhóm sản phẩm đạt giá trị xuất khẩu hơn 2 tỷ USD, gồm: thủy sản, cà-phê, gạo, cao-su, rau quả, điều, gỗ và sản phẩm gỗ.

Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Xúc tiến thương mại VASEP (VASEP.PRO) Lê Hằng cho biết: “Tính đến hết quý III/2022, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam chạm mốc 8,5 tỷ USD, tăng 38% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu tôm đã mang về gần 3,4 tỷ USD, tăng 23%; cá tra cũng thu về gần 2 tỷ USD, tăng 82%; các sản phẩm hải sản đạt gần 3,2 tỷ USD, tăng 33% so với cùng kỳ năm 2021.

Về thị trường, đáng chú ý, trong chín tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản sang Khu vực Liên minh châu Âu (EU) đã vượt 1 tỷ USD, tăng 41% so với cùng kỳ năm 2021. Ngoài ra, Mỹ vẫn là thị trường chiếm tỷ trọng cao nhất với gần 1,8 tỷ USD, tăng 22%; Trung Quốc là thị trường có tăng trưởng cao nhất 76%, đạt 1,35 tỷ USD trong ba quý đầu năm 2022. Kỳ vọng đặt ra là hết tháng 11/2022, xuất khẩu thủy sản có thể chạm mốc 10 tỷ USD”.

Đối với mặt hàng rau quả, kim ngạch xuất khẩu chín tháng đầu năm 2022 đạt 2,45 tỷ USD, giảm 11% so với cùng kỳ năm 2021. Nguyên nhân do xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc giảm mạnh, chỉ đạt khoảng 1,06 tỷ USD, giảm 30,5% so với cùng kỳ năm 2021.

Chính vì vậy, hiện ngành hàng rau quả đang chạy đua cùng thời gian để đạt mục tiêu xuất khẩu 3,2 tỷ USD cả năm 2022. Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên nhận định: Điều đáng mừng là vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc. Theo đó, những lô hàng sầu riêng đầu tiên đã được xuất khẩu sang Trung Quốc theo đường chính ngạch với giá bán cao.

Ngoài ra, chanh dây cũng được xuất khẩu thí điểm chính ngạch sang Trung Quốc. Mới nhất, Mỹ cũng đã có quyết định nhập khẩu trái bưởi tươi từ Việt Nam... Đây là cơ hội để các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm giá trị cao trong những tháng cuối năm, kéo kim ngạch ngành rau quả tăng nhanh. Theo Cục Bảo vệ thực vật, sầu riêng và bưởi là hai loại trái cây có lợi thế của Việt Nam, khi được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc và Mỹ sẽ thu về giá trị kinh tế rất cao.

Cả Trung Quốc và Mỹ đều là hai thị trường có nhu cầu tiêu thụ lớn nên về lâu dài, đây chính là những mặt hàng mũi nhọn để gia tăng mạnh kim ngạch xuất khẩu cho ngành hàng trái cây nói riêng và rau quả nói chung. Hiện Cục Bảo vệ thực vật đang tập trung tập huấn cho người sản xuất, các doanh nghiệp xuất khẩu bưởi và sầu riêng về các yêu cầu nhập khẩu của Mỹ và Trung Quốc, thực hiện đăng ký, duy trì mã số vùng trồng để bảo đảm chất lượng các lô hàng xuất khẩu.

Bên cạnh đó, một trong những mặt hàng được kỳ vọng tăng trưởng mạnh những tháng cuối năm là gạo. Tính chung chín tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu gạo đạt 2,6 tỷ USD, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2021.

Theo kế hoạch năm 2022, Việt Nam xuất khẩu khoảng 6,3 đến 6,5 triệu tấn gạo, kim ngạch đạt 3,2 đến 3,3 tỷ USD. Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam hiện cũng ở mức khá cao, cụ thể giữa tháng 10/2022, giá gạo 5% tấm là 428 USD/tấn, cao hơn gạo cùng loại Thái Lan 15 USD/tấn, cao hơn gạo 5% tấm Ấn Độ 55 USD/tấn.

Mặt khác, đầu tháng 9/2022, lần đầu tiên gạo Việt Nam mang thương hiệu riêng “Cơm ViệtNam Rice” đã được xuất khẩu sang thị trường châu Âu và lên kệ siêu thị ở Pháp. Đây là bước tiến mới của gạo Việt Nam trong cuộc đua chất lượng và giá trị.

“Bắt sóng” nhu cầu thị trường

Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) Trương Đình Hòe cho biết: “Ngành thủy sản đang kỳ vọng những tháng cuối năm xuất khẩu sẽ có sự bứt phá nhanh nhờ nhu cầu tiêu thụ hàng hóa của nhiều quốc gia trong các dịp lễ hội và chuẩn bị đón năm mới. Tuy nhiên, trong bối cảnh lạm phát ở nhiều quốc gia dẫn đến sức mua kém, ngành thủy sản sẽ chuyển hướng sang các sản phẩm chế biến hợp túi tiền để thúc đẩy tiêu dùng. Đồng thời tiếp tục chú trọng thị trường Trung Quốc vì nhu cầu tại thị trường này đang dần phục hồi, cộng thêm lợi thế về địa lý và phí vận chuyển thấp”.

Để “bắt sóng” thị trường những tháng cuối năm, Trưởng phòng Kinh doanh xuất nhập khẩu (Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản An Giang) Phạm Quốc Khanh cho biết: Hiện cước vận chuyển sang các nước châu Âu, Mỹ vẫn có chiều hướng gia tăng. Chính vì vậy, nếu thị trường Trung Quốc mở cửa trở lại sau thời gian dài kiểm soát dịch Covid-19 đó sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp tận dụng xuất khẩu, vẫn tăng được kim ngạch mà lại giảm khá nhiều chi phí và thời gian vận chuyển.

Trong khi đó, đối với mặt hàng trái cây, Việt Nam lại đang có lợi thế lớn tại các thị trường chất lượng cao nên các doanh nghiệp cần đẩy mạnh đáp ứng đủ các điều kiện về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm để thâm nhập sâu hơn. Như tại thị trường Mỹ, theo Phó Giám đốc Trung tâm hỗ trợ xuất khẩu (Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương) Nguyễn Thị Thu Thủy, Mỹ có nhu cầu tiêu thụ trái cây rất lớn, mỗi năm lên đến 12 triệu tấn.

Sản xuất trái cây tươi tại Mỹ hiện đáp ứng 70% nhu cầu, 30% còn lại là nhập khẩu, tương đương khoảng 3,6 triệu tấn. Đây là dư địa lớn cho trái cây Việt Nam tiếp cận thị trường Mỹ. Hiện bưởi là trái cây tươi thứ 7 được phép nhập khẩu vào Mỹ. Bên cạnh đó, một số loại trái cây khác như dừa, sầu riêng vẫn được nhập khẩu vào Mỹ nhưng dưới dạng đông lạnh.

Thời gian tới, Mỹ sẽ xem xét cho nhập khẩu trái dừa tươi vào thị trường này. Do vậy, các doanh nghiệp cần tận dụng tốt cơ hội thâm nhập thị trường Mỹ. Ngoài các sản phẩm tươi thì cần đặc biệt chú trọng đến sản phẩm chế biến với nhu cầu đang ngày càng gia tăng. Cụ thể như với trái bưởi, có thể phát triển các sản phẩm chế biến như nước bưởi, kẹo dẻo, tinh dầu bưởi và một số sản phẩm dược phẩm khác... đem lại giá trị kinh tế rất cao.

Hiện các ngành hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam đều đang vào giai đoạn “nước rút” để về đích. Với những chỉ số chín tháng đầu năm 2022 như: xuất siêu gần 7 tỷ USD; tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng của khu vực nông, lâm, thủy sản đạt 2,99% so với cùng kỳ 2021 đã cho thấy lực tăng trưởng mạnh của lĩnh vực nông nghiệp, nên những tháng cuối năm, nếu doanh nghiệp “bắt sóng” thị trường thành công sẽ là cơ hội để hiện thực hóa kỳ vọng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành năm 2022 đạt 55 tỷ USD.

Theo Ánh Tuyết/nhandan.vn

https://nhandan.vn/tang-toc-xuat-khau-nong-san-cuoi-nam-post721485.html