Thỏa thuận xanh của EU và thách thức đối với ngành xuất khẩu Việt Nam
Hoạt động xuất, nhập khẩu của Hà Nội có nhiều tín hiệu tích cực Xuất nhập khẩu hàng hóa đạt gần 500 tỉ USD trong 9 tháng năm 2023 Giao dịch thương mại thế giới nhiều biến động và kế sách của chúng ta |
Thỏa thuận Xanh châu Âu (EGD) là Chương trình tổng thể và dài hạn của EU nhằm ứng phó với các vấn đề khẩn cấp về khí hậu toàn cầu đến năm 2050. Được thông qua ngày 15/1/2020, EGD định hình chiến lược của EU để đạt mục tiêu phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 (trung hòa về phát thải) và trở thành khu vực kinh tế sử dụng ít nhất các nguồn lực tự nhiên vào năm 2050.
Chỉ trong chưa đầy 4 năm triển khai Thỏa thuận Xanh, EU đã có nhiều chính sách xanh đang/dự kiến có ảnh hưởng trực tiếp tới hàng hóa nước ngoài nhập khẩu vào khu vực này.
Chiến lược “Từ trang trại đến bàn ăn” của EU nêu các mục tiêu chuyển đổi xanh trong nhiều khía cạnh khác nhau của hoạt động sản xuất, tiêu thụ nông sản thực phẩm (Ảnh minh họa: BT) |
Cụ thể, trong lĩnh vực nông nghiệp, Chiến lược “Từ trang trại đến bàn ăn” nêu các mục tiêu chuyển đổi xanh trong nhiều khía cạnh khác nhau của hoạt động sản xuất, tiêu thụ nông sản thực phẩm. Đối với lĩnh vực sản xuất chế biến, Kế hoạch hành động kinh tế tuần hoàn mới liệt kê 35 chính sách nhằm xây dựng nền kinh tế xanh, sạch, tuần hoàn trong 7 chuỗi sản phẩm mục tiêu (điện tử - công nghệ thông tin, pin và phương tiện vận tải, bao bì đóng gói, nhựa, dệt may, xây dựng, thực phẩm và các sản phẩm dinh dưỡng).
Ngoài ra, còn có một số chính sách khác có phạm vi hẹp hơn nhưng cũng rất đáng chú ý như Chiến lược đa dạng sinh học, Cơ chế điều chỉnh carbon tại biên giới (CBAM), Chiến lược hóa chất vì sự bền vững, các chính sách về rác thải tiêu dùng…
Danh sách các chính sách xanh liên quan tới hàng nhập khẩu từ bên ngoài vào EU sẽ còn tiếp tục được bổ sung cùng với tiến trình triển khai các mục tiêu trong Thỏa thuận Xanh EU đến năm 2050, mà đặc biệt là trong giai đoạn từ nay tới 2030.
Các chính sách xanh nói trên của EU ảnh hưởng tới xuất khẩu Việt Nam theo các cách thức khác nhau, phổ biến nhất là làm gia tăng các tiêu chuẩn “xanh, bền vững” đối với hàng hóa xuất khẩu (các tiêu chuẩn kỹ thuật xanh mới, hoặc sửa đổi, nâng cấp yêu cầu hoặc mở rộng diện áp dụng của các tiêu chuẩn hiện có).
Tại Hội thảo "Thỏa thuận Xanh EU - Tác động tới xuất khẩu của Việt Nam và những điều doanh nghiệp cần biết", ông Nguyễn Quang Vinh - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, EU là thị trường có sức mua lớn nhất nhì toàn cầu và trước nay luôn nằm trong top đầu về kim ngạch xuất khẩu của hàng hóa Việt Nam.
Hội thảo "Thỏa thuận Xanh EU - Tác động tới xuất khẩu của Việt Nam và những điều doanh nghiệp cần biết". (Ảnh: Hà An) |
Mặc dù trong bối cảnh kinh tế khó khăn, song những cơ hội từ Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU, năm 2022, thị trường EU chiếm tới 12,6% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, tăng trưởng 16,7% so với năm 2021, cao hơn đáng kể so với mức tăng chung đi tất cả các thị trường (10,5%).
Với vị trí như vậy, những động thái của EU trong chuyển đổi xanh chắc chắn sẽ ảnh hưởng đáng kể tới một bộ phận không nhỏ của xuất khẩu Việt Nam. Vì vậy, đòi hỏi các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu Việt Nam phải tìm hiểu kỹ, theo dõi và thích ứng với các chính sách trong khuôn khổ Thỏa thuận Xanh EU.
Tuy nhiên, khảo sát nhanh do VCCI thực hiện tháng 8/2023 mới đây cho thấy, có tới 88-93% các doanh nghiệp và các chủ thể liên quan khác chưa từng biết tới hoặc chỉ nghe nói sơ qua về Thỏa thuận Xanh EU hoặc các chính sách, quy định cụ thể triển khai Thỏa thuận này mà EU đã thực hiện đến thời điểm này.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, để tích ứng với các tiêu chuẩn mới từ Thỏa thuận Xanh, các doanh nghiệp cần theo dõi sát diễn tiến các chính sách xanh ở EU, nhận diện kịp thời, chính xác các tiêu chuẩn xanh cụ thể có liên quan tới sản phẩm của mình. Đồng thời, có sự chuẩn bị, đầu tư và hành động từ sớm, từ xa để dần thích ứng và bảo đảm khả năng tuân thủ các yêu cầu bắt buộc khi EU áp dụng chính thức.
Bên cạnh đó, các cơ quan nhà nước, hiệp hội, tổ chức khác có thể hỗ trợ hiệu quả cho quá trình thích ứng với các tiêu chuẩn xanh EU này của doanh nghiệp thông qua việc cung cấp thông tin kịp thời, chuẩn xác và chi tiết về các tiêu chuẩn xanh EU theo các nhóm sản phẩm cụ thể; tư vấn, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện. Đồng thời, các cơ quan này cũng cần phối hợp với phía EU trao đổi về cách thức thực thi phù hợp về các hỗ trợ kỹ thuật cho doanh nghiệp Việt Nam.
Bảo Thoa
Bình luận