Ứng dụng công nghệ cao để tăng hiệu quả sản xuất nông nghiệp
Phấn đấu đưa Hà Nội đi đầu trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao Người nông dân đi lên từ mô hình nông nghiệp “kép” Hiệu quả kinh tế từ mô hình trồng nho Hạ Đen |
Trên địa bàn huyện Phúc Thọ - huyện được quy hoạch là “vành đai xanh” của Thủ đô đang có nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, cho năng suất, hiệu quả cao. Tiêu biểu như mô hình trồng dưa, nho hạ đen trong nhà lưới của Công ty cổ phần CMC Việt Nam.
Theo ông Vũ Tiến Dũng (quản lý của Công ty cổ phần CMC Việt Nam), khu vực sản xuất của Công ty tại thị trấn Phúc Thọ, huyện Phúc Thọ có quy mô 14ha, trong đó có khu nhà lưới trồng dưa 2ha và khu trồng nho hạ đen 1,5ha. Công ty trồng dưa lưới theo tiêu chuẩn VietGAP, ứng dụng công nghệ cao trong tất cả các khâu, nhờ đó không tốn nhiều nhân công; sản phẩm có chất lượng đồng đều, ổn định.
Mô hình trồng rau an toàn theo hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đang phát huy được hiệu quả. |
Bà Lê Thị Kim Phương (Trưởng phòng Kinh tế huyện Phúc Thọ) cho biết, mô hình trồng dưa lưới của Công ty cổ phần CMC Việt Nam là một trong những điểm sáng của huyện trong việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm. Ngoài ra, huyện còn một số mô hình như: Nuôi gà thả vườn theo hướng VietGAP quy mô 10.000 con/4 hộ tại xã Xuân Đình; mô hình chuỗi sản xuất trứng vịt quy mô 6.000 con/3 hộ tại xã Phụng Thượng; mô hình nuôi cá trắm đen, quy mô 4.000m2 tại xã Võng Xuyên… đã chứng minh hiệu quả kinh tế cao.
Tại huyện Chương Mỹ, Hợp tác xã rau quả sạch Chúc Sơn cũng đang ứng dụng hiệu quả công nghệ cao vào sản xuất. Theo ông Hoàng Văn Thám (Giám đốc Hợp tác xã rau quả sạch Chúc Sơn), thời gian qua, Hợp tác xã tập trung xây dựng vùng chuyên canh rau, quả ứng dụng công nghệ cao. Quy trình trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch và sơ chế rau của Hợp tác xã đều theo công nghệ Nhật Bản.
Hợp tác xã rau quả sạch Chúc Sơn đã phối hợp với các nhà khoa học lắp đặt hệ thống trạm thời tiết thông minh i.Mentos 3.3 A-G để cập nhật tình hình sâu bệnh, dự báo về lượng mưa, nhiệt độ… để phục vụ sản xuất. Toàn bộ diện tích trồng rau được phủ màn hạn chế cỏ dại, bón phân theo định mức bằng hệ thống tưới nhỏ giọt công nghệ Israel, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học, công nghệ nano nhằm tăng năng suất, giảm tỷ lệ sâu bệnh, giảm chi phí và nhân công lao động.
Để minh bạch nguồn gốc xuất xứ rau, Hợp tác xã rau quả sạch Chúc Sơn đã triển khai ứng dụng hệ thống thông tin điện tử, sử dụng mã QRcode tới 100% hộ sản xuất... Nhờ đó, sản lượng tiêu thụ theo chuỗi đạt 600 tấn/năm, sản phẩm rau quả của Hợp tác xã được cung ứng cho nhiều bệnh viện, trường học, hệ thống siêu thị và cửa hàng tiện ích.
Qua ghi nhận, trên địa bàn thành phố Hà Nội cũng có nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao mang lại hiệu quả kinh tế, như: Mô hình sản xuất rau hữu cơ của Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ rau hữu cơ công nghệ cao Cuối Quý với tổng diện tích 5ha, nhà lưới 4.000m2, nhà lạnh quy mô 50m3, nhà sơ chế 30m2, ứng dụng công nghệ nhà màng lưới, hệ thống tưới phun và tưới nhỏ giọt với diện tích 46.292m2; mô hình sản xuất hoa công nghệ cao của Hợp tác xã Đan Hoài - Flora có diện tích 8ha, ứng dụng nhà lưới hiện đại trong việc nuôi trồng, chăm sóc và làm chủ công nghệ sản xuất một số loài hoa lan…
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp của Hà Nội có chuyển biến tích cực. Từ manh nha 2 - 3 mô hình, đến nay, Hà Nội đã có 160 mô hình nông nghiệp công nghệ cao với doanh thu từ vài tỷ đến hàng chục tỷ đồng mỗi năm, trong đó chủ yếu là các mô hình thuộc lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, kết hợp trồng trọt - chăn nuôi. Việc ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp mang lại lợi ích kinh tế vượt trội. Hiện tại, giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao chiếm khoảng 35% tổng giá trị của ngành.
Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đang tạo bước chuyển biến tích cực cho nông nghiệp Thủ đô theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển nông nghiệp bền vững, bắt kịp xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, nhà sản xuất và người tiêu dùng thông qua tiếp cận sản phẩm nông sản an toàn với giá cả cạnh tranh. Đây cũng là giải pháp ổn định đời sống nông dân, duy trì sự phát triển của ngành Nông nghiệp.
Thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội tiếp tục phối hợp với các sở, ngành tháo gỡ khó khăn nhằm thúc đẩy sản xuất, kinh doanh nông nghiệp trên địa bàn Thành phố; kết nối các doanh nghiệp để cung ứng nguồn nguyên liệu đáp ứng nhu cầu sản xuất; tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tạo điều kiện cho các doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư dự án hạ tầng sản xuất, dịch vụ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn; đẩy mạnh kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào sơ chế, chế biến, sản xuất ứng dụng công nghệ cao theo hướng hữu cơ, thân thiện môi trường...
Hiện thành phố Hà Nội đang tập trung triển khai Chương trình số 04-CTr/TU về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân” và Chương trình số 07-CTr/TU về “Đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025”. Hà Nội đề ra mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm khoảng 70% tổng sản phẩm nông nghiệp toàn Thành phố. Trong đó, các nhóm ngành trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản lần lượt chiếm tỷ lệ 45%, 80% và 60%; 50% số doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp có hoạt động sáng tạo. |
Bình luận