"Xanh hóa" ngành dệt may
Xuất hiện nhiều công nghệ mới tại triển lãm quốc tế ngành dệt may Xuất khẩu dệt may bứt tốc |
Sản xuất hàng dệt may tại Tổng công ty May 10. |
Đầu tháng 4 vừa qua, Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất áp dụng một số quy định sinh thái mới đối với hàng dệt may tiêu thụ tại thị trường châu Âu nhằm thực hiện chiến lược về hàng dệt may bền vững và tuần hoàn tầm nhìn 2030. Theo đề xuất của EC, mặt hàng dệt may xuất khẩu vào thị trường này phải có tuổi thọ cao, có thể tái sử dụng và tái chế,...
Đẩy mạnh đầu tư
Phó Giám đốc Công ty cổ phần Thời trang và đầu tư Đức Giang kiêm Giám đốc thương hiệu Hera DG Đặng Ngọc Lan cho biết, trên phạm vi toàn cầu, mỗi năm ngành thời trang sản sinh ra khoảng 92 triệu tấn phế liệu, nguyên nhân tạo nên những bãi rác quần áo khổng lồ, gây ô nhiễm môi trường và nguồn nước. Vì vậy, ngành thời trang cần đi theo hướng đi mới với nhận thức về tầm quan trọng của môi trường và an toàn sức khỏe.
Trong những năm qua, Tổng công ty Đức Giang và các đơn vị thành viên đã đầu tư, tạo ra các sản phẩm được sản xuất trong các nhà máy sử dụng năng lượng mặt trời, nguồn nước sạch và thân thiện với môi trường. Riêng Hera DG luôn hướng tới giá trị cốt lõi của doanh nghiệp là xây dựng thương hiệu dựa trên sự bền vững của sản phẩm, sáng tạo những mô hình đẹp, mang tính ứng dụng cao cùng chú trọng phát triển các nguyên liệu tái chế, có nguồn gốc từ tự nhiên vào các sản phẩm thời trang như sợi vải vỏ hàu, sợi vải cà-phê, sợi bạc hà,... nhằm mang đến những trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng.
"Mặc dù chi phí đầu tư lớn nhưng xu hướng thời trang xanh là tất yếu, không chỉ của Việt Nam mà trên phạm vi toàn thế giới", Phó Giám đốc Đặng Ngọc Lan nhấn mạnh. |
Theo Tổng Giám đốc Tổng công ty May Hưng Yên (Hugaco) Phạm Thị Phương Hoa, năm 2021, đơn vị đã đầu tư hơn 31 tỷ đồng để đổi mới thiết bị, chuyển 100% hệ thống dùng lò hơi than sang nồi điện nhằm giảm sử dụng nguồn nhiên liệu hóa thạch, giảm ô nhiễm khí thải.
Bên cạnh đó, đơn vị lắp đặt hệ thống điều hòa tại các xưởng may để giúp công nhân có điều kiện làm việc tốt hơn trong những ngày hè oi nóng. Từ thực tế đó, Hugaco luôn được các đối tác đánh giá cao, lượng đơn hàng dồi dào, hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu đề ra.
Tổng Giám đốc Công ty Dệt kim Đông Xuân Nguyễn Đăng Lợi cho biết, các đối tác, khách hàng của đơn vị yêu cầu ngày càng cao về hóa chất nhuộm, ngoài việc bảo đảm sức khỏe cho người lao động còn phải rõ ràng về xuất xứ cũng như khả năng xử lý hóa chất sau nhuộm. Đơn vị cũng đang triển khai đầu tư thiết bị máy nhuộm công suất lớn, tiêu thụ ít nước hơn, đồng thời có kế hoạch lắp điện mặt trời áp mái tại các nhà máy sản xuất trong thời gian tới.
Đại diện Tổng công ty cổ phần Dệt may Hòa Thọ nhận định, việc đầu tư điện mặt trời áp mái tại các nhà máy tuy chi phí đầu tư ban đầu lớn nhưng khấu hao nhanh, với nhà máy đặt ở khu vực miền trung mất khoảng 5 năm có thể khấu hao xong chi phí đầu tư ban đầu, khu vực miền nam thời gian khấu hao còn nhanh hơn.
Hiện Hòa Thọ đã đầu tư hệ thống điện mặt trời tại 3 nhà máy may với 100% thiết bị nhập khẩu từ Đức, hằng tháng đáp ứng được khoảng 15-20% tổng nhu cầu điện nhà máy. Điện mặt trời có thể giảm nguy cơ thiếu điện sản xuất trong những tháng cao điểm, giúp nhà máy "xanh" hơn.
Việc "xanh hóa" nhà máy là một xu hướng tất yếu nếu doanh nghiệp muốn giữ chân khách hàng cũng như người lao động. Tuy nhiên, phải nhìn vào tiềm lực của từng đơn vị mà "xanh hóa" từng phần, không nên đầu tư các nhà máy có tiêu chuẩn quá cao, khi đó sẽ kéo theo rất nhiều chi phí tăng theo, doanh nghiệp hoạt động không có lãi,...
Hướng tới phát triển bền vững
Những năm qua, ngành dệt may Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội cũng như thách thức khi phải đáp ứng được quy định khắt khe của khách hàng trong việc "xanh hóa" sản xuất, bao gồm một số cam kết như thực hiện trách nhiệm xã hội, môi trường và cắt giảm phát thải,...
Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) Trương Văn Cẩm cho biết, các quy chuẩn và đánh giá sự phát triển bền vững của doanh nghiệp ngày càng cao dựa trên mức độ tuân thủ của các doanh nghiệp về trách nhiệm đối với người lao động, môi trường, xã hội và người tiêu dùng toàn cầu trước khi các sản phẩm được đưa ra tiêu thụ trên thị trường. Tuy nhiên, các quy chuẩn này sẽ không cố định mà liên tục thay đổi, đòi hỏi các doanh nghiệp phải linh hoạt thích ứng.
Các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới Việt Nam ký đều có các quy tắc, cam kết về bảo vệ môi trường và phát thải thấp. "Xanh hóa" ngành dệt may là xu thế toàn cầu chứ không chỉ riêng tại Việt Nam. Điều này bắt buộc doanh nghiệp phải triển khai bằng việc đầu tư công nghệ sản xuất, tự động hóa, xây dựng môi trường làm việc an toàn cho người lao động, giúp tăng tính cạnh tranh đối với khách hàng và người tiêu dùng.
Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Cao Hữu Hiếu cho biết, Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu-Việt Nam (EVFTA) có một chương về "Sản xuất và tiêu dùng bền vững", đã cụ thể hóa một số nội dung như EC đề xuất áp dụng một số quy định sinh thái mới đối với hàng dệt may tiêu thụ tại thị trường này. Những sản phẩm có vòng đời ngắn, gây ra nhiều chất thải sẽ không có cơ hội vào thị trường EU, phải thay thế bằng sản phẩm có tuổi thọ cao, có thể tái sử dụng và tái chế, người tiêu dùng được tiếp cận các thông tin qua việc gắn hộ chiếu kỹ thuật số từng sản phẩm,... |
Thị trường EU tiêu thụ mặt hàng dệt may với tổng cầu đạt hơn 80 tỷ Euro. Muốn xuất khẩu vào thị trường này, doanh nghiệp phải sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc từ thiên nhiên, sử dụng nguyên liệu tái chế để hạn chế khai thác tài nguyên; thiết kế sản phẩm theo hướng tuần hoàn, có thể làm lại để sử dụng lại "made to remade", sản phẩm tự phân hủy sau 5-10 năm,...
Các đơn vị cần ứng dụng công nghệ cao trong việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm để người tiêu dùng có thể nắm được thông tin của sản phẩm từ nguyên liệu, các công đoạn sản xuất, phân phối, cách thức sử dụng, thời gian phân hủy,…
"Xanh hóa" dệt may là một trong ba trụ cột "kinh tế-an sinh-môi trường" của Tập đoàn Vinatex. Một trong những bước để "xanh hóa" nhà máy chính là việc sử dụng năng lượng tái tạo. Bên cạnh đó, tiếp tục đầu tư máy móc thiết bị công nghệ mới, hiện đại nâng cao năng suất, giảm nhân công, tiết kiệm năng lượng,... hướng tới các mục tiêu về phát triển bền vững.
Làm rõ hơn về vấn đề "xanh hóa", Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinatex Lê Tiến Trường khẳng định: "Xanh hóa" của dệt may Việt Nam có ba yếu tố cơ bản là sử dụng năng lượng xanh, dùng nguyên liệu sạch và môi trường lao động xanh.
Đối với doanh nghiệp dệt may, lượng điện sử dụng rất lớn. Các doanh nghiệp trong Tập đoàn đã lắp đặt điện mặt trời trên mái của các xưởng, có thể đáp ứng khoảng 20% tổng lượng điện tiêu thụ của ngành sợi và 35% tổng lượng tiêu thụ đối với ngành may.
Về nguyên liệu, từ hóa chất, thuốc nhuộm, đến các nguồn nguyên liệu như bông, xơ,... các doanh nghiệp đều sử dụng nguồn nguyên liệu có nguồn gốc và chứng nhận sạch. Điều này giúp sản phẩm dệt may được truy xuất là sản phẩm xanh. Tiếp đến, các đơn vị thành viên luôn bảo đảm cho người lao động môi trường làm việc đạt tiêu chuẩn về điều kiện vệ sinh an toàn công nghiệp, đáp ứng yêu cầu của hệ thống các nhà mua hàng trên thế giới theo từng chu kỳ,...
Theo đánh giá của Tổng Giám đốc Vinatex Cao Hữu Hiếu, nguồn nguyên liệu chính của ngành công nghiệp dệt may từ cây bông sẽ không phát triển được ở nước ta vì điều kiện tự nhiên không phù hợp. Việt Nam chỉ có thể phát triển nguồn nguyên liệu tự nhiên như tơ tằm, đay gai, một số giống bông màu,... để làm hàng thời trang với quy mô nhỏ. Xơ polyester-nguyên liệu chính thứ hai, quy mô cũng đang ở mức rất nhỏ bé.
Giai đoạn này, việc kêu gọi sử dụng nguyên liệu tái chế (xơ polyester tái chế) thì các nhà máy tái chế xơ ở Việt Nam chưa nhiều và cũng chưa được quan tâm. Cả hai loại nguyên liệu xơ polyester và xơ tái chế đều chưa được quan tâm đầu tư và con người chưa thật sự làm chủ được công nghệ là những thách thức trong mục tiêu "xanh hóa" dệt may ở Việt Nam.
Vì vậy, muốn phát triển bền vững ngành dệt may theo hướng "xanh hóa", đòi hỏi các doanh nghiệp phải đẩy mạnh đầu tư, đổi mới trang thiết bị hiện đại, đồng thời tự chủ được nguồn cung nguyên phụ liệu, đa dạng hóa thị trường,... nhằm nâng cao sức cạnh tranh.
Nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ đặc thù, chính sách cụ thể về quỹ đất, khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ, quỹ tài chính về môi trường,... để các doanh nghiệp theo hướng xanh có thể tiếp cận quỹ, giúp doanh nghiệp có nguồn tài chính thuận lợi, giá hợp lý hơn, đẩy nhanh quá trình đầu tư và nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Theo Quỳnh Chi/nhandan.vn
Bình luận