Cần chính sách rõ ràng và dài hạn về năng lượng tái tạo
Tại diễn đàn “Điện gió và mục tiêu Net Zero 2050”, ông Lương Quang Huy - Trưởng phòng Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ôzôn, Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, về mặt kỹ thuật, điện gió ngoài khơi của Việt Nam có thể đạt 31.808 km2 tương đương 162.200 MW (Cơ quan Năng lượng Đan Mạch, DEA, 2020).
Đồng thời, điện gió ngoài khơi cũng được xem là giải pháp đột phá nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, giảm phụ thuộc vào nhiên liệu nhập khẩu, giảm phát thải khí nhà kính; tạo việc làm, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và cải thiện đời sống của người dân. Các địa điểm ngoài khơi để triển khai trang trại điện gió không bị giới hạn, đồng thời ít hoặc không xảy ra xung đột với cộng đồng cư dân; cấu trúc các tuabin gió ngoài khơi có thể hoạt động như các rặng san hô nhân tạo, thu hút sinh vật biển, tác động tích cực tới hệ sinh thái biển.
Chuyên gia cho rằng vẫn còn có những chính sách chưa rõ ràng. (Ảnh: BTC) |
Nếu như được đầu tư vào hệ thống truyền tải cũng như điều độ thông minh, điện gió hoàn toàn có thể trở thành nguồn chủ đạo của hệ thống năng lượng Việt Nam trong tương lai. Tuy nhiên, các nhà đầu tư vẫn còn gặp phải những khó khăn do những chính sách chưa rõ ràng, vẫn còn nhiều hạn chế, khiến cho quá trình đầu tư không được thuận lợi và nhanh chóng như mong muốn.
Chia sẻ về một số khó khăn khi triển khai, dưới góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Việt Dũng - Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Halcom Việt Nam nhận định, hiện chưa có văn bản, quy định hướng dẫn cụ thể bước triển khai các dự án năng lượng tái tạo sau khi Quy hoạch điện VIII được phê duyệt. Bên cạnh đó, ưu đãi đầu tư chưa thu hút nhà đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, hệ thống năng lượng tái tạo còn phụ thuộc khả năng truyền tải hệ thống điện quốc gia. Cuối cùng là thời gian và quy trình giải phóng mặt bằng lâu, chậm bàn giao mặt bằng.
Có thể thấy, việc chuyển dịch sang năng lượng tái tạo, điện gió được kỳ vọng sẽ là nhóm được đầu tư nhiều nhất tại Việt Nam trong thời gian tới. Củng cố cho việc phát triển sản lượng nhóm điện gió là các giới hạn của nhóm năng lượng mặt trời và thủy điện, mở đường cho điện gió chiếm vị trí trung tâm trong phát triển năng lượng tái tạo.
Ngoài sự cần thiết trong việc làm rõ ràng, minh bạch các quy định, chính sách, để định hướng phát triển điện gió tại Việt Nam trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Vy - Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam nhấn mạnh: “Cần đẩy mạnh phát triển các nguồn năng lượng tái tạo trong đó có điện gió trên bờ và ngoài khơi và ưu tiên phát triển không giới hạn công suất các nguồn điện từ năng lượng tái tạo phục vụ xuất khẩu, sản xuất năng lượng mới như hydro, amoniac xanh,…
Chuyển dịch năng lượng là xu thế tất yếu trong bối cảnh nguồn năng lượng hóa thạch đang ngày càng cạn kiệt và gây tác động không tốt đến môi trường. Với quyết tâm mạnh mẽ trong việc chuyển đổi hướng đi ngành năng lượng, điện gió có vai trò quan trọng trong hệ thống năng lượng tương lai, là chìa khóa để Việt Nam hiện thực hóa các mục tiêu phát triển xanh, bền vững đã đề ra.
Bảo Anh
Bình luận