Đẩy mạnh tư vấn kỹ năng nghề nghiệp, việc làm cho học sinh, sinh viên Giải pháp nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục nghề nghiệp Đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực công nghệ kỹ thuật cao

Đó là nhấn mạnh của Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ - TB & XH) Lê Tấn Dũng tại buổi tiếp ông Keijo Norvanto - Đại sứ Cộng hòa Phần Lan tại Việt Nam về các nội dung liên quan tới thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp và đưa lao động Việt Nam sang làm việc tại Phần Lan vừa diễn ra mới đây tại trụ sở Bộ LĐ - TB & XH.

Tại buổi tiếp, Đại sứ Keijo Norvanto cho biết: Việt Nam và Phần Lan có mối quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt, trải rộng trên nhiều lĩnh vực. Trong đó tập trung vào hai lĩnh vực chính là hợp tác thương mại và phát triển bền vững. Tuy nhiên, giữa hai nước chưa có nhiều hợp tác về lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.

Thúc đẩy hợp tác giáo dục nghề nghiệp giữa Việt Nam và Phần Lan
Thứ trưởng Lê Tấn Dũng tiếp ông Keijo Norvanto - Đại sứ Cộng hòa Phần Lan tại Việt Nam

Trao đổi về lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, Đại sứ Keijo Norvanto khẳng định: Giáo dục tốt là một trong những trụ cột quan trọng, là “chìa khóa” cho những thành công trong phát triển kinh tế - xã hội và thích ứng với những thách thức mới nổi lên của Phần Lan. Phần Lan sẵn sàng hợp tác triển khai các chương trình giáo dục nghề nghiệp, đào tạo giáo viên giữa hai nước.

“Theo hệ thống giáo dục tại Phần Lan, học sinh có thể chọn học tiếp chương trình Trung học phổ thông (THPT) hoặc chương trình nghề sau khi hoàn tất chương trình Trung học. Tùy theo mong muốn và định hướng phát triển mà học sinh sẽ lựa chọn chương trình phù hợp” - Đại sứ Keijo Norvanto, chia sẻ.

Chương trình nghề ở Phần Lan được đào tạo từ 2 - 3 năm. Trong thời gian này, học sinh sẽ được định hướng và thực hành nghề nghiệp nhiều hơn so với học kiến thức giáo dục THPT. Từ đó, giúp các bạn có cái nhìn đúng hơn về ngành và chọn được hướng đi đúng cho bản thân.

Sau khi kết thúc chương trình đào tạo nghề, các bạn học sinh có thế học thêm chứng chỉ nghề cao hơn hoặc lấy thêm bằng nghề chuyên biệt. Từ đó, học sinh có thể chuyển thẳng lên bậc Đại học từ đào tạo nghề. Ở Phần Lan, khoảng một nửa số học sinh hoàn thành chọn giáo dục nghề nghiệp thay vì giáo dục THPT.

Đại sứ Keijo Norvanto, cho rằng: Phần Lan có thế mạnh về chương trình chuyển đổi số, kinh tế xanh. Do đó, Phần Lan và Việt Nam có thể đẩy mạnh hợp tác chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, đầu tư nguồn nhân lực cho nền kinh tế xanh để người lao động trau dồi kỹ năng, sử dụng công nghệ, sản xuất sản phẩm xanh, sạch, bảo vệ môi trường.

Về vấn đề nguồn nhân lực, cụ thể là việc đưa lao động Việt Nam sang làm việc tại Phần Lan, Đại sứ Keijo Norvanto, cho biết: Phần Lan đang đứng trước thách thức già hoá dân số, thiếu lao động, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, chăm sóc sức khỏe, bởi vậy, rất cần tuyển dụng lao động nước ngoài, trong đó có lao động Việt Nam sang làm việc để dự phòng thiếu hụt lao động trong tương lai. Chính vì vậy, Phần Lan mong nhận được sự phối hợp của Bộ LĐ - TB &XH, trước mắt là tổ chức một Hội nghị về lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp trong tháng 12 tới.

Thúc đẩy hợp tác giáo dục nghề nghiệp giữa Việt Nam và Phần Lan
Toàn cảnh buổi tiếp

Cảm ơn những chia sẻ và đề xuất của ngài Đại sứ Cộng hòa Phần Lan tại Việt Nam, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng, cho rằng: Việt Nam và Phần Lan có mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt thông qua trao đổi đoàn cấp cao, hợp tác trên nhiều diễn đàn đa phương, giao lưu nhân dân. Phần Lan là nước có nhiều hỗ trợ Việt Nam trong công cuộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước trước đây cũng như công cuộc xây dựng đất nước ngày nay với nhiều hình thức.

Tuy hợp tác đầu tư hai nước còn khiêm tốn, song hợp tác trong các lĩnh vực như khoa học công nghệ, môi trường, năng lượng sạch được đẩy mạnh trong thời gian gần đây, phù hợp với tiềm năng và nhu cầu hai bên.

Về đề xuất hợp tác trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, Thứ trưởng Lê Tấn, khẳng định: Việt Nam và Phần Lan đều coi trọng chất lượng và trình độ kỹ năng của người lao động, đặc biệt là lao động có kỹ năng nghề cao nhằm thúc đẩy tăng trưởng GDP, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới.

“Việt Nam là nước đang phát triển với gần 100 triệu người, trong đó lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 51,6 triệu người. Lực lượng lao động dồi dào, chất lượng lao động từng bước được nâng lên đã và đang là tiềm năng, thế mạnh của Việt Nam trong quá trình phát triển. Tuy nhiên, thách thức mà Việt Nam đang phải đối diện đó là già hóa dân số và thiếu lao động có kỹ năng nghề cao” - Thứ trưởng Lê Tấn Dũng, cho biết.

Với thế mạnh về giáo dục, đào tạo đội ngũ giáo viên có chất lượng cao của Phần Lan, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng mong muốn hai bên sớm thúc đẩy chương trình hợp tác trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.

Về tổ chức Hội thảo liên quan đến giáo dục nghề nghiệp, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng hoàn toàn thống nhất với phía Phần Lan. Tuy nhiên, nội dung của hội thảo nên tập trung ở cấp chính sách, chia sẻ, tìm hiểu về giáo dục nghề nghiệp giữa hai nước; nhu cầu, định hướng phát triển GDNN để từ đó đề xuất các cơ hội hợp tác với các hình thức phù hợp.

Đối với vấn đề hợp tác đưa lao động Việt Nam sang làm việc tại Phần Lan, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng hoan nghênh và khẳng định Việt Nam có nguồn lực lao động trẻ, năng động và đáp ứng được yêu cầu của Phần Lan, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp và chăm sóc sức khỏe.

“Trung bình mỗi năm Việt Nam có hơn 100.000 người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Lao động Việt Nam chinh phục được nhiều thị trường “khó tính” như Hàn Quốc, Nhật Bản và thị trường Rumani, Ba Lan, Na Uy…” - Thứ trưởng Lê Tấn Dũng thông tin.

Cuối cùng, Thứ trưởng đề nghị hai bên cử đầu mối để xúc tiến, thảo luận cụ thể hơn về nội dung hợp tác trong lĩnh vực lao động, giáo dục nghề nghiệp.