Tổng rà soát các dự án nhà ở trên địa bàn TP.HCM
Theo đó, Ủy ban nhân dân (UBND) TP.HCM vừa giao UBND thành phố Thủ Đức và các quận huyện tập trung rà soát, thống kê, phân loại tất cả các khu nhà ở, dự án đầu tư phát triển nhà ở trên địa bàn qua các thời kỳ từ 1980 tới nay. Trong đó tổng hợp các khó khăn, vướng mắc, đề xuất các giải pháp nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước tại địa phương đối với việc quản lý các khu nhà ở, các dự án nhà ở trên địa bàn.
Tại TP.HCM, việc cấp phép xây dựng có nhiều thay đổi theo thời gian và theo quy định, dẫn tới khó quản lý, đưa vào nề nếp. |
Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát, cung cấp số liệu, danh sách các khu nhà ở, các dự án đầu tư phát triển nhà ở đã và đang thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Sở Quy hoạch Kiến trúc cung cấp số liệu, danh sách các khu nhà ở, các dự án nhà ở trong giai đoạn thực hiện theo các văn bản của sở ngành, quận huyện và Kiến trúc sư trưởng Thành phố.
Trước đó Sở Xây dựng có văn bản báo cáo UBND TP.HCM kiến nghị việc tổng rà soát các dự án nhà ở trên địa bàn để thống nhất công tác quản lý, áp dụng các quy định pháp luật qua các thời kỳ nhằm quản lý dự án vào nề nếp và đảm bảo quyền lợi người dân.
Theo Sở Xây dựng, điều kiện khởi công dự án nhà ở từ năm 1980 đến nay chịu sự điều chỉnh của thay đổi pháp luật có liên quan hoặc chủ đầu tư đã chuyển nhượng, quan hệ dân sự khác cho các cá nhân, tổ chức dẫn tới khó khăn trong quản lý nhà nước về xây dựng tại địa bàn.
Mặt khác việc quản lý các dự án này cũng trải qua nhiều giai đoạn liên quan đến trách nhiệm quản lý (UBND quận huyện, Thanh tra xây dựng quận huyện, xã, phường, thị trấn, Thanh tra Sở Xây dựng) nên việc thu thập hồ sơ pháp lý, phối hợp kiểm tra, xử lý gặp nhiều khó khăn. Cùng với đó, việc theo dõi đầu tư xây dựng trong thời gian qua chưa bài bản, dẫn đến tình hình quản lý chưa đi vào nề nếp.
Từ năm 2020 đến nay, việc triển khai thực hiện các dự án nhà ở được thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư năm 2020, các văn bản hướng dẫn có liên quan và do Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM chủ trì, tham mưu UBND Thành phố, do đó Sở Xây dụng TP.HCM không có thông tin danh mục các dự án. Từ năm 2011 - 2020: Sở Xây dựng thực hiện thủ tục công nhận chủ đầu tư và chấp thuận đầu tư đối với các dự án xây dựng nhà ở thương mại. Năm 2022, Sở Xây dựng đã tổ chức kiểm tra thực địa đối với các dự án trong giai đoạn từ năm 2011 - 2020. Theo đó, có 180 dự án đã hoàn thành thi công xây dựng với 117.823 căn hộ chung cư và 7.849 nhà ở riêng lẻ; có 57 dự án đang thi công xây dựng với 50.976 căn hộ chung cư và 4.777 nhà ở riêng lẻ (số lượng căn hộ, nhà ở được xác định theo số lượng ghi trong văn bản chấp thuận đầu tư dự án). |
Các dự án này đa phần đã được phê duyệt quy hoạch tổng thể mặt bằng, quy hoạch chi tiết 1/500, tuy nhiên do một số nguyên nhân như chưa hoàn thành công tác bồi thường, tranh chấp, chưa được kết nối hạ tầng, chưa có quyết định giao cấp đất, dự án bị thu hồi, chưa được giấy phép xây dựng, chưa có thiết kế cơ sở được thẩm định…
Ngoài ra, một số dự án giao đất để đầu tư hạ tầng (trong đó có nhà đầu tư thứ cấp) mặc dù chưa được cơ quan nhà nước giao đất để đầu tư xây dựng khu nhà ở nhưng các chủ đầu tư đã ký hợp đồng hợp tác đầu tư với các khách hàng. Đến nay, do chưa đầy đủ pháp lý nên người dân không được xây dựng nhà dẫn đến khiếu nại, phản ánh kiến nghị, tiềm ẩn gây mất an ninh trật tự tại địa phương. Đồng thời có trường hợp người dân cố tình xây dựng dẫn đến nhiều khó khăn trong việc xử lý vi phạm, ngăn chặn, cưỡng chế phá dỡ công trình gây tốn kém cho ngân sách nhà nước.
Nhiều quy định về giấy phép xây dựng Theo Sở Xây dựng TP.HCM, việc cấp giấy phép xây dựng liên tục có nhiều thay đổi. Cụ thể: -Giai đoạn từ ngày 4/6/2003 đến trước ngày 1/10/2004: Việc cấp phép xây dựng thực hiện theo Quyết định 58/2000 của UBND TP.HCM về việc ban hành quy định cấp phép xây dựng trên địa bàn Thành phố. -Giai đoạn từ ngày 1/10/2004 đến ngày 5/3/2005: Được thực hiện theo Quyết định số 217/2004 của UBND TP.HCM về việc ban hành quy định cấp giấy phép xây dựng và quản lý xây dựng theo giấy phép trên địa bàn. -Giai đoạn từ ngày 5/3/2005 đến trước ngày 20/12/2012: Các đối tượng miễn giấy phép xây dựng được quy định tại Nghị định 16/2005 và Nghị định 112/2006 và Nghị định 12/2009 của Chính phủ. -Giai đoạn từ ngày 20/12/2012 đến trước ngày 1/1/2015: Các đối tượng miễn giấy phép xây dựng theo Nghị định 64/2012 của Chính phủ -Giai đoạn từ ngày 1/1/2015 đến ngày 15/8/2020: Các đối tượng được miễn giấy phép xây dựng theo Luật Xây dựng 2014. -Giai đoạn từ ngày 15/8/2020 đến nay: Các trường hợp được miễn giấy phép xây dựng theo Luật Xây dựng 2014 và được điều chỉnh theo Luật số 62/2014. |
Bình luận