TP.HCM: Thí điểm sử dụng thiết bị cân tải trọng để xử phạt lái xe rời hiện trường vi phạm Công an TP.HCM lý giải nguyên nhân dồn ứ hàng hóa tại cảng Cát Lái và cảng Phú Hữu TP.HCM: Đề xuất gần 360 tỷ đồng thuê dịch vụ cung cấp hệ thống thu soát vé tự động xe buýt

Theo Sở GTVT TP.HCM, dự báo sẽ có khoảng 60.190 lượt phương tiện cần kiểm định vào tháng 12/2023 và hơn 60.000 lượt phương tiện trong quý II/2024 (vượt công suất hiện tại). Hiện nay khó khăn nhất là số lượng đăng kiểm viên (ĐKV) tại Thành phố đang rất thiếu (hiện chỉ có 135 người), một số trung tâm còn trong diện phải tạm dừng hoạt động.

TP.HCM: Đăng kiểm xe cơ giới sẽ “nghẹt thở” trở lại vào tháng 12/2023

Vào dịp cuối năm, nhiều TTĐK tại TP.HCM lại lâm vào cảnh ún ứ nghiêm trọng.

Để giải quyết tình trạng này, Sở GTVT TP.HCM đã xây dựng kế hoạch phát triển mới các trung tâm đăng kiểm (TTĐK) và bổ sung nhân sự trong thời gian tới, đồng thời tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, tập huấn công tác quản lý, kiểm tra cho các nhân sự.

Để chủ động phòng ngừa tình trạng ùn tắc phương tiện đến kiểm định, Sở GTVT TP.HCM yêu cầu các TTĐK chủ động xây dựng kế hoạch (dự phòng), tăng thời gian làm việc trong ngày, bố trí làm thêm giờ ngày nghỉ, ngày lễ..., duy trì nghiêm việc tổ chức phương tiện đăng ký kiểm định thông qua ứng dụng phần mềm trực tuyến và các hình thức đăng ký khác phù hợp. Nghiêm cấm việc từ chối cấp Giấy chứng nhận kiểm định, Tem kiểm định đối với các trường hợp có lỗi khiếm khuyết, hư hỏng không quan trọng đã có trong quy định (như thay đổi lưới tản nhiệt cùng kích thước, biển số lắp đặt không chắc chắn...). Tránh tình trạng nhân viên TTĐK, "cò xe" tranh thủ tình hình ùn tắc để có hành vi tiêu cực nhằm trục lợi trong việc bố trí “xếp lốt” phương tiện để kiểm định không theo trình tự, gây mất an ninh trật tự, tạo dư luận xấu trong xã hội.

Đối với các Hiệp hội vận tải ô tô, logistics, chủ doanh nghiệp và chủ phương tiện, Sở GTVT đề nghị chủ động kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa các hư hỏng (nếu có) của phương tiện trước khi đi kiểm định; chủ động linh hoạt trong việc đăng ký đặt lịch hẹn trước qua phần mềm đặt lịch hẹn kiểm định phương tiện của Cục Đăng kiểm Việt Nam và các hình thức đăng ký trực tiếp.

Sở GTVT Thành phố khuyến cáo chủ phương tiện nên đưa các phương tiện sắp đến hạn, đã đến hạn hoặc quá hạn đăng kiểm nên lựa chọn thời điểm kiểm định sớm, phù hợp để tránh tình trạng tập trung vào đúng thời điểm hết hạn kiểm định như dịp cuối năm; chủ động khi trên đường về quê, đi công tác, du lịch, lấy hàng, giao hàng có thể vào bất kỳ đơn vị đăng kiểm nào tiện đường để kiểm định.

Theo Sở GTVT TP.HCM, hiện nay tình hình giao thông tại khu vực các TTĐK đã thông thoáng, không xảy ra tình trạng ùn tắc, xếp hàng kéo dài tại các trung tâm như trước đây. Công suất kiểm định phương tiện tại các TTĐK hiện nay đạt trung bình từ 60 - 70%. Việc kiểm định các phương tiện tại các TTĐK được thực hiện nhanh chóng hơn, số lượt phương tiện kiểm định đạt lần đầu từng bước được cải thiện.

Đối với chủ phương tiện, Sở GTVT TP.HCM lưu ý cần tra cứu cảnh báo phương tiện tại mục trên Cổng thông tin điện tử của Cục Đăng kiểm Việt Nam; chuẩn bị Giấy đăng ký xe hoặc Giấy biên nhận giữ bản chính giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông; thông tin về tên đăng nhập, mật khẩu truy cập và địa chỉ trang thông tin điện tử quản lý thiết bị giám sát hành trình…

Ngoài ra, Sở GTVT cũng đề nghị Cục Đăng kiểm Việt Nam tiếp tục tăng cường công tác đào tạo, đánh giá ĐKV nhằm kịp hỗ trợ phân bổ cho các TTĐK đang thiếu hụt lực nhân lực. Sớm tổ chức hướng dẫn, phổ biến và tập huấn cho nhân sự của Sở GTVT về nghiệp vụ quản lý, kiểm định xe cơ giới và công tác kiểm tra, đánh giá các điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực và hoạt động kiểm định của các đơn vị đăng kiểm.

Mặt khác, Sở GTVT TP.HCM cũng kiến nghị Ủy ban nhân dân (UBND) TP.HCM chỉ đạo Tổng Công ty cơ khí GTVT Sài Gòn TNHH MTV (Samco) sớm xem xét nghiên cứu đầu tư xây dựng mới các TTĐK tại đơn vị mình (phát triển từ 1 đến 2 trung tâm); đảm bảo mạng lưới TTĐK trên địa bàn Thành phố được phát triển đa dạng, phủ khắp.

Sở GTVT kiến nghị UBND Thành phố chỉ đạo Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Sở GTVT thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm định, hiệu chuẩn đối với phương tiện đo sử dụng trong hoạt động kiểm định xe cơ giới theo quy định của pháp luật về đo lường, cũng như chủ trì xây dựng kế hoạch phát triển, hình thành các tổ chức, các trung tâm kiểm định hoạt động trên địa bàn Thành phố.

Theo Sở GTVT TP.HCM: Đến thời điểm hiện tại trên địa bàn Thành phố có 17/19 TTĐK xe cơ giới đang hoạt động với tổng số dây chuyền kiểm định đang hoạt động là 36/53. Tổng số ĐKV đang làm việc tại các đơn vị là 135/197; năng suất kiểm định trung bình/tháng là 51.840 lượt xe/tháng. Có 2 TTĐK vẫn tạm ngưng hoạt động gồm TTĐK 50-06V (do thu hồi mặt bằng) và TTĐK 50-17D (do thiếu ĐKV). Từ ngày 15/9/2023 đến ngày 14/10/2023, tổng số lượt phương tiện tham gia kiểm định tại các TTĐK hoạt động trên địa bàn Thành phố đạt 49.243 lượt, tăng 1,73 lần so với tháng 9/2023 (28.399 lượt).

Vào tháng 12/2022 và các tháng đầu năm 2023, có 17 TTĐK đang hoạt động trên địa bàn Thành phố lần lượt tạm ngưng hoạt động để phục vụ công tác điều tra sai phạm xảy ra trong hoạt động đăng kiểm xe cơ giới (ngoại trừ 2 Trung tâm 50-03S và 50-04T). Hiện có khoảng 118 lãnh đạo và ĐKV đã và đang làm việc tại các TTĐK trên địa bàn Thành phố đã bị khởi tố, số liệu này vẫn đang được thường xuyên cập nhật. Đến nay, các TTĐK nêu trên đã hoạt động trở lại, đa số các đơn vị của Cục Đăng kiểm Việt Nam và của doanh nghiệp đã được phân bổ hoặc tuyển dụng mới các lãnh đạo và ĐKV; tuy nhiên số lượng nhân sự được phân bổ, tuyển dụng mới đã không đủ để vận hành các chuyền kiểm định hiện có tại các trung tâm.

Đáng chú ý, có 5 TTĐK với 29 ĐKV đang bị khởi tố được tại ngoại và tiếp tục làm việc tại đơn vị gồm trung tâm 50-01S (13 ĐKV), 50-02S (10 ĐKV), 50-05V (3 ĐKV), 50-07V (2 ĐKV) và 50-08D (1 ĐKV).