Bình Dương: Phát triển ngành Logistics trên nền thương mại điện tử
Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương đang hoàn thiện dự thảo kế hoạch phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn đến năm 2025, định hướng 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu Bình Dương sẽ trở thành trung tâm vệ tinh, là nơi tập kết hàng, tập trung các dịch vụ logistics phục vụ các hoạt động sản xuất hàng hóa tại các khu, cụm công nghiệp trong khu vực. Hình thành chuỗi cung ứng hàng hóa từ nhà sản xuất đến các thị trường tiêu thụ trong nước và nước ngoài, thúc đẩy phân phối đến các tỉnh/thành phố trong khu vực cũng như xuất khẩu ra nước ngoài.
Hoạt động logistics diễn ra nhộn nhịp trên địa bàn tỉnh Bình Dương. |
Đến năm 2025, 100% trung tâm lớn sẽ đạt cấp độ trên mức 5PL (E-Logistics - Logistics trên nền thương mại điện tử). Hình thành hệ thống các cảng trên sông Đồng Nai, sông Sài Gòn và sông Thị Tính kết nối với tuyến đường vành đai 3, vành đai 4, gồm cảng An Sơn, cảng An Tây, cảng An Điền; nâng cấp cảng Bình Dương đáp ứng tiêu chuẩn cảng container cửa khẩu quốc tế.
Giai đoạn 2026 - 2030, Bình Dương trở thành trung tâm vệ tinh của khu vực Đông Nam Bộ, là nơi tập kết hàng, tập trung các dịch vụ logistics phục vụ các hoạt động sản xuất hàng hóa tại các khu, cụm công nghiệp; hình thành chuỗi cung ứng hàng hóa từ nhà sản xuất đến các thị trường tiêu thụ trong nước và nước ngoài. Phát triển mới các trung tâm logistics, cảng cạn ICD hiện đại, chuyên nghiệp, đạt tiêu chuẩn quốc tế nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất, lưu thông hàng hóa trong khu vực và xuất nhập khẩu, gồm ICD Bàu Bàng, ICD Hòa Phú, ICD Vĩnh Tân, ICD An Điền, ICD Thạnh Phước. Khu vực huyện Bàu Bàng sẽ thu hút đầu tư Trung tâm kho vận chuyển logistics tại xã Tân Hưng khoảng 290 ha và xã Long Nguyên khoảng 4,69 ha. Huyện Dầu Tiếng sẽ thu hút đầu tư Trung tâm kho vận chuyển logistics tại xã Thanh Tuyền từ 50 -100 ha và tại xã Thanh An từ 50 -100 ha (hạng II).
Giai đoạn 2035-2040, các khu, cụm công nghiệp tại thành phố Thuận An định hướng chuyển đổi mô hình sang khu vực kinh doanh dịch vụ logistics, dịch vụ đô thị, nhà ở xã hội và nhà ở thương mại. Trong đó, Khu công nghiệp Việt Hương và Khu công nghiệp Đồng An định hướng kêu gọi doanh nghiệp chủ đầu tư chuyển đổi sang mô hình khu dịch vụ logistics của tỉnh. Đến năm 2045, dịch vụ logistics trở thành một trong những ngành kinh tế quan trọng, mũi nhọn, là yếu tố động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Dương.
Bình luận