Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ - doanh nghiệp không thể thờ ơ
Doanh nghiệp vừa và nhỏ thiếu kinh nghiệm về tranh chấp thương mại quốc tế Không gian làm việc số và khả năng thích ứng của doanh nghiệp 4.0 |
Vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Các chuyên gia đánh giá, Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi đã mang tính toàn diện và sâu rộng nhất từ trước tới nay. Đồng thời cũng được kỳ vọng sẽ là cơ sở quan trọng giúp doanh nghiệp Việt Nam thực hiện nhiệm vụ bảo hộ, quản lý tài sản trí tuệ của mình một cách hiệu quả.
Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ hiện nay dẫn đến những thay đổi nhanh chóng về công nghệ. Cùng với xu hướng hội nhập trí tuệ, phát triển của khoa học, công nghệ vừa giúp phát huy và lan tỏa mạnh mẽ những mặt tích cực, đồng thời cũng tồn tại các vấn đề nổi cộm về sở hữu trí tuệ mà doanh nghiệp phải đối mặt.
Bảo hộ và quản lý tài sản sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm của doanh nghiệp là yêu cầu bắt buộc, doanh nghiệp không thể thờ ơ. |
Cụ thể, đó là các hành vi xâm phạm đang diễn ra ngày càng nhanh chóng hơn, tinh vi hơn với quy mô rộng lớn hơn, vượt qua cả ranh giới về địa lý và lãnh thổ quốc gia, thay đổi hình thức từ môi trường kinh doanh truyền thống lên môi trường thương mại điện tử và internet.
Có thể kể đến như sản phẩm kẹo dừa Bến Tre bị một đối tác làm nhái và đăng ký độc quyền nhãn hiệu này ở Trung Quốc; Vinataba, Trung Nguyên, Vifon… phát hiện thương hiệu của mình bị đăng ký tại nhiều quốc gia; nước mắm Phú Quốc liên tục bị công ty nước ngoài đăng kí nhãn hiệu… Do đó việc bảo hộ và quản lý tài sản sở hữu trí tuệ là yêu cầu bắt buộc, doanh nghiệp không thể thờ ơ.
Ông Phạm Nghiêm Xuân Bắc, Chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam nêu rõ: "Trong cuộc cách mạng công nghiệp lần 4, quyền sở hữu trí tuệ sẽ trở thành một trong những công cụ quyết định sức mạnh cạnh tranh tổ chức, doanh nghiệp.
Ngày 16/6/2022 Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ nhằm tạo ra một bước phát triển mới của hệ thống sở hữu trí tuệ Việt Nam phù hợp với các quy định quốc tế mà Việt Nam đã tham gia. Đây là cơ sở quan trọng giúp doanh nghiệp Việt Nam thực hiện nhiệm vụ bảo hộ, quản lý tài sản trí tuệ của mình một cách hiệu quả".
Luật Sở hữu trí tuệ vừa được sửa đổi mang tính toàn diện và sâu rộng nhất từ trước tới nay. |
Việc sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ vừa qua, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Luật sư thành viên, Công ty Luật Vision & Associates đánh giá, lần sửa này của Luật Sở hữu trí tuệ mang tính toàn diện và sâu rộng nhất từ trước tới nay. Trong đó, các thay đổi liên quan đến các chế định bảo hộ nhãn hiệu sẽ là điều mà các doanh nghiệp phải quan tâm trước hết.
Ngoài vấn đề mới cho việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp về cơ chế thực thi quyền sở hữu trí tuệ, Luật Sở hữu trí tuệ có thay đổi tích cực là cho phép sự tham gia của cơ quan nhà nước khi phát hiện ra các hành vi xâm phạm trong quá trình thực thi công vụ. Việc xử lý này được tiến hành ngay mà không cần yêu cầu từ phía chủ thể quyền…
Bà Nguyễn Thị Thu Hà cho rằng, ngay từ bây giờ các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu để vận dụng tốt nhất các quy định. "Những hoạt động từ phía cơ quan Nhà nước Việt Nam trong việc phổ biến pháp luật là cần tuyên truyền, giáo dục, đào tạo liên quan đến sở hữu trí tuệ; Bởi vì đây là quy luật chuyên ngành.
Điểm thứ hai liên quan tới chính các doanh nghiệp cần phải chủ động trong việc tìm hiểu các quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ, tìm hiểu thông tin, tư vấn từ luật sư để có thể vận dụng tốt nhất những quy định đó cho mình. Các doanh nghiệp nên chủ động không nên chờ đợi để được cung cấp dịch vụ hay là sự giải thích… từ phía cơ quan nhà nước"./.
Theo Nguyễn Hằng/VOV.VN
https://vov.vn/kinh-te/bao-ho-quyen-so-huu-tri-tue-doanh-nghiep-khong-the-tho-o-post967333.vov
Bình luận