Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ mức đóng BHXH huyện Chương Mỹ: Tiên phong trong thực hiện chuyển đổi số 64% người dân Việt Nam nhận BHXH và trợ cấp thất nghiệp qua tài khoản ngân hàng

Bảo đảm quyền lợi cho người tham gia, tuân thủ đúng nguyên tắc đóng - hưởng là vấn đề được đặt ra khi sửa Luật Bảo hiểm xã hội. Vấn đề này cũng được các đại biểu Quốc hội phân tích, thảo luận sôi nổi tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 5 được tổ chức vừa qua.

Theo dự thảo Luật trình các đại biểu tại Hội nghị, điểm c khoản 1 Điều 74 nêu rõ các đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 3 của Luật này, đã chấm dứt tham gia bảo hiểm xã hội mà có đề nghị thì được hưởng bảo hiểm xã hội một lần nếu đang mắc một trong những bệnh ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, lao nặng, AIDS.

Đóng góp ý kiến về quy định này, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn thành phố Hà Nội) cho rằng, việc liệt kê các trường hợp được rút bảo hiểm xã hội một lần tại điểm c khoản 1 Điều 74 chỉ gồm "người đang mắc một trong những bệnh ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, lao nặng, AIDS" là chưa phù hợp.

“Còn những bệnh khác như suy tim thì sao? Có những trường hợp bị đau khớp, nhưng hoàn toàn không làm việc được; có những người bị bệnh da liễu, bênh lupus ban đỏ chẳng hạn, cũng không làm việc được.

Tôi đề nghị đừng liệt kê tên bệnh, nếu liệt kê như vậy thì không đủ, có lẽ phải thêm 5 trang nữa mới có thể đủ các bệnh để liệt kê. Tôi đề nghị quy định là người mắc bệnh kéo dài, mất khả năng lao động, mất khả năng làm việc, quy định có tính chất chung nhất thôi”, đại biểu Nguyễn Anh Trí phân tích.

Bảo đảm quyền lợi cho người tham gia BHXH theo nguyên tắc đóng - hưởng
Đại biểu Lý Tiết Hạnh thảo luận, góp ý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 5. Ảnh: Quốc hội

Để bảo vệ người lao động trong trường hợp người sử dụng lao động không còn khả năng đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động, Điều 41 dự thảo Luật đã quy định cơ chế đặc thù.

Theo đó, cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận tạm thời thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội khi có yêu cầu của người lao động làm cơ sở thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội trong trường hợp người sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng quy định tại Điều 37 và Điều 38 của Luật này mà tạm ngừng kinh doanh; không còn hoạt động kinh doanh tại địa chỉ đã đăng ký; bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do cưỡng chế về quản lý thuế; đang làm thủ tục giải thể, đã bị chia, bị hợp nhất, bị sáp nhập; đang làm thủ tục phá sản; đã phá sản; không có người đại diện theo pháp luật hoặc người được ủy quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật...

Góp ý vào Điều 41, Đại biểu Lý Tiết Hạnh (Đoàn tỉnh Bình Định) nêu hai vấn đề khiến bà rất trăn trở. Đó là trường hợp doanh nghiệp bị giải thể và phá sản, người lao động gặp nhiều khó khăn, nhưng quy trình, điều kiện để hưởng quyền lợi và chính sách bảo hiểm thì chặt chẽ, phức tạp và người lao động không được ưu tiên trong việc chi trả.

“Trong thực tế có những doanh nghiệp bị phá sản, sau khi bán hết tài sản đấu giá, số tiền đó không đủ để chi trả bảo hiểm xã hội cho người lao động, dù người lao động phải theo đuổi kiện cáo rất dài, nhưng cuối cùng vẫn không được hưởng chế độ này”, đại biểu cho biết.

Bên cạnh đó, đại biểu cho biết còn có “trường hợp cũng khá phổ biến, đó là người lao động đang làm việc, công tác bình thường và không nằm trong diện có thể rút bảo hiểm xã hội một lần theo Điều 74, nhưng chẳng may họ gặp tai nạn, hay bị đột tử.

“Họ không nằm trong trường hợp được hưởng trợ cấp tuất hàng tháng theo Điều 89, cũng không phải bị bệnh nghề nghiệp hay bị tai nạn lao động. Trong số những người đó, có nhiều người có thời gian đóng bảo hiểm xã hội rất lâu, có nhiều người là trụ cột trong gia đình, bây giờ rơi vào trường hợp đó theo luật chỉ được hưởng chế độ tử tuất.

Theo nguyên tắc đóng - hưởng thì có những người đóng bảo hiểm xã hội rất lâu, nhưng khi rơi vào trường hợp này thì không được hưởng chế độ tương xứng”, đại biểu Lý Tiết Hạnh cho biết.

Vì vậy, đại biểu Lý Tiết Hạnh đề nghị dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) lưu ý đến những trường hợp này để có phương án hợp lý, hợp tình, vừa đảm bảo quyền lợi cho người lao động có đóng bảo hiểm trên nguyên tắc có đóng, có hưởng, vừa đảm bảo an sinh xã hội.