Tương lai nào cho 'thành phố mới' Nhơn Trạch?
Những ngày đầu tháng 7/2022, Phóng viên Báo Lao động Thủ đô trở lại vùng “thành phố mới” Nhơn Trạch. Đường sá xây dựng quy củ nhưng vắng vẻ kỳ lạ, thỉnh thoảng mới có bóng người qua lại. Trên nhiều đoạn đường, cổng công sở rêu mốc, những bảng quảng cáo rách nát, bạc màu.
Đường sá xuống cấp và vắng người qua lại. |
Đặc biệt, đi sâu vào bên trong, cả “thành phố” được quy hoạch với đường sá rất quy mô này hiện toàn là những bãi đất trống trải rộng bao la, được người dân trồng mì hoặc các loại cây ngắn ngày. Các cơ quan chức năng cho biết hầu hết chủ đầu tư và các đơn vị quản lý cho người dân thuê mượn trồng tạm.
Đập vào mặt là hàng loạt căn nhà phố, biệt thự xây dựng dở dang rồi bỏ không. Có những dãy biệt thự đã tô trát nhưng chỉ để cho nhện giăng, không ai đến ở. Gió lộng qua những cây dại um tùm làm cho không gian thêm hoang vẳng, khiến nhiều người có cảm tưởng như đang đứng giữa “thành phố… ma”.
Nhiều căn nhà phố xây xong rồi bỏ đó trong Khu đô thị Nhơn Trạch. |
“Không người ở, không cư dân, chỉ có đường sá, biệt thự cao cấp xây lên rồi bỏ đó. Một thời gian dài, người ta ồ ạt về đây đầu tư, xây dựng rồi đột ngột bỏ đi như một cơn đại hồng thủy tràn qua vậy…”, một người dân ở sát cạnh khu vực cho hay.
Theo các chuyên gia, đô thị Nhơn Trạch được xây dựng rồi bỏ hoang một phần là do vì cách trở về địa lý nên không thể hấp dẫn cư dân cũng như các nhà đầu tư. Vì vậy, mỗi lần có “làn gió mới” nổi lên, chẳng hạn như khi dự án cầu Cát Lái tái khởi động, dự án sân bay quốc tế Long Thành khởi công hoặc mạng lưới cao tốc kết nối vùng được thực hiện, thì đô thị Nhơn Trạch lại được kỳ vọng sẽ hồi sinh!
Ông Võ Tấn Đức, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết: Huyện Nhơn Trạch đã quy hoạch đô thị khá bài bản nhưng nhiều năm không phát triển được do thiếu kết nối hạ tầng. Khu dân cư thiếu các dịch vụ tiện ích, các công trình xã hội chưa được đầu tư.
Năm 1994, huyện Nhơn Trạch được thành lập trên cơ sở tách từ huyện Long Thành cũ, tổng diện tích toàn huyện là 431 km2. Đến năm 1996, đề án thành phố mới Nhơn Trạch được phê duyệt có diện tích lên đến hàng ngàn héc-ta với định hướng sẽ trở thành đô thị loại 2 của tỉnh Đồng Nai và là thành phố vệ tinh của thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM). Cũng trong năm 1996, kế hoạch thực hiện quy hoạch thành phố mới Nhơn Trạch được đẩy mạnh, dự kiến thu hút dân cư và trở thành đô thị vệ tinh của TP.HCM trong 10 năm.
Trong quá trình quy hoạch, xây dựng thành phố mới Nhơn Trạch đã tạo nên 5 cơn "sốt nhà đất" rất lớn. Lần thứ nhất là vào năm 1996 khi huyện Nhơn Trạch được phê duyệt quy hoạch lên thành phố. Lần thứ hai vào năm 2006 khi có thông tin xây cầu Cát Lái nối Nhơn Trạch với quận 2, TP.HCM.
Các cơn sốt đất "càn quét" qua để lại nhiều căn nhà bỏ hoang tại Khu đô thị Nhơn Trạch. |
Đợt sốt đất diễn ra lần thứ 3 vào năm 2014 khi dự án sân bay quốc tế Long Thành được thông qua chủ trương đầu tư. Cơn sốt lần thứ 4 là vào năm 2016 khi TP.HCM kiến nghị Thủ tướng chấp thuận chủ trương bổ sung quy hoạch xây dựng cầu Cát Lái. Đợt sốt mới đây nhất, lần thứ 5 diễn ra vào năm 2018 khi UBND tỉnh Đồng Nai và TP.HCM liên tục họp bàn nhiều cuộc về phương án xây cầu thay phà Cát Lái.
Để triển khai quy hoạch “thành phố mới Nhơn Trạch”, đã có tổng cộng 74 dự án lớn với gần 5.000 ha đất được giao cho các nhà đầu tư. Thế nhưng trong vài năm chỉ có 12 dự án được thực hiện dở dang rồi ngưng hẳn, số còn lại bỏ hoang hoàn toàn hoặc nhà đầu tư “bỏ của chạy lấy người”.
Đầu tháng 7/2022, UBND tỉnh Đồng Nai đã quyết định hủy bỏ 125 dự án bất động sản nhiều năm không thực hiện hoặc chậm tiến độ trên địa bàn tỉnh, với tổng diện tích lên tới hàng ngàn héc-ta. Trong đó địa phương có nhiều dự án khu dân cư, khu đô thị bị hủy kế hoạch sử dụng đất là huyện Nhơn Trạch, Long Thành, Trảng Bom và thành phố Biên Hòa. |
Bình luận