Tìm giải pháp căn cơ để phát triển vận tải hành khách công cộng
Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Đỗ Mười, Viện trưởng Viện Chiến lược và phát triển giao thông vận tải (Bộ Giao thông vận tải) cho biết, phát triển vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) là một trong những giải pháp quan trọng nhằm giảm ùn tắc giao thông và cung ứng dịch vụ công cộng đáp ứng nhu cầu đi lại ở các đô thị trong đó phương thức VTHKCC chủ yếu là bằng xe buýt.
Tuy nhiên, mức độ bao phủ mạng lưới tuyến VTHKCC bằng xe buýt trên toàn quốc thấp (mức độ bao phủ là tỷ lệ chiều dài mạng lưới tuyến xe buýt trên tỷ lệ chiều dài đường ô tô lưu thông được), chỉ ở mức dưới 20%. Riêng tại Hà Nội và TP.HCM, mức độ bao phủ đạt khoảng 90%.
Ông Lê Đỗ Mười, Viện trưởng Viện Chiến lược và phát triển giao thông (Bộ GTVT). Ảnh: BGT |
"Để giải quyết được bài toán ách tắc giao thông cho Hà Nội, TP.HCM và các thành phố lớn khác, phải hạn chế phương tiện giao thông cá nhân và phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng thay thế", ông Mười nêu quan điểm.
Ông Mười đề xuất, cần có các chính sách ưu tiên cho phát triển VTHKCC, khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân và bảo đảm cạnh tranh có kiểm soát. Bởi lẽ đầu tư tư nhân là yếu tố quan trọng để kích thích sự phát triển, tạo lập một môi trường cạnh tranh lành mạnh sẽ tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp tham gia và cung cấp các dịch vụ VTHKCC chất lượng cao, chi phí hợp lý.
Ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô hành khách TP.HCM. Ảnh: BGT |
Ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội vận tải hành khách TP.HCM cho biết, cần sớm có kế sách tác động, nâng cấp lại từ cơ sở hạ tầng, phương tiện, hệ thống vé... sao cho đồng bộ; cần tái cấu trúc mạng lưới VTHKCC ở TP.HCM bao gồm tuyến trục, tuyến chính và thu gom. Bên cạnh đó, Sở GTVT TP.HCM cũng cần nhanh chóng trình UBND TP.HCM một kế sách từ tái cấu trúc, phong cách phục vụ, đầu tư cơ sở hạ tầng, nhằm mang lại hiệu quả. Đối với chính sách trợ giá cũng cần có chính sách dài lâu, 5 năm, 10 năm thay vì từng năm như hiện nay. Ngoài ra TP.HCM cần nghiên cứu để đưa ra đường ưu tiên dành riêng cho xe buýt thực sự mang lại hiệu quả cho xe buýt.
Ông Hà Ngọc Trường, Phó Chủ tịch Hội cầu đường cảng TP.HCM cho biết, mạng lưới xe buýt TP.HCM tuy khá nhiều, 108 tuyến có 91 tuyến trợ giá, nhưng chủ yếu theo phân bố cũ, được điều chỉnh hàng năm. Hiện nay, hệ thống xe buýt đang phân bố lại. Điều này khác Hà Nội, là 85% dân số TP.HCM thuộc các khu vực hẻm nhỏ, chung cư, xe buýt lớn 30-50 chỗ không tiếp cận được. Vỉa hè bị chiếm dụng gần hết nên không có không gian cho người đi bộ. Đặc điểm của xe buýt TP.HCM như vậy, nên người dân mong muốn tổ chức tuyến xe buýt có hành lang riêng.
Đề xuất một số giải pháp để VTHKCC phát triển, ông Trường cho rằng, TP.HCM cần tổ chức hệ thống giao thông đồng nhất theo mô hình BRT bao gồm kết hợp phát triển xe buýt, monorail, metro… chung một tổ chức quản lý.
Ông Võ Khánh Hưng, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết, thành phố đang phấn đấu hoàn thành metro vào cuối năm 2023, theo đó sẽ có một số tuyến xe buýt phục vụ cho tuyến metro này. Hiện tại, TP.HCM cũng đã nghiên cứu xong việc đầu tư xe buýt nhỏ, dự kiến tới cuối năm 2022 sẽ kêu gọi đầu tư.
Bình luận