TP.HCM: Khai thác cát trái phép vẫn còn diễn biến phức tạp ở vùng giáp ranh TP.HCM: Khai thác cát trái phép vẫn còn diễn biến phức tạp ở vùng giáp ranh
TP.HCM nghiên cứu mở tuyến phà biển Cần Giờ - Tiền Giang TP.HCM nghiên cứu mở tuyến phà biển Cần Giờ - Tiền Giang
TP.HCM: Đề xuất đầu tư cảng trung chuyển quốc tế container khu bến Cần Giờ TP.HCM: Đề xuất đầu tư cảng trung chuyển quốc tế container khu bến Cần Giờ

Vị trí chiến lược

Theo UBND TP.HCM: Cảng trung chuyển quốc tế là nơi chuyển tiếp container từ các "tàu thu gom” vận hành trên các tuyến biển gần (tuyến nhánh) chuyển sang các tàu lớn (tàu mẹ) để đi các tuyến vận tải quốc tế. Một số cảng trung chuyển quốc tế mang lại hiệu quả như cảng trung chuyển quốc tế Tánjung Pelepas (Malaysia), cảng Thượng Hải, Hồng Kông, cảng Singapore, cảng Rotterdam (Hà Lan), Tanjung Priok (Indonesia) và Jawaharal Nehru (Ấn Độ).

Xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ thành "cảng xanh" đầu tiên tại Việt Nam
Phối cảnh Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. Ảnh: Portcoast

Cảng trung chuyển quốc tế có vị trí địa lý chiến lược, gần tuyến hàng hải quốc tế, nơi giao thông liên kết với các tuyến vận tải khác nhau và trong vùng có nhiều trung tâm công nghiệp; có điều kiện tự nhiên thuận lợi như luồng vào cảng có độ sâu trên 14m để đủ khả năng tiếp nhận tàu mẹ có tải trọng từ 100.000 tấn trở lên, đảm bảo dễ dàng tiếp cận và có điều kiện khí hậu, thủy hải văn thuận lợi. Có sự tham gia hợp tác đầu tư, vận hành khai thác cảng của hãng vận tải biển lớn; có hệ thống giao thông kết nối đa phương thức, đầu tư đồng bộ, hiện đại, kết nối liên vùng.

Cảng được xây dựng với quy mô lớn, bao gồm cầu cảng, thiết bị công nghệ bốc dỡ hàng hóa được xây dựng đồng bộ, hiện đại có thể đón được các tàu mẹ (tải trọng lớn, sức chứa trên 8.000 Teu đến trên 20.000 Teu) và các khu vực kho bãi chứa hàng hậu phương, khu thương mại tự do, khu phi thuế quan, trung tâm dịch vụ hậu cần, giao thông kết nối được đầu tư đồng bộ với tiến trình đầu tư khai thác cảng, thủ tục hải quan nhanh chóng. Về phân loại, cảng trung chuyển quốc tế có 4 loại gồm cảng cửa ngõ, cảng cửa ngõ khu vực, cảng trung tâm trung chuyển và cảng chuyên về trung chuyển.

Đối với cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, dự kiến giai đoạn hoàn thiện, cảng sẽ đóng vai trò là cảng trung tâm trung chuyển quốc tế với tỷ lệ hàng trung chuyển quốc tế ở mức cao, được định vị thuộc loại cảng trung tâm trung chuyển đến cảng chuyên về trung chuyển .

Vị trí dự kiến cảng trung chuyển quốc tế Cân Giờ nằm ở cửa sông Cái Mép - Thị Vải, trong Vịnh Gành Rái, gần các tuyến hàng hải quốc tế đi qua Biển Đông, giữa các khu vực có tiềm năng tăng trưởng lớn của Châu Á (Trung Quốc và Ấn Độ), thuận lợi để phát triển cảng trung chuyển quốc tế. Đồng thời, cảng thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là vùng kinh tế năng động nhất của Việt Nam nên có nhiều thuận lợi để thu hút hàng hóa qua cảng và hàng hóa trung chuyển quốc tế.

Vừa qua Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đi khảo sát thực địa, tìm hiểu tiềm năng, thế mạnh của huyện Cần Giờ và nghe báo cáo về đề án nghiên cứu xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. Tại đây Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, cảng Cần Giờ có khả năng thu hút hàng hóa trung chuyển quốc tế, cạnh tranh với các cảng lớn trong khu vực như Singapore, Malaysia và các cảng quốc tế, không cạnh tranh với Cái Mép - Thị Vải mà bổ sung, phối hợp để phát huy tốt nhất các thế mạnh.
Xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ thành
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đi khảo sát thực địa, tìm hiểu tiềm năng, thế mạnh của huyện Cần Giờ, TP.HCM. Ảnh: Chinhphu.vn.

Thủ tướng nhấn mạnh Cần Giờ có tiềm năng rất lớn, tinh thần là phải đổi mới tư duy, hành động nhanh, kịp thời, quyết liệt, hiệu quả, triển khai các công việc theo hướng "vừa chạy vừa xếp hàng", hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người dân, nâng sự phát triển của Cần Giờ lên tầm cao mới, góp phần vào sự phát triển của TP.HCM và khu vực.

Vì thế vị trí dự kiến xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ có nhiều lợi thế cạnh tranh, thu hút nguồn hàng quốc tế tới từ các quốc gia trong khu vực như Campuchia, Thái Lan, Brunei, Nam Trung Quốc và Philippines.

Cùng với đó, cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ nằm liền kế tuyến luồng hàng hải Vũng Tàu - Thị Vải, được đánh giá là tốt nhất Việt Nam hiện nay, có độ sâu khoảng 14m đảm bảo tiếp nhận thành công tàu trọng tải đến 232.494 tấn (sức chở 24.188 Teu) giảm tải. Ngoài ra, khu vực này có chế độ thủy hải văn ổn định, khí hậu thuận lợi, ít khi chịu ảnh hưởng của bão, bảo đảm an toàn cho hoạt động khai thác cảng. Dự báo sơ bộ về lượng hàng hoá dự kiến thông qua khu bến cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ đến năm 2030 là 4,8 triệu Teu, đến năm 2047 là 16,9 triệu Teu.

Thực tế thời gian qua hãng tàu MSC (hãng tàu lớn nhất thế giới hiện nay) đang rất quan tâm, tìm hiểu và mong muốn tham gia hợp tác đầu tư tại cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ và đang tích cực phối hợp với Công ty Cổ phần Cảng Sài Gòn nghiên cứu đầu tư cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. Việc có nhà đầu tư là hãng tàu lớn nhất thế giới quan tâm hợp tác đầu tư chứng tỏ tính hấp dẫn của vị trí cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.

Hiệu quả kinh tế

Theo UBND TP.HCM, đối với TP.HCM và huyện Cần Giờ, việc xây dựng cảng trung chuyển Cần Giờ sẽ thu hút được số vốn đầu từ lớn từ doanh nghiệp để đầu tư xây dựng hạ tầng cảng biển hiện đại.

Tạo việc làm cho khoảng 6.000 - 8.000 nhân viên, lao động làm việc tại cảng và tạo hàng chục ngàn lao động phục vụ các ngành dịch vụ hậu cần, trung tâm logistics và khu phi thuế quan.

Khi cảng đi vào hoạt động và đạt công suất thiết kế, sơ bộ đóng góp trực tiếp cho ngân sách nhà nước thông qua các khoản thuế từ hoạt động bốc xếp, lưu bãi của doanh nghiệp cảng; thuế thu nhập doanh nghiệp; các loại phí, lệ phí hàng hải từ tàu vào, rời cảng; phí thuê mặt nước và thuế xuất nhập khẩu hàng hóa khoảng từ 34.000 - 40.000 tỷ đồng/năm.

Tạo môi trường thu hút các công ty vận tải, logistics, thương mại, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm lớn trên thế giới về đặt trụ sở kinh doanh tại khu vực, góp phần thúc đẩy sự hình thành Trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM.

Ngoài ra, việc phát triển cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ còn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vận tải biển trong nước phát triển; kích thích sự phát triển, đổi mới của các doanh nghiệp cũng như hoạt động logistics; tạo sức hấp dẫn các doanh nghiệp nước ngoài muốn mở rộng hoạt động kinh doanh và tiếp cận các thị trường mới, thu hút vốn đầu tư FDI vào các khu công nghiệp trong toàn vùng Đông Nam Bộ.

Đối với quốc gia, việc xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ khẳng định vị thế, vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế, định vị quốc gia trên bản đồ hàng hải với vai trò là các trung tâm trung chuyển quốc tế của khu vực thu hút các nhà vận tải, logistics lớn của thế giới; là các mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, nâng cao vị thể đối ngoại, đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội.

Cảng trung chuyển cần Giờ sẽ biến vùng Đông Nam Bộ trở thành cửa ngõ giao thương quốc tế số 1 khu vực Đông Nam Á, thúc đẩy kinh tế toàn vùng, góp phần thúc đẩy chiến lược biển quốc gia. Bổ sung tiềm năng của hệ thống cảng hiện hữu, tương hỗ, khai thác tốt nhất tiềm năng của cụm cảng biển số 4 (Đông Nam Bộ), tạo cơ hội đưa khu vực Cái Mép - Thị Vải trở thành một trung tâm trung chuyển quốc tế tầm cỡ thế giới.

Đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, làm đòn bẩy cho các doanh nghiệp vận tải biển, doanh nghiệp dịch vụ hàng hải (đóng tàu, sửa chữa, dịch vụ khác) trong nước phát triển do nhu cầu hình thành các tuyến vận tải gom và phân phối hàng từ cảng trung chuyến, kích thích sự phát triển, đổi mới của các doanh nghiệp cũng như hoạt động logistics cả nước.

Hoàn chỉnh quy hoạch và hạ tầng kết nối

Theo tờ trình của Ban Cán sự Đảng UBND TP.HCM, việc xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ đã được Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ định hướng và giao nhiệm vụ triển khai thực hiện. Do đó, cần thiết phải rà soát, điều chỉnh, bổ sung vào các quy hoạch cảng biển quốc gia, quy hoạch chung TP.HCM và các đồ án quy hoạch khác có liên quan để tổ chức thực hiện.

Mục tiêu là phát triển cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ đồng bộ, hiện đại, ứng dụng công nghệ thông minh, tự động hóa trong hoạt động quản lý vận hành khai thác cảng; theo hướng bền vững, sử dụng nhiên liệu sạch, bảo vệ môi trường, trở thành cảng xanh đầu tiên tại Việt Nam.

Xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ thành
Một góc huyện đảo Cần Giờ, TP.HCM. Ảnh: Minh Tuấn.

Định hướng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ sẽ trở thành trung tâm trung chuyển quốc tế của TP.HCM và khu vực; thu hút các hãng tàu, hãng vận tải, chủ hàng, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics về cảng, tham gia vào chuỗi cung ứng vận tải thế giới. Công suất dự kiến đến năm 2030 đặt 4,8 triệu Teu, đến năm 2047 đạt 16,9 triệu Teu.

Vị trí xây dựng dự kiến tại khu vực cù lao Con Chó (xã Thạnh An, huyện Cần Giờ, TP.HCM). Quy mô khai thác tàu vận tải container có trọng tải lên đến 250.000DWT (24.000 Teu), tàu trung chuyển có trọng tải từ 10.000 - 65.000 tấn (750 - 5.200 Teu) và sà lan trọng tải tới 8.000 T (356 Teu).

Tổng chiều dài cầu cảng chính dự kiến khoảng 7km và bến sà lan dự kiến khoảng 2km. Tổng diện tích ước tính khoảng 571 ha, trong đó diện tích cầu cảng, kho bãi, giao thông nội bộ, khu văn phòng, nhà ở công nhân viên điều hành, khai thác càng, hạ tầng kỹ thuật... khoảng 469,5ha và diện tích vùng nước hoạt động cảng khoảng 101,5ha.

Dự kiến dự án phân kỳ đầu tư trong 7 giai đoạn, trong đó mỗi giai đoạn đầu tư 2 bến chính và các bến sà lan. Tổ chức thực hiện đầu tư xây dựng, khai thác cảng giai đoạn 1, 2 trước năm 2030; các giai đoạn còn lại sẽ tiếp tục đầu tư đến năm 2045.

Về nguồn vốn đầu tư, các công trình phụ trợ phục vụ hoạt động khai thác cảng, trung tâm dịch vụ logistics và khu vực phi thuế quan sẽ được đầu tư bằng nguồn vốn của doanh nghiệp (nhà đầu tư).

Riêng hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật kết nối cảng sẽ được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn đầu tư hợp tác công tư (PPP) hoặc các nguồn vốn hợp pháp khác.

Về lộ trình thực hiện, TP.HCM phấn đấu tổ chức đầu tư xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ đưa vào khai thác (giai đoạn 1, 2) trước năm 2030. Cụ thể, từ năm 2023 – 2024 sẽ chuần bị đầu tư, từ năm 2024 – 2026 tiến hành xây dựng và từ 2027 tiến hành khai thác.

Để xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, đối với hạ tầng giao thông kết nối, từ nay đến năm 2030 sẽ đầu tư xây dựng cầu Cần Giờ, kết nối từ huyện Nhà Bè sang huyện Cần Giờ; nút giao thông đường Rừng Sác với đường cao tốc Bến Lức - Long Thành tại xã Bình Khánh và mở rộng các cầu trên đường Rừng Sác.

Giai đoạn sau năm 2030 sẽ đầu tư xây dựng đường kết nối từ vị trí xây dựng cảng với đường Rừng Sác; đường trên cao dọc theo đường Rừng Sác, từ nút giao đường Rừng Sác với đường cao tốc Bến Lức - Long Thành tại xã Bình Khánh đến nút giao đường kết nối cảng tại xã Long Hòa. Hình thành tuyến đường sắt đô thị dọc theo đường Rừng Sác kết nối từ khu đô thị biển Cần Giờ với tuyến metro số 4 tại huyện Nhà Bè.

Hạ tầng dịch vụ sau cảng bao gồm trung tâm logistics, khu phi thuế quan dự kiến bố trí tại khu vực xã Long Hòa, tiếp giáp trực tiếp với đường Rừng Sác và tuyến đường dự kiến mở mới kết nối cảng, tiếp giáp sông Lòng Tàu (vị trí số 1). Tại khu vực xã Bình Khánh, tiếp giáp trực tiếp với đường Rừng Sác, tiếp giáp sông Lòng Tàu (vị trí số 2).

Cần nhà đầu tư chiến lược

Theo UBND TP.HCM, các nhà đầu tư chiến lược tham gia dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ sẽ phải đáp ứng các tiêu chí sau:

- Có vốn điều lệ từ 9.000 tỷ đồng trở lên, có kinh nghiệm đầu tư dự án trong lĩnh vực tương tự, có tổng vốn đầu tư từ 25.000 tỷ đồng trở lên.

- Nhà đầu tư chiến lược phải có cam kết bằng văn bản về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, đáp ứng các điều kiện bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật Việt Nam.

- Tổ chức thực hiện dự án theo các nội dung quy định tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư. Trong thời gian thực hiện đầu tư, nhà đầu tư chiến lược không được chuyển nhượng dự án.

- Hỗ trợ kinh phí để đào tạo nghề đối với lao động bị ảnh hưởng tại khu vực dự án; ưu tiên tiếp nhận lao động địa phương vào làm việc tại dự án; thực hiện cam kết về việc ứng dụng, chuyển giao công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao (nếu có).

- Chịu trách nhiệm về các hậu quả phát sinh do không thực hiện đúng cam kết của mình theo quy định của pháp luật hiện hành.