Xuất hiện nhiều công nghệ mới tại triển lãm quốc tế ngành dệt may
SaigonTex & SaigonFabric là cơ hội giúp các doanh nghiệp dệt may Việt Nam tiếp cận với những thế hệ công nghệ tiên tiến nhất, thiết bị hiện đại nhất, từ đó có thể xác định định hướng đầu tư trong thời gian tới.
Triển lãm thu hút sự tham dự của hơn 278 đơn vị triển lãm đến từ 17 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới như: Đài Loan, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Ý, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Pakistan, Singapore, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh, Hoa Kỳ, Việt Nam...
Khách tham quan, tìm hiểu một thiết bị sản xuất tại triển lãm. |
Tại triển lãm, ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công thương) cho biết, dệt may là một trong những ngành công nghiệp mũi nhọn của đất nước. Bộ Công thương luôn coi dệt may là một ngành quan trọng, không chỉ đóng vai trò là ngành sản xuất công nghiệp mang lại giá trị xuất khẩu cao, đứng thứ ba cả nước, mà còn đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc ổn định an sinh xã hội, tạo công ăn việc làm cho một lượng lớn người lao động với thu nhập cao hơn từ 2-3 lần so với lao động nông nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Tiếp, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Phồn Thịnh – Tea Gwang cho biết, sau dịch Covid-19, tình trạng thiếu lao động trở thành vấn đề cấp thiết của các doanh nghiệp diệt may – vốn là ngành có mức thâm dụng lao động cao. Vì vậy, các máy móc được công ty đưa đến triển lãm đều là tự động hoá, một máy có thể làm nhiều công đoạn, giúp giảm phụ thuộc và số lượng nhân công, tăng năng suất lao động.
Một gian hàng tham gia triển lãm. |
“Ví dụ như Máy nối chun tự động, máy này có thể thực hiện tự động hoàn toàn mà công cần bất kỳ can thiệp nào của con người, chỉ cần một công nhân đứng giám sát tránh trường hợp bị lỗi. Với những máy tự động này, một công nhân có thể đứng giám sát nhiều máy khác nhau mà chất lượng sản phẩm cho ra vẫn đảm bảo”, ông Tiếp nói.
Một gian hàng triển lãm sản phẩm dệt may cho nữ giới. |
Tham gia triển lãm, bà Trà My, Phó Giám đốc Công ty TNHH Quốc tế Navitex cho biết, các sản phẩm của công ty chủ yếu được nhập từ các nhà sản xuất vải và phụ liệu lớn nhất Trung Quốc, với công nghệ hiện đại và tiên tiến phù hợp với thị hiếu của người Việt Nam. Qua đó, giá thành của công ty có tính cạnh tranh cao so với các sản phẩm có sẵn tại thị trường Việt Nam, trong khi chất lượng lại đảm bảo và uy tín hơn.
Ngoài những công nghệ, sản phẩm đã thâm nhập thị trường Việt Nam từ nhiều năm qua, vẫn còn không ít công nghệ, sản phẩm mới gặp khó khăn trong việc tiếp cận doanh nghiệp Việt Nam. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu vẫn là chi phí, nhân công và năng lực sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam.
Ông Đàm Ngọc Hải Anh, Cố vấn kỹ thuật Công ty TNHH Logic Art Việt Nam cho biết, công nghệ áp dụng trong diệt may tại Việt Nam hiện vẫn chưa phổ biến, chủ yếu vẫn phụ thuộc vào các công nghệ thủ công hoặc bán tự động. Dù chi phí rẻ, nhưng công nghệ cũ sẽ không cho ra sản phẩt lượng bằng các công nghệ mới với năng suất lao động vượt trội. Ngoài ra, nếu dịch Covid-19 xảy ra một lần nữa, tình trạng thiếu nhân công sẽ tiếp tục xảy ra tại các nhà máy dùng công nghệ cũ, trong khi các công nghệ mới có thể giải quyết vấn đề này.
Hệ thống giám sát trung tâm máy nhuộm của Logic Art có thể thay thế từ 10-20 nhân công, tuy nhiên giá thành khá cao so với các công nghệ bán tự động, thủ công. |
“Ví dụ như Hệ thống giám sát trung tâm máy nhuộm được Logic Art mang tới triển lãm, công nghệ này là tự động hoàn toàn. Mỗi máy như vậy sẽ giảm được từ 10-20 công nhân, năng suất lao động và chất lượng sản phẩm cho ra cao hơn. Không chỉ một công đoạn, với công nghệ này có thể làm được nhiều công đoạn khác nhau. Do vậy, nếu dịch bệnh xảy ra khiến nguồn lao động giảm, thì đó không phải là vấn đề lớn đối với các doanh nghiệp áp dụng công nghệ, máy móc hiện đại”, ông Hải Anh nói.
Tuy nhiên, một rào cản của những công nghệ này tại thị trường Việt Nam là chi phí khá cao (khoảng 1 triệu USD cho một máy hoàn chỉnh), cùng với đó là công nhân sử dụng máy cũng phải am hiểu về công nghệ và cần thời gian đào tạo khá dài. Dù công nghệ này đang được sử dụng tại nhiều nhà máy sản xuất của Nike, Adidas, Zara… nhưng với các doanh nghiệp Việt Nam thì vẫn còn lạ lẫm.
Nói về khó khăn của ngành diệt may, ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công thương) cũng chỉ ra rằng, kim ngạch xuất khẩu dệt may dù cao nhưng giá trị gia tăng còn ở mức thấp, ngành chưa chủ động được nguyên phụ liệu, chưa đáp ứng được các công đoạn thượng nguồn chuỗi cung ứng mang lại giá trị gia tăng cao hơn. Bên cạnh đó, năng suất lao động cũng thấp hơn các nước trong khu vực, trình độ công nghệ ở mức trung bình khá.
"Trong thời gian tới, ngành dệt may Việt Nam cần tăng cường phát triển theo chiều sâu, thay vì chiều rộng, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu, đặc biệt tập trung vào những công đoạn mang lại giá trị gia tăng cao như thiết kế, sản xuất nguyên phụ liệu đầu vào, phân phối, từng bước chuyển mình lên vị trí cao hơn trong chuỗi sản xuất", ông Lê Hoàng Tài cho biết.
Bình luận