Tạo bước đột phá, đưa Sơn Tây trở thành đô thị vệ tinh của Thủ đô
Sơn Tây nỗ lực giảm nghèo bền vững Lễ hội Đả Ngư: Nét đẹp văn hóa tâm linh của Sơn Tây - xứ Đoài Sơn Tây: Tìm hướng mở rộng không gian phát triển |
Hướng tới phát triển bền vững
Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ TTg ngày 26/7/2011 (QHC 1259) đã xác định cấu trúc phát triển đô thị của Thủ đô Hà Nội theo mô hình chùm đô thị gồm khu vực đô thị trung tâm, 5 đô thị vệ tinh, các thị trấn được kết nối bằng hệ thống giao thông đường vành đai kết hợp các trục hướng tâm, có mối liên kết với mạng lưới giao thông vùng và quốc gia.
Tuy nhiên, sau hơn 12 năm quy hoạch, Hà Nội phát triển theo mô hình chùm đô thị, 5 đô thị vệ tinh gặp nhiều vướng mắc trong triển khai, cần điều chỉnh để không thành quy hoạch treo. Trong khi đó, Hà Nội lại đang nghiên cứu điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến 2045, tầm nhìn 2065 với những định hướng mới.
Hạ tầng Sơn Tây ngày một đồng bộ. |
Hiện Hà Nội đang triển khai song song 2 quy hoạch lớn là Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 và điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn 2065. Đây là cơ hội để thành phố Hà Nội kịp thời điều chỉnh và rút kinh nghiệm những vướng mắc khi thực hiện quy hoạch cũ, tiến tới hiện thực hóa chủ trương phát triển đô thị vệ tinh của Thủ đô.
Theo tìm hiểu, tại Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, bên cạnh đề xuất mô hình "thành phố trong thành phố", Hà Nội vẫn giữ định hướng hình thành các đô thị vệ tinh.
Tuy nhiên, thay vì 5 đô thị vệ tinh như quy hoạch cũ, định hướng điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội lần này chỉ còn 2 đô thị vệ tinh gồm Sơn Tây và Phú Xuyên. Trong đó, Sơn Tây là đô thị văn hóa lịch sử, du lịch nghỉ dưỡng và Phú Xuyên là đô thị công nghiệp, đầu mối giao thông, trung chuyển hàng hóa.
Nói cách khác, do đô thị vệ tinh Xuân Mai, Hòa Lạc nhập vào thành phố phía Tây, đô thị vệ tinh Sóc Sơn nhập vào thành phố phía Bắc nên theo dự kiến, định hướng chỉ còn lại 2 đô thị vệ tinh là Sơn Tây và Phú Xuyên. Hai đô thị vệ tinh còn lại này và các thị trấn sinh thái sẽ được nghiên cứu một cách cụ thể hơn, gắn với yêu cầu phát triển của Thủ đô giai đoạn tới.
Vùng đất giàu tiềm năng
Tại Sơn Tây với nền tảng lịch sử phát triển đô thị lâu dài, làng cổ Đường Lâm, Thành cổ Sơn Tây, Đền Và... và vùng cảnh quan sinh thái hấp dẫn tại khu vực sẽ được phát triển các chức năng hỗ trợ du lịch, đào tạo, y tế cùng các cơ sở an ninh - quốc phòng hiện có sẽ xây dựng trở thành đô thị cửa ngõ phía Tây Bắc của Thủ đô.
Đặc biệt, đề xuất hình thành một thành phố trên cơ sở Thành cổ Sơn Tây, khai thác tối đa giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng nền công nghiệp không khói là các sản phẩm du lịch đặc thù. Trong đó nhấn mạnh yếu tố kiến trúc, yếu tố lịch sử, khơi gợi niềm tự hào dân tộc thông qua các sản phẩm du lịch, phục dựng các làng cổ, các khu vực phố cổ, hình thành phố đi bộ, trung tâm triển lãm phi vật thể, triển lãm văn hóa truyền thống, chợ đêm, văn hóa ẩm thực, kiến tạo nền kinh tế bằng nguồn lực du lịch làm cốt lõi...
Phát triển đô thị văn hóa đặc trưng cửa ngõ phía Tây Bắc của Hà Nội trên cơ sở bảo tồn di sản văn hóa truyền thống (Thành cổ Sơn Tây, làng cổ Đường Lâm và các di tích lịch sử văn hóa khác), bảo tồn và phát triển tiểu thủ công nghiệp phục vụ du lịch.
Tăng cường đa dạng môi trường tự nhiên và tính chất sinh học của vùng, phát triển trung tâm kỹ thuật sinh học hỗ trợ cho du lịch, phát triển nông nghiệp sinh thái trên cơ sở khai thác lợi thế ưu đãi về cảnh quan đa dạng vùng sông Hồng, sông Tích, Ba Vì - Suối Hai.
Định hướng quy hoạch phát triển không gian đô thị khu vực Sơn Tây. |
Xây dựng đô thị hài hòa với đặc điểm địa hình tự nhiên, có hệ thống giao thông đô thị kết nối hài hòa giữa khu phát triển mới và làng xóm cũ, đặc biệt là khu vực Thành cổ Sơn Tây, làng cổ Đường Lâm. Đô thị vệ tinh Sơn Tây định hướng được phát triển mở rộng từ thị xã Sơn Tây về phía Tây kết nối với vùng cảnh quan Ba Vì, hồ Suối Hai trở thành trung tâm hỗ trợ dịch vụ du lịch của vùng phía Tây Bắc Thủ đô.
Theo Ủy ban nhân dân thị xã Sơn Tây, thời gian qua, thị xã Sơn Tây đã triển khai đồng bộ một số giải pháp để phát triển đô thị bền vững gắn với phát triển kinh tế - du lịch, trong đó chú trọng xây dựng các tour, tuyến tham quan tại những di tích nổi tiếng của thị xã, như: Thành cổ, Đền Và, làng cổ Đường Lâm, chùa Khai Nguyên, đền Măng, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Khu du lịch Đồng Mô, các điểm nghỉ dưỡng sinh thái trên địa bàn.
Bên cạnh đó, Sơn Tây cũng xây dựng và đưa vào khai thác phố đi bộ với nhiều hoạt động phong phú, trở thành điểm đến mới hấp dẫn người dân và du khách. Cùng với đó, thị xã Sơn Tây đã và đang tích cực triển khai các đồ án quy hoạch; các dự án hạ tầng phát triển đô thị góp phần tạo diện mạo mới cho đô thị Sơn Tây như: 9 đồ án quy hoạch phân khu đô thị thuộc phân khu ST1, các đồ án quy hoạch phân khu đô thị thuộc phân khu ST2, ST3, Quy hoạch phân khu xây dựng khu chức năng Khu vực phía Đông Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam...
Công tác quản lý quy hoạch ngày càng được siết chặt và đảm bảo thực hiện theo đúng quy hoạch được duyệt. Việc đầu tư xây dựng các dự án hạ tầng đảm bảo thực hiện phù hợp với quy hoạch. Thị xã tập trung chỉ đạo sát sao việc triển khai xây dựng tại các dự án khu đô thị, khu nhà ở trên địa bàn thị xã, đảm bảo việc đầu tư xây dựng theo quy hoạch được duyệt, không làm phá vỡ cảnh quan, mỹ quan đô thị.
Bình luận