TRỰC TUYẾN: Sự kiện chính trị trọng đại của đội ngũ đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động và tổ chức Công đoàn Thủ đô TRỰC TUYẾN: Ngày làm việc thứ nhất Đại hội Công đoàn thành phố Hà Nội lần thứ XVII TRỰC TUYẾN: Đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến về “Chính sách về tiền lương và Bảo hiểm xã hội”

Đây là hoạt động thiết thực nhằm chào mừng thành công Đại hội Công đoàn thành phố Hà Nội lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2023 - 2028.

Buổi Đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến có sự tham gia của các chuyên gia trong các lĩnh vực bảo hiểm xã hội, tiền lương và y tế: Bà Dương Thị Minh Châu - Trưởng phòng Truyền thông, Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội; bà Vũ Minh Huyền - Phó Trưởng phòng Xây dựng chính quyền, Sở Nội vụ thành phố Hà Nội; bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng - Phụ trách Trung tâm Ôxy cao áp Việt Nga.

Chương trình được thực hiện nhằm giải đáp các thắc mắc của cán bộ Công đoàn, người sử dụng lao động và người lao động trên địa bàn quận Cầu Giấy về các chế độ, chính sách mới liên quan đến tiền lương, bảo hiểm xã hội và sức khỏe của lao động nữ.

TRỰC TUYẾN: Đối thoại về chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội
Đại biểu tham dự Đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến

Dự buổi Đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến có: Ông Kiều Thanh Hùng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội nhà báo thành phố Hà Nội; ông Nguyễn Văn Chiến - Phó Bí thư Thường trực Quận ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân quận Cầu Giây; bà Lê Thị Bích Ngọc - Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô; ông Nguyễn Văn Bình, ông Đinh Tuấn Anh - Phó Tổng biên tập Báo Lao động Thủ đô; bà Nguyễn Thu Hà - Chủ tịch LĐLĐ quận Cầu Giấy; bà Lê Hà Thu; Phạm Thị Lâm Anh - Phó Chủ tịch LĐLĐ quận Cầu Giấy.

Đặc biệt tham dự buổi Đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến có gần 300 cán bộ công đoàn, đoàn viên, CNVCLĐ quận.

TRỰC TUYẾN: Đối thoại về chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội
TRỰC TUYẾN: Đối thoại về chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội
Đoàn viên, CNVCLĐ quận tham gia buổi Đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến

8h35: Phát biểu khai mạc buổi Đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến, Phó Tổng biên tập Báo lao động Thủ đô Nguyễn Văn Bình cho biết: Nhằm thiết thực chào mừng thành công Đại hội Công đoàn thành phố Hà Nội lần thứ XVII, hướng tới Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, với phương châm hướng về cơ sở, vì người lao động, báo Lao động Thủ đô phối hợp với LĐLĐ quận Cầu Giấy tổ chức buổi đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến với chủ đề “Chính sách mới về tiền lương, bảo hiểm xã hội và sức khỏe cho lao động nữ”.

TRỰC TUYẾN: Đối thoại về chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội
Phó Tổng biên tập Báo lao động Thủ đô Nguyễn Văn Bình phát biểu khai mạc buổi Đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến

Tiền lương, bảo hiểm xã hội là những quyền lợi thiết thân, được người lao động đặc biệt quan tâm trong quá trình đi làm, tham gia quan hệ lao động. Đây cũng là mối quan tâm của người sử dụng lao động bởi lẽ, nếu đơn vị, doanh nghiệp nắm rõ và triển khai thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách đối với người lao động thì mới có thể động viên, giữ chân được người lao động , xây dựng quan hệ lao động hài hòa làm nền tảng cho sự phát triển bền vững.

Trong khi đó, trên thực tế, các chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước, các ban ngành chức năng lại thường xuyên được điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với điều kiện thực tế ở từng thời điểm. Chính vì vậy, việc tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật, đặc biệt là chính sách pháp luật mới đối với người lao động là cần thiết.

Cùng với chế độ chính sách, sức khỏe là mối quan tâm hàng đầu của người lao động. Sức khỏe của người lao động có sự ảnh hưởng quan trọng tới năng suất lao động, kết quả sản xuất kinh doanh, hiệu quả công tác của mỗi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.

TRỰC TUYẾN: Đối thoại về chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội
Các chuyên gia buổi Đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến

“Từ những lý do nêu trên, chúng tôi đã mời tới đây các vị khách mời là chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực chế độ chính sách, chuyên gia y tế, sẵn sàng giải đáp, trao đổi, cung cấp thông tin về chế độ tiền lương, bảo hiểm xã hội, các chế độ chính sách liên quan tới người lao động, cũng như cung cấp các kiến thức chăm sóc sức khỏe, nhất là sức khỏe đối với lao động nữ cho đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động. Chúng tôi mong muốn đoàn viên, người lao động mạnh dạn đặt những câu hỏi trực tiếp, nếu ở xa có thể gửi câu hỏi trực tuyến cho các chuyên gia để có thêm kiến thức bảo vệ quyền lợi, chăm sóc sức khỏe bản thân hoặc người thân”, Phó Tổng biên tập báo Lao động Thủ đô nhấn mạnh.

TRỰC TUYẾN: Đối thoại về chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội
Ban tổ chức tặng hoa các chuyên gia tham gia buổi Đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến

8h45: Chuyên gia giải đáp câu hỏi, thắc mắc của đoàn viên, người lao động

Chị Bùi Thị Nhật Anh (đoàn viên Công đoàn phường Nghĩa Tân) hỏi: Xin chuyên gia cho tôi hỏi, những trường hợp khen thưởng nào được xét nâng lương trước thời hạn?

Chuyên gia Vũ Minh Huyền: Hiện nay, Hà Nội đang thực hiện theo Quyết định số 21/2017/QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội về việc ban hành Quy định nâng bậc lương trước thời hạn do lập thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố Hà Nội.

TRỰC TUYẾN: Đối thoại về chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội
Chị Bùi Thị Nhật Anh (đoàn viên phường Nghĩa Tân) đặt câu hỏi.

Theo đó, nâng bậc lương trước thời hạn nếu đạt một trong các hình thức khen thưởng: Huân chương các loại; Danh hiệu Anh hùng Lao động; Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của Thành ủy; Bằng khen của Chủ tịch Hội đồng nhân dân; UBND Thành phố; Bằng khen của các Bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương. Và các danh hiệu như: Nhà giáo Nhân dân, Thầy thuốc Nhân dân, Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ sĩ Nhân dân, Thầy thuốc ưu tú. Nghệ sĩ ưu tú, Nghệ Nhân ưu tú; Chiến sĩ thi đua toàn quốc, Chiến sĩ thi đua cấp bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, Chiến sĩ thi đua cấp Thành phố.

Những người có đề tài khoa học hoặc sáng kiến kinh nghiệm, cải tiến kỹ thuật được cấp Bằng Lao động sáng tạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Chiến sĩ thu đua cơ sở; Danh hiệu “Người tốt, việc tốt tiêu biểu” cấp Thành phố cũng được nâng bậc lương.


Trần Thị Thanh Minh (Chủ tịch Công đoàn Công ty Hoàn Mỹ) hỏi: Theo quy định thì doanh nghiệp phải xây dựng thang, bảng lương và định mức lao động để làm cơ sở trả lương cho người lao động. Vậy, việc xây dựng thang lương, bảng lương này được quy định như thế nào? Nếu doanh nghiệp không niêm yết công khai thang, bảng lương này cho người lao động thì có đúng quy định hay không?

TRỰC TUYẾN: Đối thoại về chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội
Chị Trần Thị Thanh Minh (Chủ tịch công đoàn Công ty Hoàn Mỹ) đặt câu hỏi.

Chuyên gia Vũ Minh Huyền: Doanh nghiệp bắt buộc phải xây dựng thang bảng lương được quy định tại Điều 93 của Bộ Luật Lao động. Để xây dựng được thang, bảng lương thì phải tính được định mức lao động, định mức lao động phải đảm bảo đa phần người lao động phải làm được, không được phép xây dựng mức bắt buộc người lao động phải làm thêm giờ. Đồng thời bắt buộc phải công khai thang, bảng lương, nếu không công khai thì đơn vị phải bị xử phạt hành chính theo quy định pháp luật.


Chị Nguyễn Hải Trà hỏi: Chị gái tôi sinh năm 1975, tính đến nay chị tôi đã đóng BHXH bắt buộc 15 năm 3 tháng và hiện đang đóng tiếp BHXH tự nguyện. Xin chuyên gia cho biết, chị tôi phải tiếp tục đóng cho đủ 20 năm rồi đợi tới tuổi hưu 55 mới được lĩnh hay phải đóng cho tới tuổi 55?

Trường tôi có một giáo viên sinh năm 1973, do sức khỏe yếu nên chị không tham gia đứng lớp. Hiện nay với 30 năm đóng bảo hiểm xã hội nếu xin nghỉ hưu trước thì lương hưởng bảo hiểm của chị có được giữ như nghỉ hưu đúng tuổi không?

TRỰC TUYẾN: Đối thoại về chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu

Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Với trường hợp sinh năm 1975, hiện nay đnag tham gia BHXH tự nguyện thì có quy định đóng tối thiểu là 20 năm và tối đa đối với nữ để đạt 75% là 30 năm đóng và khi chị tham gia BHXH tự nguyện thì chị có thể lựa chọn ít nhất 20 năm đóng BHXH trở lên.

Do quyền chị lựa chọn chứ không bắt buộc do vậy việc tham gia tiếp BHXH để hưởng cao hơn cũng được hoặc dừng lại nếu không muốn tiếp tục.

Với trường hợp về hưu trước tuổi thì cần tính tuổi nghỉ hưu của năm đó. Năm nay với nam sẽ về hưu ở 60 tuổi 9 tháng và nữ là 56 tuổi. Muốn về sớm chỉ có thể về trước 5 năm và cần xét nghiệm y khoa để chứng minh bị suy giảm sức khỏe. Bạn muốn về hưu sớm cũng cần phải biết, mỗi năm về hưu trước tuổi sẽ bị trừ 2% tiền BHXH.


Chị Thu Hòa (Trường Mầm non Họa My) hỏi: Hiện nay, trên thẻ bảo hiểm y tế và Căn cước công dân gắn chíp đều có mã QR. Xin hỏi, người dân được hưởng lợi gì từ việc sử dụng thẻ bảo hiểm y tế có mã QR?

Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Lợi thế của mã QR là chúng ta không phải tra cứu bằng tay. Cụ thể, bắt đầu từ ngày 1/6/2021, người dân có thể dùng mã QR của thẻ bảo hiểm y tế trên ứng dụng VssID thay cho thẻ giấy khi đi khám bệnh trên toàn quốc.

TRỰC TUYẾN: Đối thoại về chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội
Chị Chị Thu Hòa (trường Mầm non Họa My) đặt câu hỏi.

Cụ thể, cơ sở khám, chữa bệnh sử dụng đầu đọc để quét mã QR-Code để lấy thông tin. Với mã QR trên thẻ bảo hiểm y tế thì công dân không phải lo lắng nếu mất hay quên thẻ giấy ở nhà, giảm thủ tục cho cả hai phía.

Cùng với những lợi ích mang lại cho người bệnh, thanh toán viện phí qua QR- Code giúp bệnh viện kiểm soát chặt chẽ nguồn thu viện phí, đảm bảo quá trình thanh toán chính xác, hạn chế tình trạng sai sót do việc kiểm đếm thủ công, tăng tính công khai minh bạch trong quá trình khám, chữa bệnh.


Chị Đoàn Thị Ngọc (Chủ tịch Công đoàn trường Tiểu học Nghĩa Đô) hỏi: Em trai tôi đi kiểm tra sức khỏe và được kết luận là bị xẹp phổi nhu mô 2 bên do hậu quả sau khi mắc Covid-19? Bệnh này có chữa được không và chữa như thế nào?

Hiện nay tôi 50 tuổi và đang ăn chay trường, vận động tốt. Tuy nhiên nhiều người nói tuổi này ăn chay trường sẽ bị thiếu chất. Xin bác sĩ tư vấn ăn chay trường có tốt không và tôi cần bổ sung thêm chất gì?

TRỰC TUYẾN: Đối thoại về chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội
Chuyên gia Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng.

Chuyên gia Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng: Hậu Covid-19 có ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, như trường hợp em trai chị là bị xẹp phổi. Để khắc phục, trước hết mình cần tập thở với tư thế và kỹ thuật phù hợp. Theo tôi, bài tập thở là quan trọng nhất. Mình cần tập thở thường xuyên với quyết tâm và ý chí cao. Thứ hai là cần nuôi dưỡng mạch máu với các thuốc hoạt huyết. Thứ ba là cần nuôi dưỡng tinh thần sao cho vui vẻ để tâm hồn được khỏe mạnh. Thứ tư có thể sử dụng các thuốc bổ chức năng liên quan đến phổi… dần dần sẽ hồi phục. Tôi đã thấy nhiều trường hợp cải thiện rõ nét nhờ áp dụng bốn phương pháp này.

Với vấn đề ăn chay trường, quan điểm của tôi về vấn đề này là cần tôn trọng, tôn trọng suy nghĩ cá nhân, tôn giáo. Cần phải nói rõ là, cơ thể hay cụ thể hơn là hệ tiêu hóa sẽ thay đổi theo chế độ ăn. Bởi vậy, sẽ không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe.

Tôi xin khẳng định ăn chay tốt và giảm tỉ lệ tim mạch và ung thư. Tuy nhiên ăn chay cũng sẽ dẫn đến thiếu một số chất thì cần bổ sung, cần phải thăm khám bác sĩ để có hướng dẫn cụ thể hơn. Khi có các xét nghiệm cụ thể thì sẽ có sự tư vấn cho bạn cụ thể. Qua đó có thể bổ sung bằng các thuốc hoặc thực phẩm hỗ trợ.


Chị Bùi Minh Hạnh (Công đoàn Tòa án Cầu Giấy) hỏi: Vừa qua tôi đi khám sức khỏe định kỳ, kết quả xét nghiệm cho thấy, một số chỉ tiêu như lượng Glucose của tôi lên 7.9; Cholessterol lên 6.2… dù tôi đã ăn uống rất khoa học là giảm lượng tinh bột. Xin bác sĩ tư vấn thêm, các chỉ tiêu nói trên dễ dẫn đến bệnh gì? Giờ tôi phải làm sao để giảm được các chỉ tiêu trên?

TRỰC TUYẾN: Đối thoại về chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội
Chị Bùi Minh Hạnh (Công đoàn Tòa án Cầu Giấy) đặt câu hỏi.

Chuyên gia, Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng: Đối với các chị em khi đã có tuổi thì sức khỏe sẽ có nhiều vấn đề, trong đó có các vấn đề về lão hóa nói chung với cả nam giới chứ không chỉ riêng nữ, lão hóa các mạch máu, các mạch máu xơ vữa khiến các cơ quan thiếu máu dần dần, gây viêm tại chỗ khiến gây ra các vấn đề về bệnh chuyển hóa, tim mạch, sức khỏe về tinh thân (tâm bệnh) mất ngủ, căng thẳng.

Đối với trường hợp của chị khi đi khám sức khỏe định kỳ chỉ số Glucose cao 7.9 thì cũng chưa nói được gì vì nó chỉ là một lát cắt, có thể do hôm nay mình ăn nhiều quá hoặc có sự thay đổi gì đó về sức khỏe nên đường huyết tăng nhưng chưa thể kết luận được là bệnh tiểu đường, hoặc chỉ số đó phải rất cao thì mới kết luận được ngay. Muốn đánh giá kỹ hơn đó phải tiêu đường không thì cần phải làm thêm xét nghiệm chỉ số HBMC để đánh giá hoặc phải dựa vào chi số đường huyết trung bình trong 3 tháng.

TRỰC TUYẾN: Đối thoại về chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội
Chuyên gia, Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng trả lời câu hỏi trong buổi giao lưu.

Trường hợp không làm chỉ số HBMC thì phải xét nghiệm chỉ số đường huyết đấy tuần vài lần thì mới đánh giá được. Hiện có rất nhiều người bị tiểu đường mà không biết, sau đấy khi đã biết rồi thì đi điều trị không hiệu quả. Bệnh tiểu đường đang được xem là căn bệnh thời đại làm các cơ quan giảm dần các chức năng nhưng giảm từ từ, khi phát hiện ra rồi thì gây ra nhiều biến chứng, vì thế chị cần đi kiểm tra tư vấn kỹ càng.

Như tôi đã nói ở trên tuổi 50 kể cả nam và nữ thì rất nhiều bệnh như mỡ máu, gan nhiễm mỡ… nếu không xử lý tốt thì sẽ giảm sức khỏe, không muốn làm gì, mệt mỏi mất ngủ. Về mỡ máu thì hiện có các thuốc tây y giảm mỡ máu được ngay nhưng không phải là giải pháp lâu dài. Theo tôi cách tốt nhất là chị nên tăng cường vận động, chọn các đồ ăn thức uống thảo dược tốt cho gan, đỡ gây áp lực cho gan…


Chị Nguyễn Lan Phương (Trường Mầm non Yên Hòa) hỏi: Lao động nữ được nghỉ dưỡng sức sau thai sản tối đa bao nhiêu ngày và thời hạn giải quyết chế độ dưỡng sức sau khi sinh là bao lâu?

ĐANG TRỰC TUYẾN: Đối thoại về chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội
Chị Nguyễn Lan Phương (trường Mầm non Yên Hòa) đặt câu hỏi.

Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Thời gian nghỉ dưỡng sức tùy theo điều kiện khi sinh là sinh non, sinh thường hay sinh con dưới 32 tuần tuổi, sinh mổ hay không. Người lao động phải thỏa thuận với chủ sử dụng lao động. Thời gian nghỉ dưỡng sức từ 5 - 10 ngày, chỉ được tính trong 30 ngày đầu kể từ ngày đi làm trở lại, nếu quá thời hạn xin nghỉ dưỡng sức sẽ không được duyệt, không cần phải làm hồ sơ chỉ cần đơn vị đề nghị, không cần có giấy xác nhận của bác sĩ.


Chị Đỗ Thị Hương (trường Tiểu học Dịch Vọng A) hỏi: Em gái tôi tham gia BHXH từ tháng 10/2018 đến nay. Hiện đang mang song thai tháng thứ 6. Xin các chuyên gia cho tôi hỏi chế độ thai sản của em tôi được hưởng gồm những gì và thủ tục như thế nào?

ĐANG TRỰC TUYẾN: Đối thoại về chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội
Chị Đỗ Thị Hương (trường Tiểu học Dịch Vọng A) đặt câu hỏi.

Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Chế độ thai sản của em chị vẫn được hưởng theo quy định của pháp luật giống như các lao động nữ mang thai bình thường, tuy nhiên, sẽ được tăng lên. Cụ thể về thời giam nghỉ thai sản, tính từ con thứ 2 trở đi cứ mỗi con người mẹ được nghỉ thêm một tháng. Về trợ cấp, theo quy định của Luật BHXH, lao động nữ sinh con thì được trợ cấp một lần cho mỗi con bằng 2 lần mức lương cơ sở tại tháng lao động nữ sinh con. Trường hợp mang thai đôi, tại thời điểm sinh sẽ được hưởng chế độ thai sản là 07 tháng và 04 tháng lương cơ sở.

Nói tóm lại trường hợp em chị vẫn được hưởng các quyền lợi thai sản như các lao động nữ khác nhưng sẽ được cộng thêm theo quy định của pháp luật.


Chị Nguyễn Hải Trà (Trường Tiểu học Dịch Vọng B) hỏi: Tôi tham gia BHXH từ tháng 5/2005 khi là giáo viên trường Tiểu học Dịch Vọng A, năm 2007 tôi đỗ viên chức và chuyển về trường Tiểu học Dịch Vọng B. Vừa qua, khi kiểm tra ứng dụng VssID, tôi thấy quá trình đóng bảo hiểm chưa được đầy đủ, trong giai đoạn chuyển giao giữa 2 trường có khoảng thời gian gần 2 năm tôi không được đóng BHXH. Mặc dù đã có kiến nghị nhưng chưa được giải quyết, vậy bây giờ tôi cần làm gì?

ĐANG TRỰC TUYẾN: Đối thoại về chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội

Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Với trường hợp của chị, đơn vị sẽ phải làm công văn đề nghị truy thu đóng và BHXH phải tổ chức thanh tra để tính tiền truy thu đóng và để đảm bảo quyền lợi cho chị. Tôi xe đề nghị BHXH quận Cầu Giấy phối hợp xử lý trường hợp của chị. Hiện các anh chị có thể theo dõi các nội dung về BHXH trên VssID.

Các anh chị xin kiểm tra giúp, nếu thiếu sự đồng bộ ở giai đoạn nào thì cần báo lại để cơ quan BHXH hỗ trợ các anh chị.


Chị Nguyễn Thị Ngọc Thủy (Chủ tịch Công đoàn Trường Mầm non Tuổi thơ) hỏi: Cháu gái tôi đang làm việc được hơn 1 năm tại 1 doanh nghiệp vận tải, hiện tại, cháu đang được hưởng lương và đóng bảo hiểm đầy đủ, tuy nhiên, cháu vẫn chưa rõ các điều kiện để hưởng chế độ thai sản.

Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Chế độ thai sản là một trong những quyền lợi mà người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc được hưởng (bao gồm cả lao động nam và nữ) trong quá trình thai sản từ khi khám thai đến khi nuôi con nhỏ. Chế độ nhằm bảo đảm, hỗ trợ một phần thu nhập và sức khỏe cho lao động nữ khi mang thai, sinh con, nuôi con nhỏ, thực hiện các biện pháp tránh thai và cho lao động nam khi có vợ sinh con.

ĐANG TRỰC TUYẾN: Đối thoại về chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội
Chị Nguyễn Thị Ngọc Thủy (Chủ tịch Công đoàn trường Mầm non Tuổi thơ) đặt câu hỏi.

Lao động nữ đang mang thai được nghỉ việc để đi khám thai 5 lần, mỗi lần 1 ngày; trường hợp ở xa cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc người mang thai có bệnh lý hoặc thai không bình thường thì được nghỉ 2 ngày cho mỗi lần khám thai.

Trước và sau khi sinh con, lao động nữ được nghỉ 6 tháng, trong đó trước khi sinh, tối đa không quá 2 tháng. Nếu sinh đôi thì được nghỉ thêm 1 tháng.


Chị Đỗ Thị Hương (trường Tiểu học Dịch Vọng A) hỏi: Vừa qua, khi khám sức khỏe cơ quan tôi có nhiều trường hợp gặp vấn đề về tuyến giáp ở các mức độ khác nhau. Tôi nghe nói hiện nay có biện pháp đốt nang tuyến giáp, xin bác sĩ cho biết biện pháp này có tốt không, những trường hợp nào thì nên đốt?

Chuyên gia, Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng: Hiện nay có điều kiện, người dân đi khám sức khỏe kỹ hơn, có bảng phân độ về những nguy cơ ung thư tuyến giáp, dựa vào kết quả siêu âm có thể đánh giá nguy cơ dựa vào một số tiêu chí: Nang có nhiều vi vôi hóa hay không, tăng sinh mạch hay không… từ đó dựa vào bảng hướng dẫn phân độ Tirads 1,2,3,4 . Mức độ 4A, B nguy cơ ung thư thấp, bắt đầu từ 4C nguy cơ ung thư khoảng 5-7%.

ĐANG TRỰC TUYẾN: Đối thoại về chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội
Ông Kiều Thanh Hùng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội nhà báo thành phố Hà Nội tặng quà cho đoàn viên, người lao động trả lời đúng câu hỏi trong buổi giao lưu.

Hiện nay có nhiều thể ung thư tuyến giáp nhưng đa phần khá lành tính, có thể chữa khỏi được. Việc phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp hay không nên cân nhắc cực kỳ kỹ càng, trong trường hợp phải cắt nếu có thể nên giữ lại một phần tuyến giáp, bởi nếu cắt toàn bộ tuyến giáp, sức khỏe sẽ bị giảm sút nhiều, trường hợp giữ lại một phần tuyến giáp có nguy cơ sẽ bị tái phát, khi đó cần phải theo dõi khám định kỳ thường xuyên.

Nếu có cường giáp cần sử dụng thuốc để giảm xuống, suy giáp thì phải bổ sung để tăng lên, còn nếu có nhân xơ Tirads mức độ 4 trở xuống cũng không nên quá lo lắng, nên khám sức khỏe 1 lần/năm hoặc có thể 6 tháng/lần. Việc đốt bằng sóng cao tần, đây là phương pháp an toàn, đặc biệt giải quyết vấn đề tâm lýxét về mặt chuyên môn có trường hợp đốt xong vẫn có thể tái phát lại.


Chị Nguyễn Thanh Huyền (Công ty cổ phần Long Hưng Holding) hỏi: 1. Người lao động trong 1 tháng nghỉ 14 ngày không hưởng lương có phải đóng bảo hiểm xã hội không?; 2. Một người lao động làm việc trong một công ty nước ngoài, khi công nước ngoài đóng cửa người lao động đó chuyển sang công ty khác. Qua kiểm tra phát hiện thời gian đóng bảo hiểm bị trùng 3 tháng, công ty mới không cấp được sổ do sổ bảo hiểm ở công ty cũ đã đóng cửa? Trong trường này có trả lại được 3 tháng không?

ĐANG TRỰC TUYẾN: Đối thoại về chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội
Bà Lê Thị Bích Ngọc - Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô tặng quà cho đoàn viên, người lao động trả lời đúng câu hỏi trong buổi giao lưu.

Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: 1, Tại văn bản hợp nhất số 2089/VBHN-BHXH ngày 26/6/2020 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, quy định: Người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng bảo hiểm xã hội tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng bảo hiểm xã hội.

2, Quy định của Luật Bảo hiểm xã hội là đóng theo Hợp đồng đầu tiên, nếu đóng trùng thì đơn vị sau sẽ thoái thu và trả lại cho người lao động.


Một bạn đọc gửi câu hỏi trực tuyến: Tôi được biết tới đây sẽ thực hiện chính sách cải cách tiền lương, theo đó giáo viên sẽ không được hưởng phụ cấp thâm niên theo Nghị quyết 27, đây là thay đổi khiến nhiều giáo viên cảm thấy tiếc nuối. Xin hỏi chuyên gia là chính sách này sẽ được triển khai như thế nào?

ĐANG TRỰC TUYẾN: Đối thoại về chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội
Chuyên gia Vũ Minh Huyền

Chuyên gia Vũ Minh Huyền: Đây là vấn đề mà nhiều cô giáo quan tâm. Tôi xin trao đổi như sau, thứ nhất khi triển khai thực hiện chế độ cải cách tiền tương mục tiêu yêu cầu đầu tiên là tiền lương phải xứng đáng với công sức và đáp ứng được nhu cầu sống. Khi xây dựng chính sách tiền lương thì Chính phủ đã phải tính toán đầy đủ đầu vào đầu ra, tính toàn bộ chi phí người lao động bỏ ra về sức khỏe để thực hiện công việc. Cụ thể đối với giáo viên là phải soạn bài, lên lớp đồng thời phải đảm bảo cuộc sống của mỗi gia đình cán bộ, công chức, viên chức…Đầu ra là chi phí mà nhà nước phải chi trả để đáp ứng việc tái tạo sức lao động và có tích lũy đảm bảo sức khỏe để làm việc.

Khi Nghị quyết 27 ban hành, Luật Giáo dục cũng có hiệu lực, khi đó các anh chị đều có thông tin thông tin về việc phụ cấp nhà giáo, phụ cấp đứng lớp thâm niên đều cắt giảm gây lo lắng cho giáo viên.

Tuy nhiên vừa qua tiến độ thực hiện giãn việc thực chính sách tiền lương thì chúng ta vẫn tiếp tục áp dụng thực hiện Nghị định 71 phụ cấp nhà giáo vẫn được áp dụng. Khi xây dựng chế độ tiền lương với giáo viên, toàn bộ các phần phụ cấp thâm niên nhà giáo, phụ cấp đứng lớp thì sẽ được xem xét tính toán trả thẳng vào lương và cơ bản sẽ có mục tiêu là trả lương thỏa đáng, phù hợp với giáo viên. ới trường hợp giáo viên mầm non đứng lớp lương rất rất thấp thì phải tăng cường tuyên truyền để giáo viên nắm được chế độ chính sách kết hợp với có nhiều biện pháp hỗ trợ chuyên môn, nghiệp vụ để các cô yên tâm công tác hơn.


Chị Đinh Thị Hồng Hải (Phó Chủ tịch Công đoàn Trường Lao động cộng đồng Hà Nội) hỏi: Xin chuyên gia cho tôi biết, ở tuổi 45 có nhiều người bị đột quỵ, cách xử lý và sơ cứu, việc hạn chế đột quỵ ra sao?

Chuyên gia, Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng: Hiện đột quỵ có xu hướng gia tăng, nhiều trường hợp không có dấu hiệu báo trước. Đột quỵ có 2 dạng là vỡ mạch máu (chiếm 20% ở nước ngoài và 30% ở Việt Nam), thứ hai là nhồi máu não (nước ngoài chiếm 80%, Việt Nam chỉ 20%).

ĐANG TRỰC TUYẾN: Đối thoại về chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội
Bà Nguyễn Thu Hà - Chủ tịch LĐLĐ quận Cầu Giấy tặng quà cho đoàn viên, người lao động trả lời đúng câu hỏi trong buổi giao lưu.

Có nhiều nhóm nguyên nhân dẫn đến đột quỵ: Một là xơ vữa mạch máu, khả năng co giãn của mạch máu kém. Chúng ta giảm xơ vữa mạch máu bằng cách kiểm soát mỡ máu, giảm các gốc tự do trong mạch máu. Khi các gốc tự do hoạt động mạnh khiến tế bào cơ thể bị ảnh hưởng. Chúng ta cần vận động nhiều và cải thiện chế độ ăn.

Hai là do mạch máu bị chèn ép. Ba là do cục máu đông khiến nhồi máu não. Trong người mỗi người luôn có một số cục máu đông, nó tự sinh ra và mất đi. Nếu ít vận động hoặc tiểu đường, huyết áp sẽ làm cục máu đông có xu hướng tăng. Bốn là có vấn đề về bệnh van tim. Năm là mạch máu co thắt đột ngột. Cần điều chỉnh căng thẳng, không stress. Hạn chế di chuyển khi ở moi trường chênh lệch nhiệt độ.

Để giải quyết các vấn đề này thì cần phải vận động, trong một số trường hợp thì cần phải can thiệp bằng thuốc. Việc dùng thuốc cực kỳ quan trọng và cần đến bác sĩ. Nếu lo ngại, đầu tiên bạn có thể dùng các thuốc chức năng trước. Với người trẻ bị mắc đột quỵ để đề phòng cần đi tầm soát. Nếu người trẻ bị tăng huyết áp cần phải thường xuyên đo huyết áp. Hiện 40% số người không biết mình bị tăng huyết áp. Rất mong các anh chị hãy đi đo huyết áp ít nhất 1tháng/lần. Để từ đó có hướng điều trị.


Chị Đặng Thùy Linh (Chủ tịch Công đoàn trường THCS Nghĩa Tân) hỏi: Xin hỏi, mức hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản với lao động nữ sau khi tăng lương cơ sở từ 1/7/2023 là bao nhiêu? Bạn tôi do hiếm muộn nên có nhờ chị gái sinh con hộ. Khi chị gái sinh con hộ thì bạn ấy có được nghỉ chế độ để chăm sóc con không? Khi được nghỉ thì cần thủ tục và chế độ như thế nào?

ĐANG TRỰC TUYẾN: Đối thoại về chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội
Chị Đặng Thùy Linh (Chủ tịch Công đoàn trường THCS Nghĩa Tân) đặt câu hỏi.

Bà Dương Thị Minh Châu: Mức hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản thì lấy lương hệ số nhân với lương cơ sở, chế độ thai sản hưởng 100%, các chế độ khác hưởng 75%.

Đối với chế độ mang thai hộ: Nghị định 115/2015-NĐ-CP quy định rất rõ. Trường hợp này, người lao động được hưởng tất cả các quyền lợi thai sản như các đối tượng hưởng chế độ thai sản bình thường, chỉ khác thời điểm tính nghỉ thai sản là thời điểm nhận con về, phải có quyết định công nhận của các cơ quan công nhân trường hợp mang thai hộ, khi đó người lao động vẫn được nghỉ chế độ thai sản 6 tháng, nếu khi nhận về con được 3 tháng thì chỉ được nghỉ đủ cho tới khi con đủ 6 tháng tuổi. Trường hợp mang thai hộ, để giải quyết chế độ hồ sơ thay đổi, ngoài căn cứ vào giấy khai sinh, giấy chứng sinh thì còn cần căn cứ vào quyết định nhận con nuôi từ thời điểm nào.


Chị Đặng Thị Mai Thương (Công đoàn Công ty đô thị môi trường) hỏi: Người lao động khi làm việc tại nhiều công ty, đóng BHXH dựa trên hợp đồng lao động đầu tiên nhưng BHYT lại đóng dựa trên hợp đồng lao động có thu nhập cao nhất dẫn đến chồng chéo và khó khăn cho doanh nghiệp. Trong trường hợp người lao động tham gia 2 công ty, người lao động cần cung cấp giấy tờ như thế nào để đúng thủ tục pháp lý cho công tác thanh tra?.

ĐANG TRỰC TUYẾN: Đối thoại về chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội
Chị Đặng Thị Mai Thương (Công đoàn Công ty đô thị môi trường) đặt câu hỏi.

Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Đây chính là vướng mắc mà cơ quan Bảo hiểm cũng khó thực hiện. Thực tế là từ trước đến nay, có nhiều trường hợp người lao động tham gia nhiều hợp đồng lao động nhưng chỉ khai hợp đồng lao động đầu tiên. Hiện cơ quan Bảo hiểm đang thực hiện thu BHXH, BHYT, BHTN, BH tai nạn lao động vào chung một hợp đồng lao động. Về Bảo hiểm xã hội là theo nguyên tắc đóng hưởng còn bảo hiemr y tế là chia sẻ rủi ro nên mức đóng bảo hiểm y tế cao thấp không nói lên điều gì không làm thay đổi mức hưởng bảo hiểm y tế, vì thế thường là đều theo hợp đồng lao động đầu tiên. Về bảo hiểm tai nạn lao động thì người lao động ký hợp đồng với đơn vị nào thì đơn vị đó phải đóng hợp đồng tai nạn lao động.

Về kê khai thì khai chỉ cần thông báo có mã số bảo hiểm xã hội ở đơn vị khác là được.


Chị Nguyễn Thị Thu Hằng (Công ty Point Avenue) hỏi: 1, Một lao động nữ đang nghỉ chế độ thai sản thì ốm và phải nhập viện 1 tháng, người đó có được hưởng cả chế độ thai sản và chế độ ốm đau không?; 2, Tôi đóng BHXH từ năm 2016, 5 tháng cuối năm 2018 tôi có về quê ở Nam Định và có đóng BHXH tại một công ty ở quê. Khi nghỉ công ty có trả tờ rời về đóng BHXH. Tuy nhiên, khi tôi mở ứng dụng VssID thì không thể hiện 5 tháng đóng đó? Tôi có nhất thiết phải cập nhật lại trên ứng dụng không?

ĐANG TRỰC TUYẾN: Đối thoại về chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội
Chuyên gia Vũ Minh Huyền trả lời câu hỏi trong buổi giao lưu.

Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: 1. Theo quy định, người lao động bị ốm đau trong thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản thì không được giải quyết chế độ ốm đau.

2. Bạn có thể liên hệ với BHXH quận Cầu Giấy hoặc BHXH thành phố để được hỗ trợ cập nhật thêm thời gian 5 tháng đã đóng BHXH.


Chị Nguyễn Thị Hương Giang (Công ty TNHH Hoàn Mỹ): Xin chuyên gia tư vấn giúp tôi, hiện nay tôi bị lo lắng trong cuộc sống và thường xuyên mất ngủ. Cách khắc phục tình trạng này như thế nào?

Chuyên gia, Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng: Hiện có 40% người trưởng thành bị rối loạn giấc ngủ, khó vào giấc. Trong quá trình ngủ không sâu giấc và dễ tỉnh ngủ. Ngoài ra, khó ngủ lại và thường bị dậy quá sớm.

Nhắc lại một chút, trong quá trình ngủ, giấc ngủ có những chu kỳ khác nhau. Điều này phụ thuộc vào nhịp tim, chuyển hóa cơ thể. Việc mất ngủ trước hết do áp lực, căng thẳng cuộc sống. Để khắc phục phải tự cân bằng áp lực. Nếu hay lo lắng thì cần điều chỉnh. Nếu bạn mắc một số bệnh cũng có thể gây rối loạn giấc ngủ. Ngoài ra, chị cần tăng thời điểm đi ngủ sớm để điều chỉnh giấc ngủ.

Cách điều trị rối loạn giấc ngủ sẽ có 3 nhóm điều trị. Cụ thể: Một là, điều trị không dùng thuốc. Để điều trị theo hướng này bạn cần phải “vệ sinh” giấc ngủ bằng cách vận động nhẹ nhàng, bố trí phòng ngủ ấm áp, ngâm chân nước nóng… Ngoài ra, cần phải đảm bảo đường tiêu hóa tốt với chế độ ăn lành mạnh, các thực phẩm lên men tiêu hóa tự nhiên.

Hai là, bạn có thể dùng các thảo dược tự nhiên để kích thích giấc ngủ. Ai mất ngủ có thể dùng thêm B6 để bổ sung, giúp ngủ ngon hơn.

Ba là, bạn có thể dùng thuốc tây, có thể dùng thuốc chống dị ứng sẽ đỡ ảnh hưởng đến sức khỏe hơn. Với điều trị hướng này bạn có thể dùng thêm thuốc bổ não hoặc dùng thuốc an thần. Với nhóm này, bạn cần chú ý tham khảo ý kiến của bác sĩ. Tôi có khuyến cáo cho với hướng điều trị dùng thuốc là, khi bạn dùng thuốc, nếu lạm dụng thuốc thì bạn sẽ bị lệ thuộc và khiến biến đổi về tính cách. Tôi đã chứng kiến nhiều trường hợp như vậy.


Chị Đoàn Thị Ngọc (Chủ tịch Công đoàn trường Tiểu học Nghĩa Đô) hỏi: Trong quá trình công tác, người lao động có việc xin nghỉ không lương thì có được nghỉ không, tối thiểu và tối đa là bao nhiêu ngày? Trong quá trình nghỉ có được đóng BHXH không, lương của người nghỉ không lương được chi trả cho người làm thay như thế nào?

Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Nếu tháng đó người lao động nghỉ 15 ngày không hưởng lương thì không cần đóng BHXH, nếu chỉ nghỉ 2 ngày không lương thì vẫn nằm trong quy định phải đóng BHXH.

Chuyên gia Vũ Minh Huyền bổ sung: Nếu người lao động nói chung thì sẽ được thỏa thuận với chủ sử dụng lao động để được nghỉ không lương, đối với viên chức trong quy định không có nội dung này, với vai trò người lao động thì chị vẫn có thể thỏa thuận với đơn vị để nghỉ không lương, nhưng không được kéo dài quá.

Khi nghỉ không lương, tiền lương đó nằm trong quỹ lương chung của đơn vị, khi đó đơn vị phải thực hiện ký kết Hợp đồng lao động với người khác để đảm bảo vị trí công việc, thời gian ký Hợp đồng lao động tối đa bằng với thời gian người viên chức đó xin nghỉ không hưởng lương.

ĐANG TRỰC TUYẾN: Đối thoại về chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội
Bà Nguyễn Thị Thu Hà - Chủ tịch LĐLĐ quận Cầu Giấy phát biểu bế mạc.

Phát biểu bế mạc buổi Đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến, bà Nguyễn Thị Thu Hà - Chủ tịch LĐLĐ quận Cầu Giấy trân trọng cảm ơn báo Lao động Thủ đô đã phối hợp với LĐLĐ quận tổ chức buổi đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến với nội dung rất thiết thực và cảm ơn các chuyên gia đã cung cấp cho cán bộ, đoàn viên Công đoàn, công nhân viên chức lao động quận Cầu Giấy những thông tin hữu ích về chính sách pháp luật, về chăm sóc sức khỏe.

“Buổi đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tiếp hôm nay đã thành công tốt đẹp, thông qua đây, các cán bộ Công đoàn cơ sở và các đoàn viên, công nhân viên chức lao động đã được trang bị những kiến thức về chế độ chính sách từ đó bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người lao động, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa đồng thời cũng được trang bị những kiến thức để có thể tự chăm sóc và nâng cao sức khỏe bản thân”- bà Nguyễn Thị Thu Hà khẳng định.