Việc làm bền vững là mục tiêu phát triển thị trường lao động
6 tháng, Hà Nội giải quyết việc làm cho trên 118 ngàn lao động Tín hiệu khởi sắc từ thị trường lao động Hà Nội nỗ lực giải quyết việc làm cho người lao động |
Trên đây là ý kiến của TS. Bùi Sỹ Lợi - nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội khi phát biểu tại Hội nghị “Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập” do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì mới đây.
TS. Bùi Sỹ Lợi cho rằng thị trường lao động Việt Nam cho đến nay còn một số hạn chế: Cơ bản chúng ta chưa bắt kịp được các chuẩn mực kinh tế thị trường một cách linh hoạt, bền vững, hiện đại, hội nhập và hiệu quả. Điều này thể hiện trên 4 vấn đề chính:
Thứ nhất, là thị trường lao động phát triển nhưng chưa đủ mạnh để giải phóng triệt để mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế và giải quyết việc làm một cách bền vững.
Thứ hai, là thị trường lao động có sự phân mảng giữa các vùng, khu vực mà tác động của dịch Covid-19 là biểu hiện lớn nhất cho thấy sự mất cân đối cung cầu lao động một cách cục bộ.
Thứ ba, là quan hệ cung cầu lao động trên thị trường chưa phù hợp cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu. Chúng ta không quan tâm đến cơ cấu nên có thể đào tạo nhưng lại không sử dụng được vì không đào tạo theo nhu cầu của thị trường.
Mục tiêu phát triển thị trường lao động chính là việc làm bền vững. Ảnh minh họa. |
Thứ tư, là vấn đề yếu nhất của Việt Nam hiện nay: Kết cấu hạ tầng dịch vụ thị trường chưa hiện đại, đó chính là công nghệ thông tin. Chúng ta bàn đến hỗ trợ người bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 nhưng không chủ động được để cung ứng gói an sinh xã hội đến người dân, điều này rất đáng suy nghĩ khi chúng ta thực hiện chính sách về lao động.
Ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng nên xác định rõ quan điểm, định hướng và thống nhất một số nhận định, phát triển thị trường lao động theo các tiêu chí: "Linh hoạt - Hiện đại - Bền vững - Hội nhập - Hiệu quả".
Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định chủ trương phát triển thị trường lao động hướng đến việc làm bền vững. Theo đó, mục tiêu phát triển thị trường lao động chính là việc làm bền vững, thể hiện qua 6 yếu tố: Cơ hội người lao động có việc làm; điều kiện làm việc; năng suất lao động; bình đẳng; an toàn tại nơi làm việc; thu nhập thoả đáng và bảo đảm bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Để thị trường lao động đạt được 5 yếu tố "Linh hoạt - Hiện đại - Bền vững - Hội nhập - Hiệu quả", ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng cần vận hành hiệu quả với thị trường vốn, đất đai, hàng hoá, dịch vụ, thông tin, giảm thiểu các rào cản với người lao động.
"Quan trọng nhất là thu hẹp được việc làm của khu vực phi chính thức. Điều này không có nghĩa là chuyển ồ ạt lao động của thị trường phi chính thức sang chính thức mà chuyển dần từng bước và có điều kiện", ông Lợi nhận định.
Giải thích về yếu tố "Linh hoạt", ông Bùi Sỹ Lợi nêu 3 yếu tố: Hoạt động theo quy luật khách quan, có vai trò điều tiết của Nhà nước; đa dạng các hình thức kết nối cung cầu lao động; thị trường lao động hiện nay đang chuyển sang thị trường cao hơn về chất lượng, vì vậy phải cơ cấu lại cho hợp lý.
"Hiện đại" thể hiện ở 3 vấn đề: Vận hành hiệu quả theo quy luật khách quan của kinh tế thị trường; quan hệ lao động phải hài hoà, ổn định, tiến bộ; phát triển thị trường lao động Việt Nam nhằm đạt tới khả năng vận hành đồng bộ, thông suốt và hiệu quả trên phạm vi cả nước, khu vực và thế giới.
"Hiệu quả" thể hiện ở thị trường lao động phải tuân thủ nguyên tắc cơ bản về quyền của con người theo quy định của Hiến pháp; thị trường lao động phải điều tiết, phân bổ hợp lý cho phát triển kinh tế - xã hội, giảm thiểu thất nghiệp và bảo đảm việc làm bền vững; chính sách và thể chế thị trường lao động phải đồng bộ và đủ mạnh để tạo môi trường mở rộng, nâng cao chất lượng việc làm và năng suất lao động.
Ông Bùi Sỹ Lợi nêu, lao động là hàng hoá rất đặc biệt, khác với hàng hoá thông thường khác, thị trường lao động là nơi mua bán lao động theo giá cả lao động nên phải có yếu tố sản xuất đặc biệt và vận hành khách quan, chịu tác động bởi nhiều yếu tố khác. Thị trường lao động phải tác động điều hoà quan hệ về cung cầu lao động trong nền kinh tế thị trường và phải vận hành ổn định cùng thị trường vốn, hàng hoá, dịch vụ để tạo nền tảng tăng trưởng.
Phạm Diệp (Ghi)
Bình luận