Công ty thương mại điện tử nào phổ biến nhất trên mạng xã hội? Làm giàu từ phát triển mô hình trang trại tổng hợp Hàng nghìn hộ dân thoát nghèo nhờ vốn vay chính sách

Ở thôn Long Phú, xã Hòa Thạch, người thương binh 4/4 Lê Văn Huệ được bà con hết lời khen ngợi, nể phục bởi sự dũng cảm trong thời chiến và sự chăm chỉ, cần cù lao động của ông trong cuộc sống hôm nay. Ông tham gia quân ngũ từ năm 1979, làm nhiệm vụ quốc tế ở chiến trường Campuchia.

Đến năm 1982, ông bị thương với 3 vết thương thực thể, hiện, ông Huệ vẫn còn mảnh kim loại trong người. Những lúc trái gió trở trời, ông vẫn bị hành hạ bởi những vết thương do chiến tranh để lại.

Sau khi xuất ngũ trở về địa phương, một thời gian, ông làm công nhân cơ khí tại Công ty Sông Đà. Đến năm 1989, ông Huệ nghỉ việc và cùng vợ nhận đất, nhận rừng, lên Hòa Thạch để phát triển kinh tế.

Bí quyết làm giàu của người thương binh giàu nghị lực
Thương binh Lê Văn Huệ từng cầm súng chiến đấu trên các chiến trường lại tiếp tục “chiến đấu” trên mặt trận xóa đói, giảm nghèo, xây dựng kinh tế gia đình ngày càng khá giả... (Ảnh: K.Tiến)

Lúc đầu, vợ chồng ông Huệ tận dụng diện tích đất được giao để trồng cây chè. Khi chè được Công ty Long Phú thu mua để xuất khẩu, người dân vẫn sống được bằng cây chè. Tuy nhiên, một thời gian sau, cây chè đã không còn đem lại hiệu quả kinh tế cao. Do vậy, khi Công ty Long Phú giải thể, vợ chồng ông đã nghiên cứu chuyển sang thực hiện mô hình chăn nuôi, trồng cây ăn quả.

Thời gian đầu chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, vợ chồng ông Huệ đã kiên trì khai khẩn đất để trồng cây ăn quả như bưởi, nuôi gà. Gia đình ông là một trong số ít những hộ tiên phong đi đầu trong nuôi gà đẻ ở địa phương.

Khi bắt đầu nuôi gà, trồng cây ăn quả, vợ chồng ông gặp không ít khó khăn trong việc lựa chọn cây trồng, vật nuôi, kỹ thuật chăm sóc vật nuôi cũng như quá trình vận chuyển vì giao thông thời đó không thuận tiện. Nhưng với tâm niệm “đã làm thì không sợ, đã sợ thì không làm”, vợ chồng ông kiên trì, cần mẫn tìm tòi học hỏi, từng bước tháo gỡ khó khăn.

Trước khi nuôi và nhân rộng gà đẻ trứng, gia đình ông Huệ đã nuôi thử nghiệm nhiều giống gà có nguồn gốc xuất xứ từ các tỉnh phía Bắc. Ở thời điểm đó, ông nhận thấy gà đẻ là giống gà dễ nuôi, mang lại thu nhập cao nên đã tập trung phát triển mô hình theo hướng có quy mô, đầu tư xây dựng chuồng trại nuôi nhằm đảm bảo an toàn.

Để nuôi gà đẻ trứng đem lại hiệu quả, ông đã đi tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi từ những người quen đã từng nuôi. Đồng thời, nhờ sự tư vấn của cán bộ thú y để biết cách chăm sóc, phòng ngừa dịch bệnh. “Nhờ chịu khó lao động, tận dụng các điều kiện thuận lợi để thay đổi cơ cấy kinh tế, trồng cây ăn quả, chăn nuôi. Từ đó, cuộc sống gia đình tôi đỡ vất vả hơn”.

Theo chia sẻ của ông Huệ, những năm đầu mới nuôi gà đẻ, lãi suất cao hơn, bệnh tật ít và tính cạnh tranh thấp hơn. Có thời điểm, gia đình ông Huệ nuôi tới 6.500 gà đẻ trứng và trồng nhiều loại cây ăn quả, tạo việc làm cho nhiều lao động. Thậm chí, có thời điểm nuôi, trồng hiệu quả, thu nhập lên tới 600 triệu đồng/năm.

“Một số năm trở lại đây, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên việc chăn nuôi cũng gặp nhiều khó khăn. Từ đầu năm đến nay, chúng tôi cũng đang bắt đầu khôi phục, phục hồi lại kinh tế. Hiện tại, gia đình tôi có 2 trại gà, 1 trại nuôi gà đẻ trứng và 1 trại nuôi gà bán thịt”, ông Huệ cho biết.

Cũng theo ông Huệ, hiện nay, nhu cầu thị trường thay đổi từng ngày nên phải tích cực tìm tòi, nuôi, trồng những giống mới có năng suất và hiệu quả cao hơn. Bên cạnh việc nuôi gà, chăm sóc vườn bưởi, ông Huệ cũng đang nghiên cứu trồng thử nghiệm thêm các loại cây khác hướng tới đa dạng cây trồng.

Bí quyết làm giàu của người thương binh giàu nghị lực
Mô hình nuôi gà đã đem lại hiệu quả, thu nhập cao cho gia đình ông Huệ.

Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, cựu chiến binh Lê Văn Huệ vẫn luôn giữ tác phong của người lính, cần cù, hăng say lao động, bởi ông suy nghĩ lao động không những mang lại niềm vui cho tuổi già mà còn góp phần đỡ đần cho con cháu.

Đặc biệt, trong những năm qua, mặc dù thương tật, nhưng ông Huệ và gia đình luôn gương mẫu chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Bên cạnh các hoạt động đẩy mạnh phát triển kinh tế, ông Huệ cũng tham gia công tác ở thôn với vị trí Trưởng ban kiểm soát Hợp tác xã thôn Long Phú.

Ông Huệ thường xuyên cùng cán bộ thôn đi học tập các mô hình kinh tế mới, cách nuôi trồng hiệu quả để truyền đạt lại cho bà con nông dân. Là người có uy tín trong cộng đồng, ông tuyên truyền, vận động người dân xây dựng đời sống văn hóa, giữ gìn an ninh, trật tự trên địa bàn, giúp họ vươn lên ổn định cuộc sống…

Ông Đỗ Tiến Hùng - Trưởng thôn Long Phú (xã Hòa Thạch) cho biết, cựu chiến binh Lê Văn Huệ là một trong những tấm gương tiêu biểu trong thực hiện mô hình sản xuất nuôi gà lai có hiệu quả để phát triển kinh tế gia đình. Không chỉ vậy, ông còn tích cực tham gia vào công tác xã hội tại địa phương, xứng đáng là tấm gương để nhiều người khác học tập và noi theo.

Với những nỗ lực đáng ghi nhận, nhiều năm liền ông Lê Văn Huệ được UBND huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội khen thưởng vì có thành tích nổi bật trong phát triển kinh tế ở địa phương; thậm chí mô hình kinh tế của ông đã từng được nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng đến thăm, động viên.