Dự kiến chỉ tiêu tăng trưởng xuất khẩu tăng 6% trong năm 2023 Xuất khẩu thủy sản ước đạt 600 triệu USD trong tháng 1 Rau, củ, quả Việt Nam cần tận dụng nhiều hơn tiềm năng từ thị trường EU

Từ tháng 9 trở về trước, tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam giảm từ 12 - 13% so với cùng kỳ. Nguyên nhân là do việc xuất khẩu các mặt hàng này sang Trung Quốc - thị trường nhập khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam giảm đến 30%.

Trong thời gian vừa qua, các doanh nghiệp trong ngành tăng cường kết nối giao thương, mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước Mỹ, châu Âu, Nhật Bản. Kim ngạch xuất khẩu vào các thị trường mới này tăng nhanh, có thị trường tăng trưởng đến 100% nhưng do kim ngạch còn khiêm tốn nên chưa thể bù lại được so với mức sụt giảm chung.

Tuy nhiên, sang đến quý 4, Trung Quốc đã mở lại nhiều cửa khẩu giao thương với nước ta sau 2 năm tạm dừng do ảnh hưởng của dịch bệnh. Cùng với đó, Trung Quốc chính thức nhập khẩu chính ngạch mặt hàng chuối, khoai lang của nước ta nâng tổng số sản phẩm nông sản xuất khẩu chính ngạch của nước ta lên con số 13, sau các sản phẩm như: thanh long, nhãn, chôm chôm…

Mặc dù vậy, theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, việc xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc thời gian tới sẽ không dễ dàng như trước đây, sau khi thị trường này yêu cầu các doanh nghiệp xuất khẩu thực hiện theo Lệnh 248, 249.

Vào tháng 4/2021, Tổng cục Hải quan Trung Quốc ban hành Lệnh 248 về "Quy định Quản lý đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài nhập khẩu", và Lệnh 249 về "Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu". Hai lệnh này có hiệu lực từ ngày 1/1/2022. Những doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có Việt Nam, muốn xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, bắt buộc tuân thủ những quy định mới.

Xuất khẩu rau quả sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2023
Việc xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc thời gian tới sẽ không dễ dàng như trước đây. (Ảnh minh họa: Đỗ Đạt)

Một trong những điểm mới của hai Lệnh này là Trung Quốc sẽ thiết lập chế độ kiểm tra, đánh giá tình hình quản lý an toàn thực phẩm ở nước ngoài (gồm hệ thống của quốc gia và doanh nghiệp); bổ sung phương thức kiểm tra đánh giá, quản lý đăng ký doanh nghiệp nước ngoài, đảm bảo truy xuất nguồn gốc và truy hồi sản phẩm theo yêu cầu giám sát; yêu cầu trách nhiệm đôn đốc của các cơ quan có thẩm quyền quản lý của quốc gia xuất khẩu.

Hai Lệnh 248, 249 cũng nhấn mạnh việc gia tăng các quy định kiểm soát gồm nâng cao tỷ lệ lấy mẫu giám sát thực phẩm nhập khẩu tương ứng. Ngoài ra, doanh nghiệp phải đăng ký khi sản xuất và xuất khẩu 18 nhóm thực phẩm vào thị trường Trung Quốc. Sản phẩm không thuộc nhóm 18 loại này, doanh nghiệp sẽ tự nộp hồ sơ đăng ký hoặc ủy thác đại lý thực hiện.

Theo ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, nhiều năm qua, Việt Nam quen với xuất khẩu tiểu ngạch, hàng gì cũng đi được, chất lượng nào cũng xuất được song hiện nay, thị trường Trung Quốc coi trọng chất lượng nông sản, kiểm soát chất lượng vệ sinh an toàn bằng Lệnh 248, 249 thì kể cả doanh nghiệp các nước trên thế giới xuất hàng nông sản nói chung vào Trung Quốc cũng phải thay đổi, trong đó có Việt Nam.

Người nông dân muốn bán được hàng, doanh nghiệp muốn xuất khẩu được hàng, bắt buộc phải đi theo con đường sản xuất nông nghiệp sạch theo tiêu chuẩn GAP, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Có thể một bộ phận doanh nghiệp và nông dân chưa đáp ứng được, nhưng đây là yêu cầu tất yếu, phù hợp với xu thế chung của thế giới, kể cả Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu sang Mỹ và châu Âu thì yêu cầu chất lượng càng phải được đặt lên hàng đầu. Đơn cử như Thái Lan, kim ngạch xuất khẩu trái cây bền vững và chiếm lĩnh thị trường thế giới cũng bởi Thái Lan đã sớm thay đổi, tập trung vào chất lượng.

"Trong giai đoạn chuyển giao này, chúng ta không thể xuất khẩu ào ào với số lượng lớn được mà phải từ từ, doanh nghiệp và nông dân nắm bắt thông tin, chuyển đổi phương thức sản xuất, liên kết vùng trồng, đăng ký mã số vùng trồng càng nhanh thì càng dễ nắm bắt cơ hội xuất khẩu và gia tăng giá trị, tạo tiền đề cho việc xuất khẩu bền vững. Tôi lấy đơn cử mặt hàng sầu riêng. Ngay sau chuyến sầu riêng đầu tiên xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, giá sầu riêng trong nước liên tục tăng", ông Đặng Phúc Nguyên nhấn mạnh.

Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cũng dự báo năm 2023 sẽ là năm bùng nổ của ngành rau quả với kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng tối thiểu 20%. Đặc biệt, nếu thị trường Trung Quốc dỡ bỏ chính sách Zero Covid, chắc chắn kim ngạch xuất khẩu có sự đột phá lớn. Trong thời gian tới, Hiệp hội sẽ đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp và nhà nông liên kết sản xuất, đẩy nhanh hơn quá trình hình thành các nhóm ngành hàng hoá mang tính chuyên nghiệp, hướng đến sản xuất theo mã vùng trồng, sản xuất theo tín hiệu thị trường.

So với các ngành nghề khác, xuất khẩu rau quả Việt Nam mang lại giá trị lớn hơn do Việt Nam chủ động trong chuỗi sản xuất, chế biến, đóng gói. Không phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu nên rau quả không chịu tác động của biến động tỷ giá cũng như tình hình địa chính trị thế giới. Lợi nhuận của ngành đạt được cũng không phải "san sẻ" quá nhiều, tạo công ăn việc làm ổn định cho hơn 1 triệu nông dân.

Thực tế, trong thời gian qua, nhiều vùng trồng trọng điểm đã chuyển đổi sản xuất sạch, tăng cường liên kết chặt chẽ doanh nghiệp. Số lượng mã số vùng trồng tăng hơn nhưng cần phải đẩy mạnh hơn nữa thì mới đáp ứng được yêu cầu và nắm bắt lợi thế cạnh tranh.

Bảo Thoa - Hạnh Lê