Tạo thói quen thanh toán không dùng tiền mặt
Nhiều tiện ích thiết thực
Gần hai năm nay, chị Nguyễn Thị Mai (quận Hà Đông, Hà Nội) luôn duy trì hình thức thanh toán trực tuyến thông qua chuyển khoản ngân hàng hoặc dùng ví điện tử để thanh toán tiền tiện, nước, mua sắm trực tuyến ở các sàn thương mại điện tử, trung tâm thương mại hoặc thanh toán viện phí tại bệnh viện...
Người dân thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt khi mua sắm tại trung tâm thương mại. |
Theo chị Mai, việc thanh toán không dùng tiền mặt giúp chị thuận lợi hơn khi sử dụng các giao dịch mua sắm. Đặc biệt, các ngân hàng thường xuyên có các chương trình ưu đãi hay các dịch vụ miễn phí vận chuyển, ưu đãi giảm giá… cho các giao dịch không dùng tiền mặt, giúp chị có thể tiết kiệm thêm khoản chi phí không nhỏ.
“Chỉ đi chợ, mua sắm ở hàng tạp hoá nhỏ lẻ, tôi mới phải dùng tiền mặt còn hầu hết các giao dịch khác tôi đều thanh toán qua thẻ ngân hàng. Thanh toán không dùng tiền mặt tạo sự an toàn, nhanh chóng, thuận tiện hơn cho cả người bán lẫn người mua, tôi không cần cầm theo tiền, kiểm đếm, cất giữ, chỉ cần có chiếc điện thoại thông minh là có thể mua sắm mọi thứ”, chị Nguyễn Thị Mai chia sẻ.
Không chỉ là chi tiêu mua sắm, việc các cơ quan thuế, hải quan... hợp tác với ngân hàng để triển khai dịch vụ thu, chi ngân sách bằng phương thức thanh toán trực tuyến còn mang lại thuận lợi cho các doanh nghiệp. Anh Nguyễn Văn Hùng (chủ hộ kinh doanh cá thể tại huyện Thanh Oai) cho biết, gần đây anh không phải đến trực tiếp Chi cục thuế để nộp thuế mà chỉ nộp qua tài khoản ngân hàng. Hình thức thanh toán đó giúp tiết kiệm cả thời gian và chi phí, tạo thuận lợi rất nhiều cho các hộ kinh doanh.
Không chỉ riêng chị Mai, anh Hùng mà thói quen thanh toán của người dân đang dần có những thay đổi lớn, chuyển đổi thói quen sử dụng các phương tiện thanh toán truyền thống bằng tiền mặt sang thanh toán không dùng tiền mặt.
Cần sự phối hợp đồng bộ
Với việc thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, người tiêu dùng không những tránh được rủi ro mà cơ quan chức năng cũng dễ dàng hơn trong việc quản lý các đơn vị kinh doanh bởi mọi khoản thu đều thể hiện công khai qua tài khoản ngân hàng. Do đó, phát triển thanh toán không dùng tiền mặt được coi là một trong những nhiệm vụ quan trọng của nền kinh tế, nhất là trong bối cảnh hiện nay.
Hiện nay, tốc độ tăng trưởng về giao dịch thanh toán di động bình quân hàng năm đạt hơn 90%; nhiều dịch vụ ngân hàng đã có thể được sử dụng hoàn toàn trên kênh số như: mở tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng, chuyển tiền, gửi tiết kiệm... nhiều ngân hàng Việt Nam có trên 90% giao dịch trên kênh số; gần 70% người trưởng thành có tài khoản thanh toán; khoảng 1,1 triệu tài khoản Mobile Money đã được mở, khoảng 60% trong đó được mở tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa...
Để tạo thuận lợi cho khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt, thời gian qua, các ngân hàng đã chú trọng đầu tư kết cấu hạ tầng, công nghệ nhằm nâng cao chất lượng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thanh toán ngày càng tăng của xã hội và thích ứng với tiến trình hội nhập quốc tế, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, minh bạch hóa giao dịch thanh toán trong nền kinh tế.
Nhiều ngân hàng đã ứng dụng công nghệ mới, hiện đại để thanh toán qua xác thực vân tay, nhận diện khuôn mặt... Hệ thống thanh toán hoạt động thông suốt, an toàn đáp ứng được hầu hết các nhu cầu thanh toán trong nền kinh tế; các phương thức, dịch vụ thanh toán mới hiện đại trên thế giới như: thanh toán qua mã phản hồi nhanh QR, thanh toán tiếp xúc gần NFC, mở tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng bằng phương thức điện tử... đã được triển khai thực hiện tại Việt Nam với chi phí hợp lý.
Cùng với các dịch vụ thương mại, thanh toán không dùng tiền mặt ở lĩnh vực dịch vụ công thời gian qua có bước phát triển nhanh và mạnh mẽ. Các địa phương đều đã cung cấp dịch vụ thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ nộp thuế, thanh toán tiền điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội, từng bước giảm sử dụng tiền mặt trong giao dịch chi trả các dịch vụ công và chương trình an sinh xã hội.
Có thể khẳng định, lợi ích của việc thanh toán không dùng tiền mặt là rất lớn tuy nhiên để thay đổi hoàn toàn thói quen dùng tiền mặt của người dân cần có thời gian dài bởi nhiều người vẫn có thói quen sử dụng tiền mặt trong mua sắm, chi tiêu hàng ngày. Một số cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, các khu chợ dân sinh chưa triển khai các mô hình thanh toán không dùng tiền mặt. Do đó, để thanh toán không dùng tiền mặt phát triển nhanh hơn và trở nên phổ biến cần sự phối hợp đồng bộ của người tiêu dùng, người cung cấp dịch vụ và các cơ quan chức năng.
Bình luận