Cách thức đăng ký trực tuyến tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trên Cổng dịch vụ công Hỗ trợ thêm cho người tham gia BHXH tự nguyện có hoàn cảnh khó khăn Hà Nội: Quyết liệt các giải pháp tăng cường phát triển người tham gia BHXH, BHYT

Theo đó, người tham gia BHXH tự nguyện được lựa chọn mức đóng và được Nhà nước hỗ trợ một phần mức đóng.

Cụ thể, khi tham gia BHXH tự nguyện, người dân sẽ được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng BHXH hằng tháng bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn, cụ thể: Hỗ trợ 30% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ nghèo; hỗ trợ 25% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ cận nghèo; hỗ trợ 10% đối với các đối tượng khác.

Thời gian hỗ trợ tùy thuộc vào thời gian tham gia BHXH tự nguyện thực tế của người tham gia nhưng tối đa không quá 10 năm (120 tháng).

Theo đó, sau khi được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng, mức đóng của người tham gia BHXH tự nguyện hiện nay như sau:

Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ mức đóng

Đặc biệt, nhằm tạo điều kiện cho người lao động tự do được tiếp cận và thụ hưởng chính sách BHXH, hiện nay, nhiều tỉnh còn hỗ trợ thêm từ ngân sách địa phương cho người tham gia BHXH tự nguyện ngoài mức quy định của Nhà nước. Do đó, số tiền thực đóng của người dân khi tham gia BHXH tự nguyện tại các địa phương này tiếp tục thấp hơn.

Tại Hà Nội, thực hiện Nghị quyết 03/2022/NQ-HĐND ngày 6/7/2022 của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội, từ 1/8/2022, người dân trên địa bàn Thủ đô Hà Nội sẽ được hỗ trợ thêm tiền đóng BHXH tự nguyện, với mức hỗ trợ thêm tương đương từ 66.000 -198.000 đồng tùy theo đối tượng.

Theo đó, cùng với mức hỗ trợ của Nhà nước theo quy định hiện hành, người dân Thủ đô tham gia BHXH tự nguyện sẽ được hỗ trợ thêm tiền đóng từ 10-30%, nâng tổng số mức đóng được hỗ trợ lên 20-60%. Theo đó, mức đóng BHXH tự nguyện hằng tháng thấp nhất đối với người thuộc hộ nghèo trên địa bàn thành phố Hà Nội là 132.000 đồng, hộ cận nghèo là 165.000 đồng, và người thuộc đối tượng khác là 264.000 đồng.

Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ mức đóng
BHXH thành phố Hà Nội ra quân tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện.

Đặc biệt, tại quận Long Biên (thành phố Hà Nội), được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, từ tháng 8/2022 đến hết tháng 12/2025, ngoài mức hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước và hỗ trợ theo cơ chế đặc thù của thành phố Hà Nội, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn quận Long Biên khi tham gia BHXH tự nguyện sẽ được hỗ trợ 100% tiền đóng BHXH hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn.

Như vậy, ngoài mức hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước và ngân sách của thành phố Hà Nội, đối với hộ nghèo, quận Long Biên sẽ hỗ trợ thêm 40% trên mức đóng BHXH tự nguyện hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn (tương ứng 132.000 đồng/người/tháng); đối với hộ cận nghèo, hỗ trợ thêm 50% mức đóng cho hộ cận nghèo (tương ứng 165.000 đồng/người/tháng).

Không chỉ được lựa chọn mức đóng, người lao động khi tham gia BHXH tự nguyện còn được lựa chọn phương thức đóng phù hợp với thu nhập của bản thân.

Cụ thể: Đóng định kỳ: Hằng tháng, 3 tháng một lần, 6 tháng một lần, 12 tháng một lần, nhiều năm một lần (không quá 5 năm/lần); đóng 1 lần: Cho những năm còn thiếu (không quá 10 năm) để đủ điều kiện hưởng lương hưu.

BHXH Việt Nam cho biết: Năm 2017 - trước thời điểm Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách BHXH (Nghị quyết 28) ban hành, số người tham gia BHXH tự nguyện của cả nước là 224 nghìn người.

Từ khi triển khai Nghị quyết 28, số người tham gia BHXH tự nguyện không ngừng tăng, kể cả trong tình hình kinh tế - xã hội bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Nếu như năm 2018 - năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết 28, toàn quốc có trên 277 nghìn người tham gia BHXH tự nguyện thì đến hết tháng 3/2023, con số này là gần 1,5 triệu người (gấp 5,4 lần so với thời điểm năm 2018).

Cùng với đó, hệ thống tổ chức dịch vụ thu BHXH, bảo hiểm y tế và mạng lưới cộng tác viên được mở rộng, phủ khắp đến từng xã, phường, thị trấn với mạng lưới cộng tác viên được trải đều đến từng thôn, bản, tổ dân phố… tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận chính sách và tham gia BHXH tự nguyện.

Với những kết quả đạt được cho thấy, chính sách BHXH tự nguyện đang ngày càng khẳng định vị trí, vai trò trong việc đảm bảo an sinh xã hội cho nhân dân, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân của Đảng, Nhà nước.