Nhộn nhịp trên công trường Đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội Phạt hơn 6 tỷ đồng sau 1 tháng tổng kiểm tra vi phạm trật tự an toàn giao thông Kiếm "bội tiền" nhờ dịch vụ lái xe hộ người uống rượu, bia

Ngày 14/5, tại tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, Ủy ban ATGT Quốc gia phối hợp với Ban ATGT thành phố Hà Nội tổ chức lễ phát động hưởng ứng Tuần lễ ATGT đường bộ toàn cầu lần thứ 7.

Thay đổi nhận thức và hành vi để giao thông an toàn
Quang cảnh lễ phát động hưởng ứng Tuần lễ ATGT đường bộ toàn cầu lần thứ 7.

Tuần lễ ATGT đường bộ toàn cầu triển khai với nhiều hoạt động được tổ chức thống nhất từ Trung ương, các bộ, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội đến các địa phương, nhằm kêu gọi người dân tự giác chấp hành pháp luật về an toàn giao thông, tham gia giao thông xanh - sạch - an toàn thông qua việc thay đổi thói quen sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân sang sử dụng xe đạp, xe điện, phương tiện giao thông công cộng và đi bộ; luôn tuân thủ quy định về tốc độ khi lái xe, nhường đường cho người đi bộ và phương tiện thô sơ.

Tại buổi Lễ phát động, ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, trước năm 2012, mỗi ngày có khoảng 30 người chết vì tai nạn giao thông (TNGT) nhưng đến năm 2022, báo cáo từ Bộ Công an cho thấy, mỗi ngày chỉ còn 17 người chết vì TNGT, giảm gần 50% so với 10 năm trước.

Thay đổi nhận thức và hành vi để giao thông an toàn
Ông Ngô Minh Hoàn, Phó Chủ tịch Công đoàn ngành Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, sử dụng tàu điện trên cao giúp bảo vệ môi trường.

Hưởng ứng lễ phát động, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị Hà Nội Vũ Hồng Trường, cho rằng, đô thị hóa là xu hướng khách quan của quá trình phát triển. Cùng với những lợi ích mà đô thị hóa đem lại là những thách thức và sức ép giải quyết những vấn đề đặt ra đối với giao thông đô thị như: Ùn tắc, TNGT, ô nhiễm môi trường…

Ưu tiên phát triển vận tải hành khách công cộng mà “xương sống” là đường sắt đô thị luôn được xem là giải pháp căn cơ để giải quyết tận gốc những thách thức đặt ra đối với giao thông đô thị. Đây cũng là xu hướng chung mang tính toàn cầu.

Thực tế cho thấy, phương tiện vận tải công cộng nói chung, đặc biệt đường sắt đô thị là phương tiện thân thiện và an toàn. Việc thay đổi thói quen từ sử dụng phương tiện cá nhân sang sử dụng phương tiện công cộng sẽ góp phần giảm thiểu nguy cơ tai nạn giao thông nhất là với các đô thị đang sử dụng xe máy là phương tiện đi lại chủ yếu như ở Việt Nam hiện nay.

Thay đổi nhận thức và hành vi để giao thông an toàn
Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông giúp thay đổi thói quen từ sử dụng phương tiện cá nhân sang sử dụng phương tiện công cộng.

Với đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, sự chuyển biến trong tư duy của hành khách là rõ rệt nhất. Dễ thấy, những hành vi chưa đẹp như vứt rác bừa bãi, nói chuyện ồn ào, không nhường ghế cho người già, phụ nữ, trẻ em... khi đi tàu điện nay đã không còn. Điều đáng mừng là văn hóa này đang từng bước lan tỏa sang các phương tiện công cộng khác ở Hà Nội.

Là người đầu tiên mua vé tháng tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, và thường xuyên sử dụng loại hình vận tải hành khách công công cộng này để đi đến nơi làm việc, ông Ngô Minh Hoàn, Phó Chủ tịch Công đoàn ngành Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, sử dụng tàu điện trên cao giúp bảo vệ môi trường. Ngoài ra, do chạy theo đường ray cố định, không có sự chen lấn của các phương tiện khác như ô tô, xe máy hay xe buýt nên tàu điện không chỉ nhanh mà còn an toàn.

Thay đổi nhận thức và hành vi để giao thông an toàn
Người dân đã có thói quen sử dụng tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông để di chuyển hơn là dùng phương tiện cá nhân.

Hơn hết, theo ông Ngô Minh Hoàn, tàu điện trên cao Cát Linh - Hà Đông góp phần phát triển du lịch. Cụ thể, Hà Nội là Thủ đô của Việt Nam nên lượng khách du lịch tới tham quan mỗi năm là vô cùng lớn. Hệ thống giao thông của mỗi quốc gia là khác nhau nên việc di chuyển cũng là một vấn đề nan giải đối với nhiều khách du lịch. Ngoài các cách di chuyển như thuê taxi, grab, xe ôm truyền thống, tài xế lái hộ… thì các phương tiện công cộng chính là lựa chọn tốt nhất đối với họ.

“Với việc ra đời của hệ thống tàu điện Cát Linh - Hà Đông, khách du lịch sẽ dễ dàng di chuyển tới các địa điểm tham quan trong Thủ đô. Vừa giúp đảm bảo an toàn lại tiện dụng. Với những vị khách có thời gian lưu trú, du lịch ngắn ngày thì nên sử dụng hình thức di chuyển bằng vé lượt khi cần di chuyển tới 2 điểm trở lên/ ngày để tiết kiệm được chi phí” - ông Ngô Minh Hoàn nhấn mạnh.