TRỰC TUYẾN: Đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến về “Chính sách về tiền lương và Bảo hiểm xã hội”
TRỰC TUYẾN: Nâng cao kiến thức pháp luật về lao động, Công đoàn và bảo hiểm xã hội cho người lao động TRỰC TUYẾN: Các chính sách mới liên quan đến người lao động và nhận diện tín dụng đen |
Với sự tham gia tư vấn, trả lời câu hỏi trực tiếp của các chuyên gia trong lĩnh vực tiền lương, bảo hiểm xã hội (BHXH), buổi Đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến nhằm giải đáp các thắc mắc của doanh nghiệp, người lao động về các chế độ, chính sách mới liên quan đến người sử dụng lao động và người lao động về tiền lương, BHXH.
Đại biểu tham dự buổi Đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến |
Tham gia buổi Đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến và trả lời các câu hỏi của đoàn viên, người lao động (NLĐ) và bạn đọc là các chuyên gia trong các lĩnh vực pháp luật lao động, an toàn lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội gồm: Ông Tạ Văn Dưỡng - Trưởng ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động LĐLĐ Thành phố; bà Dương Thị Minh Châu - Trưởng phòng Truyền thông Bảo hiểm Xã hội thành phố Hà Nội; bà Vũ Minh Huyền - Phó phòng Xây dựng chính quyền Sở Nội vụ Hà Nội.
Dự buổi Đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến có các đại biểu: Ông Phạm Bá Vĩnh - Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội; ông Nguyễn Đình Chiến - Huyện ủy viên, Phó Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Đông Anh; ông Đào Minh Châu - Giám đốc BHXH huyện Đông Anh.
Về phía đơn vị tổ chức có các đại biểu: Bà Lê Thị Bích Ngọc, Ủy viên Ban Thường vụ LĐLĐ Thành phố, Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô; ông Đinh Tuấn Anh - Phó Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô; bà Trần Thu Hằng - Chủ tịch LĐLĐ huyện Đông Anh; ông Nguyễn Đăng Hoàn - Phó Chủ tịch LĐLĐ huyện; ông Nguyễn Nghiêm Lực - Phó Chủ tịch LĐLĐ huyện; cùng gần 300 đoàn viên Công đoàn, người lao động huyện Đông Anh.
Đại biểu dự Buổi Đối thoại, giao lưu |
* 8h30: Bắt đầu buổi Đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến
Phát biểu khai mạc buổi đối thoại, giao lưu trực tuyến, Phó Tổng biên tập báo Lao động Thủ đô Đinh Tuấn Anh cho biết: Thực tế cho thấy, khi xã hội phát triển, các quan hệ lao động ngày càng đa dạng, chính sách của nhà nước cũng liên tục phải điều chỉnh thì nhu cầu tìm hiểu, cập nhật kiến thức, nhất là các chế độ chính sách mới liên quan đến lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội… của người lao động ngày càng thường xuyên hơn.
Tiền lương, bảo hiểm xã hội không chỉ nhằm đảm bảo cuộc sống hiện tại và cả lúc hết tuổi lao động của người lao động, mà còn là nền tảng ổn định xã hội. Vì thế mà tổ chức Công đoàn bên cạnh trách nhiệm bảo đảm để các chính sách về tiền lương, bảo hiểm xã hội được thực thi tốt nhất cũng luôn chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền về những nội dung này để giúp đoàn viên, người lao động có thể tự bảo vệ mình trong quan hệ lao động và góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa.
Phó Tổng biên tập báo Lao động Thủ đô Đinh Tuấn Anh phát biểu khai mạc buổi Đối thoại |
“Đối với huyện Đông Anh, là nơi có Khu công nghiệp Thăng Long và các cụm công nghiệp, làng nghề, tập trung một lực lượng lao động khá đông, thì cuộc đối thoại, giao lưu hôm nay với chủ đề “Chính sách về tiền lương và bảo hiểm xã hội” mà Ban tổ chức lựa chọn có ý nghĩa thiết thực. Chúng tôi mong muốn làm cầu nối để công nhân, viên chức, lao động và cả các doanh nghiệp thêm cơ hội tìm hiểu những quy định, chính sách mới; được tư vấn trực tiếp và tìm hướng tháo gỡ những vướng mắc phát sinh trong thực tiễn lao động”, Phó Tổng biên tập báo Lao động Thủ đô Đinh Tuấn Anh khẳng định.
Phó Tổng biên tập báo Lao động Thủ đô cho biết thêm, đồng hành với chương trình có các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực pháp luật lao động, tiền lương và bảo hiểm xã hội, Ban tổ chức mong muốn các đoàn viên, công nhân viên chức lao động đang có mặt ở hội trường, cũng như bạn đọc ở xa tận dụng cơ hội, chia sẻ các vấn đề của mình, nêu nhiều câu hỏi trực tiếp; các chuyên gia sẽ giải đáp, tư vấn, giúp đoàn viên và người lao động hiểu thêm về chính sách, pháp luật, nắm rõ về quyền lợi, nghĩa vụ của mình và có thể tháo gỡ được các vấn đề của cá nhân.
8h30: Phát biểu tại buổi Đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến, Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Phạm Bá Vĩnh đánh giá cao ý nghĩa thiết thực của sự kiện do Báo Lao động Thủ đô và LĐLĐ huyện Đông Anh phối hợp thực hiện. “Đây là một hoạt động thiết thực của Báo Lao động Thủ đô, LĐLĐ huyện Đông Anh thực hiện phương châm hướng về cơ sở, về người lao động, chào mừng Đại hội Công đoàn các cấp, nhiệm kỳ 2023 - 2028”- ông Phạm Bá Vĩnh khẳng định.
Theo Phó Chủ tịch Phạm Bá Vĩnh, nhu cầu tìm hiểu kiến thức pháp luật, nhất là các chế độ chính sách mới liên quan đến Lao động, BHXH, tiền lương, an toàn vệ sinh lao động… của người lao động ngày càng cao. Tổ chức Công đoàn cũng đã và đang chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền về những nội dung này để giúp đoàn viên, người lao động có thể tự bảo vệ mình trong quan hệ lao động và góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa.
Phó Chủ tịch LĐLĐ Thành phố Hà Nội phát biểu chỉ đạo buổi Đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến |
“Với những lý do như vậy, tôi cho rằng chủ đề “Chính sách về tiền lương và Bảo hiểm xã hội” mà Ban tổ chức lựa chọn là rất thiết thực, ý nghĩa, giúp đoàn viên, người lao động có cơ hội tìm hiểu, nắm bắt rõ hơn chế độ, chính sách để đảm bảo được quyền lợi của mình; đồng thời hiểu rõ hơn vai trò, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn”- ông Phạm Bá Vĩnh nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch LĐLĐ Thành phố đề nghị các đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động mạnh dạn, thẳng thắn nêu những câu hỏi, thắc mắc của bản thân để cập nhật được những thông tin, kiến thức hữu ích nhất cho mình và đề nghị các chuyên gia sẽ vận dụng tốt các kiên thức lý luận, thực tiễn, chuyên môn để trang bị đầy đủ thông tin tới đoàn viên công đoàn và người lao động.
Gần 300 đoàn viên, người lao động tham gia trực tiếp buổi Đối thoại |
Ông Phạm Bá Vĩnh cũng đề nghị sau chương trình này, báo Lao động Thủ đô tiếp tục tổ chức thêm nhiều cuộc giao lưu trực tuyến để tuyên truyền, phổ biến, trang bị kiến thức mọi mặt, nhất là kiến thức pháp luật về Lao động, các chế độ, chính sách và những vấn đề thiết thực gắn với đời sống, việc làm đến với đông đảo đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động.
Ban tổ chức tặng hoa chuyên gia |
8h45: Các chuyên gia bắt đầu giải đáp câu hỏi, vướng mắc của đoàn viên, người lao động và bạn đọc
Chuyên gia của buổi Đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến |
Anh Hồ Sỹ Tiến, Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Hà Anh hỏi: Trường hợp người lao động và người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật thì phải chịu trách nhiệm gì. 2. Kiến nghị giảm thời gian đóng BHXH để đủ điều kiện nghỉ hưu để khuyến kích người lao động đóng BHXH, hạn chế rút BHXH một lần.
Chuyên gia Tạ Văn Dưỡng: Trong quy định Bộ Luật Lao động người sử dụng lao động chỉ được đơn phương chấm dứt hợp đồng trong một số tình huống do thiên tai hỏa hoạn; người lao động thường xuyên không hoàn thành nhiệm vụ; di dời địa điểm sắp xếp lại điểm sản xuất, kinh doanh; do người lao động không trung thực trong khai báo thông tin cá nhân. Ngoài các trường hợp trên là người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt Hợp đồng lao động trái pháp luật.
Anh Hồ Sỹ Tiến, Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Hà Anh đặt câu hỏi. |
Khi người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt Hợp đồng lao động trái pháp luật phải tiếp nhận người lao động trở lại làm việc; phải chi trả lương trong khoản thời gian người lao động phải nghỉ việc và đóng BHXH, bồi thường cho người lao động 2 tháng tiền lương.
Trong Bộ luật Lao động 2019 quy định người lao động có quyền dơn phương chấm dứt Hợp đồng lao động không cần lý do nhưng phải báo trước. Khi người lao động vi phạm thì phải bồi thường lại chi phí đào tạo mà doanh nghiệp phải bỏ tiền ra, phải quay trở lại làm việc, bồi thường cho chủ sử dụng lao động ½ tháng lương.
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Theo Bộ Luật Lao động 2014, người lao động khi có từ 10 năm đóng BHXH trở lên hết tuổi lao động có thể đóng 1 lần cho các năm còn thiếu, tuy nhiên có nhiều trường hợp người lao động không có khả năng đóng đủ cho các năm còn thiếu do đó Luật đưa ra vấn đề giảm tuổi nghỉ hưu. Khi giảm số năm đóng BHXH được nghỉ hưu đồng nghĩa tỉ lệ hưởng lương hưu thấp, bắt buộc phải là những người đã hết tuổi lao động.
Chị Nguyễn Minh Phương, Công ty CP Công nghiệp CCI hỏi: Tôi xin chuyên gia giải đáp cho tôi 2 câu hỏi, lao động cao tuổi không có lương hưu và có khi tham gia doanh nghiệp thì khi nghỉ có được hưởng BH thất nghiệp không? Thứ hai, trường hợp 1 bạn học vẽ máy tính 3 tháng, sau đó đánh giá đạt và đề xuất thêm thử việc 2 tháng. Quy địnhpháp luật về trường hợp này đúng không?
Chị Nguyễn Minh Phương, Công ty CP Công nghiệp CCI đặt câu hỏi. |
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Hiện quy định việc pháp luật không có quy định về tuổi hưởng trợ cấp thất nghiệp. Do vậy, với những trường hợp như bạn nói thì có thể hưởng trợ cấp bình thường.
Chuyên gia Tạ Văn Dưỡng: Với câu hỏi thứ 2 của bạn, tôi xin giải đáp như sau, hiện có quy định bố trí người lao động học nghề. Theo Luật giáo dục nghề nghiệp thì phải thành lập trường, phải có giáo viên, cơ sở vật chất… Với trường hợp của chị, tôi hiểu là tập nghề. Và với mục đích là tuyển để làm việc. Tuy nhiên, thời gian tập nghề không quá 3 tháng và sau khi tập nghề phải ký Hợp đồng lao động. Vậy nếu thêm 2 tháng nữa là không đúng quy định.
Chị Đỗ Thị Loan - nhân viên Công ty Cổ phần Bê tông Hà Thanh hỏi: 1. Xin chuyên gia giải thích về lương tháng 13. Doanh nghiệp có bắt buộc phải trả lương tháng thứ 13 không? 2. Người lao động phải làm gì khi Công ty không chốt sổ bảo hiểm khi người lao động nghỉ việc.
Chuyên gia Tạ Văn Dưỡng |
Chuyên gia Tạ Văn Dưỡng: Không có quy định về việc doanh nghiệp phải chi trả lương tháng 13. Nhưng hiện nay hầu hết các doanh nghiệp đều có chế độ phuc lợi, trong đó có nội dung trả lương tháng 13 cho người lao động. Đây là nội dung được ghi trong thỏa ước lao động tập thể nhằm khuyến khích người lao động ở lại với doanh nghiệp, do Công ty và Công đoàn thống nhất trong Thỏa ước.
Chuyên gia Minh Châu: Người chủ sử dụng lao động phải có trách nhiệm chốt sổ bảo hiểm cho người lao động khi người lao động nghỉ việc. Nếu không, người lao động có thể kiện qua Thanh tra của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, hoặc kiện ra tòa án.
Anh Nguyễn Văn Định (UBND xã Liên Hà) hỏi: Người lao động bị tạm đình chỉ công việc để điều tra thì có được đóng BHXH, BHYT không? Nếu được thì mức đóng quy định thế nào?
Anh Nguyễn Văn Định (UBND xã Liên Hà) đặt câu hỏi. |
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Người lao động bị tạm đình chỉ công việc để điều tra không được đóng BHXH, BHTN… nhưng vẫn thực hiện đóng bảo hiểm y tế, mức đóng hàng tháng bằng 4,5% của 50% mức tiền lương tháng.
Chị Tô Hương Lơ, Công ty Cổ phần Môi trường đô thị Đông Anh hỏi: Công ty bạn tôi nợ bảo hiểm xã hội của người lao động hàng chục năm nay, người lao động đã kiến nghị nhiều nơi nhưng chưa được giải quyết. Xin chuyên gia tư vấn người lao động ở Công ty bạn tôi cần phải làm gì để đòi hỏi quyền lợi của mình?
Chị Tô Hương Lơ, Công ty Cổ phần Môi trường đô thị Đông Anh đặt câu hỏi. |
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Các công ty nợ bảo hiểm đang là vấn đề nan giải trên địa bàn thành phố Hà Nội. Một số công ty Nhà nước sau khi cổ phần hoá vẫn còn nợ số tiền bảo hiểm xã hội rất lớn, cơ quan bảo hiểm rất khó trong thủ tục văn bản pháp lý khởi kiện các đơn vị. Với trường hợp chị nói chưa được đóng hoặc chưa được tách đóng thì người lao động nên đồng loạt khởi kiện để làm thủ tục theo pháp luật, đảm bảo quyền lợi của mình.
Chuyên gia Vũ Minh Huyền |
Câu hỏi của bạn đọc: Đơn vị sự nghiệp công lập thì được đơn phương chấm dứt Hợp đồng lao động làm việc với viên chức, vậy có đúng không?
Chuyên gia Vũ Minh Huyền: Đơn vị sự nghiệp công lập thì được phép đơn phương chấm dứt Hợp đồng lao động đối với người lao động, cụ thể hơn là đối với viên chức. Đơn vị sự nghiệp công lập gồm những đối tượng là viên chức và những người lao động khác, hiện đang thực hiện theo Nghị định 111 về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập.
Những nội dung liên quan đến trường hợp chấm dứt Hợp đồng lao động như thế nào thì từng trường hợp chúng tôi sẽ có tư vấn cụ thể.
Chị Phạm Thị Mai Hương, Công Ty cơ điện Châu An hỏi: Xin chuyên gia cho tôi hỏi, người lao động cần đáp ứng điều kiện nào để hưởng lương hưu. Và xin chuyên gia hướng dẫn các bước để hưởng bảo hiểm thất nghiệp.
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Tôi xin trả lời câu hỏi của bạn như sau, người lao động phải đáp ứng điều kiện theo Quy định 135 là đủ tuổi nghỉ hưu và đáp ứng đủ số năm đóng BHXH tối thiểu. Đủ tuổi nghỉ năm nay là với nữ là 56 tuổi và nam là 60 tuổi 9 tháng. Và số năm tối thiểu đóng BHXH là 20 năm đóng trở lên.
Người lao động lắng nghe câu trả lời của chuyên gia. |
Với các bước để hưởng bảo hiểm thất nghiệp, theo quy định chúng ta sau khi chấm dứt Hợp đồng lao động sẽ có sổ và mang sổ này lên nộp cho Trung tâm dịch vụ việc làm, trong thời hạn 3 tháng phải nộp. Lưu ý, chúng ta muốn hưởng trợ cấp thất nghiệp phải đóng đủ 12 tháng trong vòng 24 tháng trước khi chấm dứt Hợp đồng lao động.
Chuyên gia Tạ Văn Dưỡng: Với người lao động nghề nghiệp nặng nhọc, độc hại sẽ được nghỉ hưu sớm hơn. Với người lao động bị suy giảm sức khỏe 61% sẽ được nghỉ sớm…
Chị Cao Thị Hồng Ngọc - Công ty TNHH Lò xo Yu Tien Việt Nam hỏi: BHXH hưởng 1 lần của người nước ngoài, sau khi người này hưởng xong và sang công ty khác làm việc có được đóng BHXH nữa không?
Chị Cao Thị Hồng Ngọc - Công ty TNHH Lò xo Yu Tien Việt Nam đặt câu hỏi. |
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Chế độ BHXH dành cho người nước ngoài ở Việt Nam cũng giống như người Việt Nam, chỉ khác rằng khi người nước ngoài nghỉ việc thì được giải quyết chế độ BHXH một lần ngay sau khi chấm dứt HĐLĐ. Còn nếu tiếp tục tham gia ở một đơn vị khác cũng vẫn được tham gia như bình thường.
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu |
Anh Nguyễn Hữu Minh (trường Tiểu học Xuân Lộc) hỏi: Giáo viên trường công và trường tư mức đóng BHXH có khác nhau hay không? Phụ cấp thâm niên có tính đóng bảo hiểm hay không?
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Giáo viên trường công và trường tư đóng khác nhau ở điểm nếu như trường công hưởng lương theo hệ số, còn trưởng tư hưởng lương theo hợp đồng lao động do chủ sử dụng lao động quy định. Như vậy, tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội của giáo viên trường công hay trường tư là như nhau, do chế độ tiền lương khác nhau nên mức đóng bảo hiểm xã hội giữa giáo viên trường công và trường tư sẽ có sự chênh lệch.
Vấn đề tiếp theo, phụ cấp thâm niên nhà giáo đương nhiên phải đóng BHXH. Bởi trả thâm niên được trả theo lương hằng tháng.
Một bạn đọc hỏi: Nếu thực hiện chính sách cải cách tiền lương năm 2024, giáo viên sẽ không còn được hưởng phụ cấp thâm niên theo Nghị quyết 27. Đây là thay đổi khiến nhiều giáo viên cảm thấy tiếc nuối.
Chuyên gia Vũ Minh Huyền: Theo tinh thần Nghị quyết 27 tiền lương sẽ thực hiện theo vị trí việc làm, khi đó không hưởng theo hệ số mà hưởng theo một khoản tiền bằng giá trị công sức bỏ ra do được tính toán, ngoài ra các loại phụ cấp được tính toán để đưa vào một mức tiền công đảm bảo tất cả các giáo viên bỏ ra công sức lao động được trả lương xứng đáng. Bộ Giáo dục đang tham mưu xây dựng Dự thảo Luật Giáo dục, theo đó các ưu đãi của giáo viên sẽ được thực hiện với hệ thống tiền lương riêng. Chế độ chính sách hiện nay đối với giáo viên tạm thời chưa thực hiện theo Nghị quyết 27 nên vẫn có chế độ phụ cấp.
Chuyên gia Dương Minh Châu bổ sung: Nghị định 77 thay thế Nghị định 54 tính phụ cấp thâm niên cho các giáo viên đang giảng dạy tại các đơn vị công lập, Nghị định này có hiệu lực từ tháng 7/2020 nên trường hợp nào nghỉ hưu từ tháng 7/2020 không được hưởng theo Nghị định 54 thì được điều chỉnh lại chứ không phải điều chỉnh lại lương hưu. Những trường hợp nghỉ sau tháng 7/2020 chưa được tính thâm niên thì sẽ được tính, đơn vị phải có đề nghị đóng nộp bổ sung khoản tiền mà người lao động được hưởng thì BHXH mới có căn cứ điều chỉnh lại các vấn đề có liên quan.
Chị Nguyễn Thị Mai Trang, Trường Tiểu Học Thụy Lâm hỏi: Thời điểm Luật giáo dục 2019 có hiệu lực, giáo viên đã hoàn thiện bằng cấp liên quan, tuy nhiên hiện lại có quy định mới liên quan đến thăng hạng. Tuy nhiên, hiện xét thăng hạng hiện giáo viên vẫn gặp nhiều khó khăn, vậy chúng tôi có phải đợi 9 năm để xét thăng hạng không?
Chị Nguyễn Thị Mai Trang, Trường Tiểu Học Thụy Lâm đặt câu hỏi. |
Chuyên gia Vũ Minh Huyền: Với câu hỏi của chị, tôi xin cung cấp thông tin là hiện có hơn 30.000 hồ sơ đề nghị thăng hạng. Khi thực hiện luật giáo dục 2019, đã nâng 1 bậc chuẩn với giáo viên. Với giáo viên mầm non phải có bằng cao đẳng, Tiểu học phải có bằng Đại học… như vậy, Thông tư 08 của Bộ Giáo dục, xét thăng hạng phải tính từ khi các anh chị có bằng. Trong đó, vẫn yêu cầu hạng sang hạng nhưng thời gian để xem xét thăng hạng thì phải đủ thời gian trong trình độ đào tạo yêu cầu. Ở đây có câu chuyện là do câu từ dễ khiến giáo viên hiểu nhầm. Các anh chị lưu lý, và chúng tôi sẽ làm rõ hơn để anh chị hiểu. Vì tranh luận kéo dài nên 2023, Sở Nội vụ đã tham mưu với Bộ Giáo dục để làm rõ hơn nội dung về vấn đề này cho Hà Nội.
Lưu ý, với việc thăng hạng, ngoài đáp ứng đủ thời gian thì còn phải đáp ứng nhiều điều kiện đi kèm. Vì vậy đề nghị giáo viên phải đọc kỹ lưỡng các hướng dẫn. Để từ đó có cách lọc hồ sơ chính xác để gửi lên. Các hồ sơ phải đủ các tài liệu minh chứng.
Anh Phạm Văn Lý, Công ty TNHH du lịch dịch vụ xây dựng Bảo Yến hỏi: Trong điều luật của BHXH có quy định NLĐ được về hưu trước tuổi khi đủ 15 năm công tác, làm công việc độc hại. Nhưng nếu chỉ làm 13-14 năm mà muốn chuyển sang công việc khác thì được hưởng quyền lợi gì?
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Theo quy định, tối thiểu 20 năm đóng BHXH hoặc 15 năm làm công việc nặng nhọc độc hại thì được nghỉ hưu trước tuổi. Hiện nay chưa có quy định nào về việc nghỉ hưu dưới 14 năm.
Chị Nguyễn Thị Hạnh (Trường THCS Xuân Canh) hỏi: Một giáo viên dạy hợp đồng tại một trường THCS trên địa bàn huyện Đông Anh, hàng năm vào đầu mỗi năm học được ký hợp đồng với nhà trường, tuy nhiên chưa được đóng bảo hiểm xã hội. Xin chuyên gia cho biết với trường hợp như trên thì có được đóng BHXH hay không? Và nếu được thì phải đề xuất kiến nghị như thế nào?
Chị Nguyễn Thị Hạnh (Trường THCS Xuân Canh) đặt câu hỏi |
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Trách nhiệm của đơn vị sử dụng lao động là phải tham gia BHXH cho người lao động. Trường hợp này bạn ý kiến với chủ sử dụng lao động, nếu không được bạn đề xuất với Công đoàn và kiến nghị lên thanh tra Sở Lao động Thương binh và xã hội.
Anh Nguyễn Mạnh Dũng, Trường Tiểu Học Đại Mạch hỏi: Trường hợp viên chức sinh con thứ 3 không nằm trong trường hợp ưu tiên thì Công đoàn nên tham gia giải quyết như thế nào?
Chuyên gia Tạ Văn Dưỡng: Công đoàn với chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên, người lao động. Trường hợp này, ở góc độ công đoàn, Công đoàn phải tiếp cận tham gia từ đầu bằng các cơ sở thông tin thực tiễn để bảo vệ, tạo điều kiện tốt nhất cho đoàn viên.
Một bạn đọc hỏi, đội ngũ nhân viên nuôi dưỡng ở Trường Mầm non lương thấp. Vậy xin chuyên gia cho biết, có chế độ nào để nhân viên nuôi dưỡng yên tâm công tác không? Vì hiện nay lương của các đối tượng này rất thấp.
Chuyên gia Vũ Minh Huyền: Từ năm 2021 đến 2023 chúng tôi đã nhận được nhiều đề xuất của các cô nuôi của huyện Đông Anh. Theo quy định của Bộ Giáo dục, các cơ sở giáo dục Mầm non có thể sử dụng 2 hình thức là thuê mướn cơ sở phụ trách vấn đề nuôi dưỡng hoặc bố trí cô nuôi với những quy định cụ thể trên cơ sở số lượng học sinh.
Hà Nội là địa phương duy nhất đảm bảo xây dựng được chính sách với cô nuôi. Cô nuôi trên mặt bằng chung thường là nhân viên kỹ thuật với thang bảng lương cụ thể. Với các cô nuôi sẽ được đóng BHXH và 2 năm nâng 1 bậc lương.
Tuy nhiên, vì ở các cơ sở hiện đã có một bộ phận cô nuôi tự nâng cao hơn chuẩn cũ hoặc các trường tự tuyển dụng với trình độ cao hơn chuẩn nên hiện nhiều ý kiến đã đề xuất hưởng lương theo bậc đào tạo. Tuy nhiên, với vấn đề này, Hà Nội đã đề nghị các trường căn cứ theo khả năng tài chính đơn vị để áp dụng ký với các cô nuôi thông qua việc ký kết Hợp đồng lao động theo thang bảng lương hoặc theo lương tối thiểu vùng. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục nghiên cứu để có những đề xuất phù hợp hơn trong vấn đề này.
Chị Bùi Minh Châm, công ty CP bê tông Hà Thanh hỏi: Hiện tại tôi đang có một người bạn muốn đóng Bảo hiểm xã hội tự nguyện. Sự khác nhau giữa hai hình thức là bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện là như thế nào?
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Người tham gia BHXH bắt buộc là người lao động làm việc theo Hợp đồng lao động, người sử dụng lao động, cán bộ, công chức, viên chức, quân nhân…còn người tham gia BHXH tự nguyện là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi và không thuộc đối tượng đóng bảo hiểm bắt buộc.
Ông Nguyễn Đình Chiến - Huyện ủy viên, Phó Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Đông Anh trao quà cho người lao động. |
Đối với bảo hiểm bắt buộc, mức phí bảo hiểm sẽ được chia theo tỷ lệ cho người lao động và người sử dụng lao động. Trong đó tỷ lệ đóng là người sử dụng lao động tức doanh nghiệp có nghĩa vụ đóng 18%, người lao động đóng 8% từ tiền lương, tiền công hàng tháng để đóng BHXH… Ngoài ra bạn có thể đóng theo một trong 3 phương thức: đóng hàng tháng, đóng hàng quý hoặc đóng 6 tháng một lần. Đối với bảo hiểm tự nguyện, mức phí bảo hiểm là 22% mức lương người tham gia đã chọn để đóng bảo hiểm.
Khi tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc thì người tham gia sẽ được hưởng 5 chế độ nghỉ sau: Khi ốm đau, khi mang thai, khi gặp tai nạn hoặc mắc các bệnh nghề nghiệp, nghỉ hưu trí, tử tuất. Còn nếu tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thì người tham gia chỉ nhận được 2 chế độ là nghỉ hưu trí và tử tuất.
Với tự bảo hiểm tự nguyện hiện cơ quan bảo hiểm đang đề xuất bổ sung thêm chế độ thai sản, nguồn tiền từ ngân sách nhà nước đảm bảo.
Như vậy có thể thấy điểm khác nhau lớn nhất ở chế độ ngắn hạn. Về tuổi nghỉ hưu, đối với người tham gia bảo hiểm tự nguyện sẽ không được về hưu trước 5 năm nếu không có đủ thời gian đóng bảo hiểm bắt buộc. Tất cả các chế độ khác, chế độ dài hạn 2 loại hình bảo hiểm đều giống nhau, cách tính đóng, tỷ lệ phần trăm đóng cũng giống nhau.
Chị Nguyễn Thị Kim Quế, Chủ tịch Công đoàn trường Mầm non Phúc lộc hỏi: Với trường hợp giáo viên ký hợp đồng theo Nghị định 111 thì có được tăng lương định kỳ không? Khi giáo viên đó tham gia thi tuyển công chức thì có phải trải qua thời gian tập sự không? Hiện đơn vị tôi đang ở nhóm III tự chủ một phần.
Chuyên gia Nguyễn Minh Huyền: Từ năm 2023 - 2024 chúng ta có giáo viên hợp đồng theo Nghị định 111/2022/NĐ-CP về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập quy định rõ, ở đơn vị sự nghiệp nhóm III có thể sử dụng 1 trong 2 hình thức trả lương. 1 là trả lương theo thang bảng lương; 2 là trả lương theo thỏa thuận.
Bà Lê Thị Bích Ngọc, Ủy viên Ban Thường vụ LĐLĐ Thành phố, Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô tặng quà cho người lao động. |
Trường hợp trả lương theo thang bảng lương, nếu đủ điều kiện thời gian công tác từ 3 năm trở lên sẽ được xem xét tăng bậc lương. Tuy nhiên hiện nay đơn vị nhóm 3 đang áp dụng mức trả lương phụ thuộc vào nguồn thu của đơn vị nên việc tăng lương sẽ phụ thuộc vào nguồn thu này. Đơn vị sẽ căn cứ vào khả năng tài chính của mình để trả lương cho giáo viên và áp dụng các mức tăng lương phù hợp.
Đối với giáo viên được tuyển dụng qua thi tuyển viên chức, nếu đã làm hợp đồng từ 9 tháng trở lên thì sẽ được cộng dồn thời gian này để xem xét nâng bậc lương. Nếu đã làm hợp đồng dưới 9 tháng thì sau khi đỗ viên chức thì phải tập sự.
Chuyên gia Tạ Văn Dưỡng bổ sung: Khi ký hợp đồng 111 là ký theo quan hệ lao động, chế độ nâng lương theo thỏa thuận nên có thể được nâng lương hoặc không được nâng lương. Tuy nhiên các đơn vị nên có chế độ nâng lương để khuyến khích người lao động.
Chị Thịnh Thị Sáu - Công ty CP Môi trường đô thị Đông Anh hỏi: Chồng tôi là viên chức trong một đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn huyện Đông Anh. Hàng năm, chồng tôi thường xuyên không sử dụng hết số ngày nghỉ phép. Vậy chồng tôi có được thanh toán tiền cho những ngày không nghỉ phép đó không?
Bà Trần Thu Hằng - Chủ tịch LĐLĐ huyện Đông Anh tặng quà cho người lao động. |
Chuyên gia Tạ Văn Dưỡng: Với câu hỏi của chị tôi xin giải đáp như sau, ngày nghỉ pháp hàng năm là ngày nghỉ phép có hưởng lương và do người sử dụng lao động quy định ngày nghỉ cho người lao động. Với trường hợp người lao động mà cơ quan không thể bố trí cho người lao động nghỉ phép được thì người lao động được hưởng chế độ tiền lương trong ngày nghỉ phép đó. Bởi vậy, người lao động được hưởng 300% lương so với ngày thường. Tôi nhấn mạnh yếu tố linh hoạt từ 2 phiá là doanh nghiệp và người lao động trong vấn đề này để vấn đề nghỉ phép hài hòa.
Chị Nguyễn Thị Đào, Công ty cp HyoSung Việt Nam hỏi: Người lao động sau khi sinh con và sau khi hết thời gian thai sản không tiếp tục làm việc được. người lao động xin nghỉ hẳn thì có được hưởng BHTN không? Ứng dụng VSSID chưa cập nhật được hết thì người lao động làm sao để cập nhật được hết quá trình nộp BHXH.
Chị Nguyễn Thị Đào, Công ty cp HyoSung Việt Nam đặt câu hỏi. |
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Hưởng trợ cấp thất nghiệp thì không quan trọng là sau hưởng chế độ thai sản mà căn cứ vào thời điểm chấm dứt HĐLĐ, kể cả người lao động đang trong thời gian nghỉ thai sản, HĐLĐ hết hạn, không ký tiếp thì vẫn có thể hưởng song song cả chế độ thai sản và chế độ thất nghiệp.
Đối với cập nhật trên ứng dụng VSSID: có thời gian quản lý trên sổ giấy nên chưa cập nhật được hết, hiện nay ngoài cập nhật theo căn cước công dân hoặc theo đơn vị công tác, người lao động có thể vào trang zalo của cơ quan BHXH (Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội) gửi tin nhắn đề nghị hỗ trợ đồng bộ lại mã số BHXH và quá trình công tác.
Chị Tô Thị Bích (Công ty CP Môi trường Đô thị Đông Anh) hỏi: Xin chuyên gia cho biết, lao động ký hợp đồng thời vụ có được đóng BHXH không?
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Hiện nay không còn hợp đồng thời vụ mà chỉ còn hợp đồng xác định thời hạn và không xác định thời hạn Theo quy định, người lao động làm việc theo hợp đồng thuộc đối tượng phải đóng BHXH.
Chị Phạm Thị Ánh, Mầm non Ánh Dương hỏi: Con gái tôi lấy chồng 2 năm nhưng đã sang nước ngoài. Bảo hiểm đã đóng được 2 năm nhưng chưa muốn thanh toán bảo hiểm 1 lần, muốn giữ lại để sau này về nước tiếp tục đóng bảo hiểm. Như vậy có được không hay là phải thanh toán bảo hiểm xã hội 1 lần?
Chị Phạm Thị Ánh, Mầm non Ánh Dương đặt câu hỏi. |
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Thời gian đóng bảo hiểm xã hội là cộng dồn tất cả thời gian chúng ta đã tham gia mà chưa giải quyết bảo hiểm xã hội 1 lần, ngắt quãng bao lâu cũng được. Do vậy bảo hiểm của con chị có thể để đấy, khi nào về nước và đi làm có thể tiếp tục tham gia. Còn nếu cần thiết muốn đóng bảo hiểm cho con, chị có thể tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Chị Phan Thị Nga, Công đoàn xã Kim Chung hỏi: Chồng tôi có thời gian công tác liên tục tại Công ty hơn 10 năm. Tuy nhiên, sau khi kiểm tra trên VssID lại có một số tháng chưa đóng BHXH. Xin hỏi chuyên gia, chồng tôi phải làm gì?
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Ngắt quãng có thể do người lao động không làm đủ ngày công thì sẽ không tham gia đóng BHXH, theo Luật quy định người lao động không làm việc, không hưởng lương từ 14 ngày trở lên trong tháng thì tháng đó sẽ không phải đóng BHXH. Trường hợp này người lao động phối hợp với đơn vị sử dụng lao động để cập nhật, bổ sung lại xem tại sao sót.
Trong hệ thống VssID có ghi số tháng nợ BHXH, trường hợp đơn vị có đóng bổ sung thì số nợ sẽ giảm xuống, nếu người lao động muốn theo dõi đơn vị khắc phục đóng nợ BHXH đến đâu thì theo dõi trên hệ thống.
Chị Ngô Kim Ngân - Trường mầm non Hoa Mai hỏi: Việc tăng lương cơ sở dành cho các đối tượng nào?
Chuyên gia Tạ Văn Dưỡng: Lương cơ sở được áp dụng trong khối công chức, viên chức nhà nước. Tuy nhiên lương cơ sở cũng liên quan đến các chính sách bảo hiểm xã hội, trợ cấp, phụ cấp cho người lao động,… những chính sách này được tính theo mức lương cơ sở.
Chị Lê Thị Vinh, Trường THCS Vĩnh Ngọc hỏi: Trường tôi có 1 bạn là nhân viên thư viện có bằng Đại học nhưng hưởng lương Trung cấp, vậy làm thế nào để hưởng lương theo đúng bậc học?
Chuyên gia Vũ Minh Huyền: Với nhân viên thư viện, năm 2017 Hà Nội đã ban hành quy định tạm thời về vị trí việc làm, trong đó có quy định đối với nhân viên thư viện khi tuyển dụng vào thì sẽ là nhân viên thư viện hạng 4 và hưởng lương Trung cấp, là hạng thấp nhất đối với vị trí nhân viên thư viện. Khi Bộ Giáo dục có quy định thăng hạng chức danh nghề nghiệp, nếu cho phép thăng hạng với nhân viên thư viện thì lúc đó Hà Nội sẽ triển khai.
Ở đây, cần làm rõ là, khi tuyển dụng viên chức các trường tuyển theo vị trí việc làm chứ không phải theo bằng. Đây là quy định chung. Việc thăng hạng chức danh nghề nghiệp sẽ theo quy định của Bộ chuyên ngành và khi nào có hướng dẫn cụ thể thì Hà Nội sẽ triển khai.
Phát biểu bế mạc, bà Trần Thu Hằng, Chủ tịch LĐLĐ huyện Đông Anh cho biết, buổi Đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến đã diễn ra sôi nổi. Đã có khoảng 25 lượt câu hỏi, liên quan trực tiếp và phát sinh từ đời sống việc làm của người lao động như: Tiền lương, tiền thưởng, BHXH, an toàn lao động, thời giờ làm việc, nghỉ ngơi của NLĐ… cùng với sự tham gia của đông đảo người lao động, chủ doanh nghiệp và chủ tịch công đoàn cơ sở trên địa bàn. Chủ tịch LĐLĐ huyện Đông Anh bày tỏ mong muốn, sau buổi giao lưu trực tuyến, người lao động, đơn vị sẽ tiếp tục gửi ý kiến về LĐLĐ huyện để được kịp thời giải đáp. Thời gian tới LĐLĐ huyện và báo Lao động Thủ đô sẽ tiếp tục có các chương trình phối hợp để tuyên truyền, nâng cao kiến thức về pháp luật, việc làm cho người lao động. |
Bình luận