TP.HCM: Nâng cao chất lượng dịch vụ ăn uống để hút khách du lịch
Tọa đàm nhằm phổ biến và cập nhật các quy định mới về an toàn vệ sinh thực phẩm; hướng dẫn các nguyên tắc chế biến thực phẩm an toàn và các biện pháp phòng chống, xử lý ngộ độc thực phẩm tại cơ sở; văn hóa giao tiếp và ứng xử trong ngành dịch vụ ăn uống; kỹ năng quản lý, kiểm soát phòng chống cháy nổ tại cơ sở.
Đồng thời, cập nhật các quy định mới nhất về an toàn phòng cháy chữa cháy, kỹ năng phục vụ khách du lịch dành cho cơ sở lưu trú du lịch (có cung cấp các dịch vụ ăn uống), các cơ sở ăn uống đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch, nhà hàng, quán ăn trong cẩm nang Michelin trên địa bàn TP.HCM, qua đó góp phần hỗ trợ đội ngũ quản lý của nhà hàng nâng cao kỹ năng phục vụ khách du lịch chất lượng và tốt hơn.
TP.HCM có tiềm năng rất lớn để phát triển lĩnh vực dịch vụ ăn uống. |
Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM cho biết: Việc xây dựng hình ảnh những nhà hàng, cơ sở ăn uống thân thiện, chuyên nghiệp, mến khách, để lại ấn tượng đẹp với du khách không chỉ có ý nghĩa trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ kinh doanh dịch vụ ăn uống, mà còn góp phần xây dựng môi trường du lịch địa phương, tăng sức cạnh tranh của TP.HCM với các điểm đến du lịch khác trong nước và quốc tế.
Sở Du lịch kỳ vọng, đại diện của 150 nhà hàng, cơ sở ăn uống trên địa bàn TP.HCM sẽ được cập nhật các kiến thức, quy định pháp luật mới nhất, thực tế nhất trong lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống cháy nổ và kỹ năng phục vụ khách du lịch. Qua đó, các doanh nghiệp sẽ cùng ngành du lịch TP.HCM lan tỏa, tạo dựng hình ảnh đẹp trong mắt du khách; góp phần quan trọng trong việc quảng bá hình ảnh TP.HCM “Văn minh - Thân thiện – Nghĩa tình.”
Ẩm thực được xem là yếu tố không thể tách rời của du lịch, góp phần thu hút khách du lịch, kéo dài thời gian lưu trú, tăng mức chi tiêu bình quân của khách, tăng doanh thu du lịch và tạo nguồn thu cho ngành du lịch tại địa phương. Thực tế, sau thời gian bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, doanh thu của nhóm ngành dịch vụ ăn uống của TP.HCM có mức tăng trưởng nhanh, bứt phá vượt bậc. Cụ thể trong năm 2022, doanh thu của dịch vụ lưu trú và ăn uống đạt 84.805 tỷ đồng, tăng 105% so với cùng kỳ. Theo Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM, hiện trên địa bàn Thành phố có hơn 16.000 nhà hàng, dịch vụ ăn uống có địa chỉ cố định và hơn 15.800 quán ăn đường phố. Đây là tiềm năng rất lớn để TP.HCM phát huy tối đa dư địa phát triển trong lĩnh vực dịch vụ ăn uống. Tuy nhiên hiện nay chất lượng dịch vụ, kỹ năng xử lý tình huống về an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống cháy nổ và phục vụ khách hàng của các cơ sở ăn uống vẫn còn nhiều thiếu sót. |
Bình luận