Xuất khẩu khởi sắc ngay từ những ngày đầu năm 2023 Dự báo thị trường dệt may năm 2023 Đẩy mạnh phát triển ngành dệt may, da giày

Hạn chế của dệt may Việt Nam là thiếu tính liên kết chuỗi giá trị, công nghiệp hỗ trợ kém phát triển, đặc biệt dệt nhuộm tạo ra điểm nghẽn. Phần lớn doanh nghiệp sản xuất theo hình thức gia công, giá trị gia tăng thấp, tỷ lệ xuất khẩu qua trung gian lại cao, hiệu quả thấp. Cùng với đó, rất ít doanh nghiệp xuất khẩu bằng thương hiệu riêng. Tình trạng khan hiếm lao động, trình độ và năng xuất lao động thấp cũng thường xuyên xảy ra ở ngành này.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân là do đầu tư dệt, nhuộm đòi hỏi vốn lớn, lao động trình độ kỹ thuật cao, không được ưu tiên do quan ngại về ô nhiễm môi trường. Nhiều doanh nghiệp thiếu năng lực về quản lý chuỗi cung ứng, quản trị rủi ro, thiếu năng lực về thương mại, tiếp cận khách hàng, thiết kế sản phẩm. Người lao động được sử dụng chủ yếu từ các vùng nông thôn, tính cạnh tranh với các ngành công nghiệp mới nổi còn khó khăn,…

Ngành dệt may thay đổi để chuyển dần sang trọng tâm phát triển bền vững. (Ảnh minh họa: PD)

Tại Diễn đàn Tái định vị doanh nghiệp, tiến sĩ Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, để chuyển đổi sản xuất theo xu hướng bền vững này, Hiệp hội Doanh nghiệp Dệt may đã đưa ra mô hình phát triển bền vững với 3 tiêu chí: Doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có lãi, đảm bảo đời sống người lao động và không gây ô nhiễm môi trường. Đây cũng là ba trụ cột phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Đầu năm 2023, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1643 phê duyệt Chiến lược phát triển ngành dệt may và da giày Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2035. Theo Chiến lược, mục tiêu đến năm 2030, ngành dệt may đạt doanh thu từ 68 - 70 tỷ USD và chuyển dần sang phát triển bền vững, kinh doanh tuần hoàn.

Để thực hiện mục tiêu trên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Trương Văn Cẩm cho rằng, trước hết doanh nghiệp phải nâng cao nhận thức, xác định phát triển bền vững và kinh doanh tuần hoàn là xu hướng tất yếu. Tuy nhiên, với 86% doanh nghiệp trong ngành là doanh nghiệp vừa và nhỏ nên tuỳ vào điều kiện của mình, doanh nghiệp xây dựng lộ hình, bước đi phù hợp để chuyển đổi kinh doanh tuần hoàn.

Bên cạnh đó, trong việc kinh doanh tuần hoàn, các doanh nghiệp trong ngành tại một khu công nghiệp cần có sự phối kết hợp với nhau trong việc sử dụng điện áp mái để tăng hiệu quả, tránh lãng phí, tiết kiệm nguồn lực. Đặc thù của ngành là tỷ lệ gia công lớn nên doanh nghiệp cần phối hợp với nhãn hàng trong phát triển bền vững để chia sẻ chi phí.

Đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam mong muốn các bộ, ngành cần thực hiện nghiêm túc, đồng bộ nhiệm vụ, trách nhiệm được phân công trong Chiến lược phát triển ngành dệt may và da giày Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2035. Trong đó, nhiệm vụ quan trọng là xây dựng khu công nghiệp dệt may quy mô lớn, các tổ hợp sản xuất lớn để giải quyết các khâu còn yếu như nguyên liệu, năng lượng…

Đặc biệt, Hiệp hội Dệt may Việt Nam đề xuất Bộ Tài chính có chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp dệt may thực hiện xanh hoá và phát triển bền vững. Hiện nay, dư nợ tín dụng chỉ chiếm 1,5% tổng dư nợ tín dụng cả nước cho thấy doanh nghiệp dệt may khó tiếp cận vốn tín dụng.

Bảo Thoa