Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng với hàng loạt các Hiệp đinh thương mại tự do thế hệ mới
EVFTA và cơ hội nhập khẩu, đầu tư từ EU Tận dụng EVFTA: Không thể bỏ qua yếu tố tâm lý tiêu dùng Doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng “cao tốc EVFTA” |
FTA giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020. Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), sau hai năm thực thi, tổng kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang EU đạt 83,4 tỷ USD (trung bình 41,7 tỷ USD/năm), cao hơn 24% so với kim ngạch xuất khẩu bình quân năm giai đoạn 2016-2019 trước đó. Tỷ lệ hàng xuất khẩu tận dụng được ưu đãi thuế quan EVFTA năm 2020 đạt 14,8%, tăng lên 20,2% năm 2021 và 24,5% trong sáu tháng đầu năm 2022.
Trong đó, nhiều mặt hàng xuất khẩu đã ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng như sắt thép tăng 739%; máy ảnh, máy quay phim, linh kiện tăng 260%; máy móc và thiết bị tăng 82,3%;... Một số mặt hàng mới cũng đạt tăng trưởng cao sang thị trường EU trong giai đoạn này như nhóm gạo, sản phẩm mây tre, cói thảm tăng hơn 50%; các sản phẩm gốm, sứ tăng hơn 25%; nhóm rau quả, dây điện và dây cáp điện tăng hơn 15%;...
Có thể thấy, EVFTA đã góp phần đáng kể thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường đối tác. Bên cạnh đó, kết quả khảo sát doanh nghiệp về EVFTA do VCCI thực hiện cho thấy, có 41% số doanh nghiệp cho biết đã từng hưởng ít nhất một lợi ích nào đó từ EVFTA.
EVFTA đã góp phần đáng kể thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường đối tác. (Ảnh minh họa: P.D) |
Chính thức có hiệu lực từ tháng 1/2019, trong những năm qua, việc thực thi Hiệp định Ðối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đối với Việt Nam cũng mang lại nhiều kết quả tích cực trong lĩnh vực xuất nhập khẩu. 8 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các nước thành viên CPTPP đạt 41 tỷ USD, tăng 38,7% so cùng kỳ năm 2021; xuất siêu ghi nhận đạt 6 tỷ USD, là mức cao nhất từ khi FTA này có hiệu lực.
CPTPP đã mang lại những tác động rất lớn, giúp doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu tới những thị trường trước đây chưa được khai thác nhiều như Canada, Mexico hay Peru. Xuất khẩu sang các nước này trong các tháng đầu năm nay đã tăng trưởng rất tích cực: Xuất khẩu sang Canada tám tháng đạt 4,5 tỷ USD, tăng 32% so cùng kỳ năm 2021; sang Mexico đạt 3,2 tỷ USD, tăng 9,2%;…
Hiệp định Ðối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) được ký giữa ASEAN và năm nước đối tác gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand và Australia là FTA có hiệu lực từ tháng 1/1022. Kết quả phân tích sau gần một năm chính thức thực thi cho thấy, tác động thương mại của RCEP đến Việt Nam không đáng kể do trước đó chúng ta đã có các FTA song phương hoặc đa phương với tất cả thành viên của khối với mức thuế cho các nhóm sản phẩm xuất khẩu chủ lực như linh kiện điện tử, dệt may,… đều rất thấp.
Tuy nhiên, việc áp dụng quy tắc xuất xứ thống nhất trong RCEP đã tạo điều kiện cho Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng khu vực. Ðặc biệt, xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng vào Việt Nam đã diễn ra từ trước sẽ tiếp tục được đẩy mạnh nhờ RCEP. Dòng vốn FDI của Việt Nam cũng được kỳ vọng sẽ tăng lên khi các nhà đầu tư lớn trong khu vực đẩy mạnh chuyên môn hóa để phát triển chuỗi cung ứng.
Sản xuất của Việt Nam trong các chuỗi cung ứng hiện chủ yếu tập trung vào hạ nguồn với việc gia công, lắp ráp (điện tử, ô tô, may mặc) hay các sản phẩm hoàn thiện có kỹ thuật thấp hoặc trung bình (ngành dệt). Bên cạnh đó, RCEP cũng giúp tăng cường chuyên môn hóa các ngành Việt Nam đang có lợi thế, từ đó lôi kéo thêm nhiều FDI trong chuỗi cung ứng đến Việt Nam. Hiệp định này còn giúp các doanh nghiệp trong nước tham gia nhiều hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu bằng cách tận dụng lợi thế về quy tắc xuất xứ cộng gộp, nâng cao tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan trong các FTA”.
Tương tự, RCEP cũng sẽ giúp đẩy nhanh thu hút FDI và dịch chuyển chuỗi cung ứng ngành may mặc vào Việt Nam nhờ mở rộng hơn nữa thị trường xuất khẩu thông qua các biện pháp cắt giảm thuế quan và quy tắc xuất xứ linh hoạt cũng như khả năng nhập khẩu nguyên phụ liệu đầu vào thấp hơn từ các đối tác trong RCEP.
Bảo Thoa
Bình luận