Thúc đẩy việc làm tốt hơn cho người lao động Giải pháp đa tầng hỗ trợ người lao động mất việc, giãn việc Nâng cao tay nghề cho lao động nông thôn

Cùng với xu hướng đô thị hóa nhiều vùng quê của Hà Nội cũng đang chuyển mình mạnh mẽ. Để phục vụ nhiệm vụ này, Hà Nội đã tăng cường công tác dạy nghề, xem đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là phương thức quan trọng để chuyển đổi cơ cấu kinh tế, phát triển sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Tỉ lệ lao động được đào tạo nghề, tạo việc làm tăng dần qua các năm, góp phần tích cực vào việc thay đổi diện mạo nông nghiệp, nông thôn, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, an ninh chính trị ổn định.

Tạo cơ hội học nghề cho lao động nông thôn
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn có vai trò quan trọng trong xây dựng nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững và xây dựng nông thôn mới. (Ảnh: K.Tiến)

Có thể kể đến, tại huyện Thường Tín, trước đó, nhằm đáp ứng yêu cầu học nghề, tạo việc làm ổn định, nâng cao thu nhập cho người nông dân, thời gian qua, các cấp Hội Nông dân huyện Thường Tín đã tích cực phối hợp đẩy mạnh các hoạt động tập huấn, dạy nghề cho hội viên.

Từ đầu tháng 6 năm 2022, các cơ sở Hội đã tổ chức khai giảng 6 lớp nâng cao tay nghề, truyền nghề cho 210 hội viên nông dân tại các xã Chương Dương, Nghiêm Xuyên, Tiền Phong, Tân Minh, Vạn Điểm, Quất Động; tổ chức 3 lớp tập huấn về khoa học kỹ thuật trên cây rau, cây lúa cho 185 hội viên nông dân tại các xã Văn Tự, Tô Hiệu, Văn Bình.

Việc đẩy mạnh công tác đào tạo nghề đã giúp nông dân có thêm kiến thức, kỹ năng ứng dụng vào sản xuất, từng bước giúp đời sống của hội viên, nông dân ngày càng ổn định.

Đặc biệt, những năm qua, thành phố Hà Nội cũng đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ xây dựng làng nghề, gián tiếp hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động ở làng nghề.

Chị Nguyễn Thị Lê (xã Hồng Vân, huyện Thường Tín, Hà Nội) từng làm công nhân ở một khu công nghiệp. Sau thời gian dài làm công nhân, sức khỏe suy yếu, tuổi cao nên mong muốn trở về quê hương lập nghiệp thế nhưng không có vốn, không có nghề.

Sau đó, chị tình cờ được cán bộ xã giới thiệu đăng ký cho học lớp làm nghề mây tre đan. Sau học nghề chị xin làm cho xưởng mây tre đan ở làng nghề luôn. Công việc ổn định, lại chủ động, khá tự do. Chị có thể làm việc tại xưởng cũng có thể tự làm tại nhà.

“Tôi thấy công việc khá tốt, thu nhập tháng được khoảng 6-7 triệu đồng, không tốn tiền xăng xe, đi lại. Tôi có thể làm việc, sống bằng chính nghề tại địa phương”, chị Lê cho biết.

Trước đó, trong năm 2021, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cũng đã ban hành Kế hoạch số 99/KH-UBND về phát triển ngành nghề nông thôn thành phố Hà Nội năm 2021. Kết quả, Thành phố đã tạo thêm gần 15.000 việc làm cho lao động nông thôn với thu nhập bình quân đạt 50-60 triệu đồng/người/năm.

Như vậy, có thể thấy, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở nhiều địa phương đã và đang giúp nâng cao tỉ lệ lao động qua đào tạo, chất lượng lao động, ngày càng tăng đã thúc đẩy phát triển sản xuất, tăng năng suất lao động, chuyển dịch cơ cấu lao động, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế xã hội.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, thời gian tới, các đia phương trên địa bàn Thành phố cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia học nghề.

Bên cạnh đó, cũng cần tăng cường kiểm tra, khảo sát nhu cầu học nghề để xây dựng những mô hình dạy nghề gắn với giải quyết việc làm, đào tạo nghề theo đơn đặt hàng, phục vụ nguồn lao động theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.